Tại buổi làm việc, điều tra viên hỏi tại sao mẹ nhà báo Hoàng Hùng viết đơn khiếu nại, ai viết giùm… nhưng không cho luật sư chứng kiến trong khi bà không biết đọc.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An hôm qua (19/1), mời bà Nguyễn Thị Kim Nga, mẹ cố nhà báo Hoàng Hùng (phóng viên Báo Người Lao Động), đến trụ sở để làm việc. Động thái này diễn ra ngay sau khi TAND tỉnh Long An trả lại toàn bộ hồ sơ để điều tra lại vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại.
Như vậy, đúng vào ngày tròn một năm xảy ra vụ án làm chấn động dư luận cả nước (ngày 19/1/2011), ngành công an mới chính thức mời người đại diện của phía bị hại lên tiếp xúc.
Tuy nhiên, nội dung buổi làm việc không phải thông báo về tiến độ, kết quả hay những thông tin liên quan đến việc điều tra đối tượng phạm tội mà chỉ xoay quanh vấn đề vì sao bà Nga lại gửi đơn cho Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội... đề nghị chỉ đạo điều tra lại vụ giết chết con trai của bà.
Ngay sau buổi làm việc với cơ quan điều tra, bà Nguyễn Thị Kim Nga cho biết, người làm việc với bà là điều tra viên Võ Văn Hùng. Tại buổi làm việc, ông Hùng chủ yếu hỏi về nội dung các tờ đơn, tại sao bà biết viết, làm sao viết được tờ đơn với nội dung như vậy, ai đã viết giùm...
“Họ nói sắp tới làm lại (điều tra lại - PV) và hỏi tôi có nhớ nội dung tờ đơn, lâu nay có ai đến trao đổi gì về vụ nhà báo Hoàng Hùng không? Tôi nói là rất bức xúc vì một năm kéo dài rồi mà vụ án chưa được đưa ra xét xử nên tôi than phiền với luật sư Nguyễn Văn Đức (người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Nga - PV) và nhờ luật sư làm đơn giúp cho. Tôi sợ làm việc như kiểu này, có khi tôi chết trước con dâu (bà Trần Thúy Liễu) mà vẫn chưa nhìn thấy kết quả xét xử như thế nào. Tôi buồn lắm”, bà Nga nói.
Do bà Nguyễn Thị Kim Nga đã già yếu (75 tuổi) và không biết đọc, ngày 19/1, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà là luật sư Nguyễn Văn Đức đã từ TP HCM đến Long An để trợ giúp pháp lý cho bà Nga nhưng ông không được CSĐT chấp nhận tham gia buổi làm việc nói trên.
Trong khi đó, em trai của nhà báo Hoàng Hùng, ông Lê Hoàng Minh, đi cùng bà Nga, cũng không được điều tra viên cho vào phòng làm việc khi tiếp xúc với cán bộ điều tra.
Về vấn đề này, luật sư Phan Trung Hoài, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng việc Cơ quan CSĐT ngăn cản luật sư chứng kiến buổi làm việc là không phù hợp với quy định của Luật Tố tụng Hình sự.
Khi đã được cơ quan tố tụng thừa nhận tư cách hợp pháp trong một vụ án, luật sư được phép tham gia hỗ trợ pháp lý cho thân chủ trong tất cả các giai đoạn tố tụng và quá trình giải quyết vụ án.
Trong trường hợp kể trên, người được bảo vệ lại là phụ nữ và đã lớn tuổi, không biết đọc nên càng phải tạo điều kiện cho luật sư tham gia làm việc.
Về việc luật sư Đức giúp bà Nga soạn thảo đơn gửi các cơ quan Nhà nước, luật sư Phan Trung Hoài nói điều đó hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật. “Pháp luật cho phép luật sư thực hiện các dịch vụ trợ giúp pháp lý, trong đó có hướng dẫn, soạn thảo đơn khiếu kiện, khiếu nại...; đương sự chỉ cần đọc, ký tên và hoàn toàn chịu trách nhiệm về các loại văn bản đó” - luật sư Phan Trung Hoài nói.
Luật sư Đức đã được cấp giấy chứng nhận Sau đó, thượng tá Phạm Văn Tiến, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An, đã ký cấp giấy chứng nhận cho luật sư Đức. Trong quá trình tham gia tố tụng, luật sư Đức đều được VKSND, TAND tỉnh Long An đồng ý cho tiếp cận hồ sơ, sao chụp tài liệu, thừa nhận tư cách tham gia tố tụng của luật sư trong vụ án. |
Theo Người lao động