Sự thừa thãi nước mắt
Thực tế, trong mấy năm trở lại đây, nước mắt trên truyền hình thực tế đang bị thừa thãi, đặc biệt các chương trình dành cho trẻ em. Đơn cử, trong “Giọng hát Việt nhí” năm nào cũng có cả chục thí sinh có hoàn cảnh đáng thương, được thể hiện qua những đoạn clip hậu trường công phu, có góc nhìn đa chiều của hàng loạt người khác nhau … để làm nổi bật sự đáng thương của thí sinh. Nhưng về mặt chuyên môn mà nói, bản thân nhiều thí sinh nhí ngoài hoàn cảnh “đẫm nước mắt” lại không thực sự có khả năng nổi trội.
Người xem từng rơi nước mắt trước hoàn cảnh đáng thương của cô bé H. 11 tuổi ở Củ Chi mồ côi cha, nhà nghèo không được đến trường học, mà phải đi mưu sinh bằng nghề hát đám cưới. Hay cô bé N.A bị khiếm thị bẩm sinh vì sinh non nhưng vẫn khát khao theo đuổi giấc mơ ca hát. Điểm chung là những câu chuyện này nhằm đẩy rating chương trình Giọng hát Việt nhí lên cao hơn bởi đã tạo được ý nghĩa cho những cuộc sống khó khăn của các bạn nhỏ, với thông điệp đại loại như chương trình cho các em được ước mơ và cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Nhưng ý nghĩa thực sự như thể nào thì sau cuộc thi, có thể thấy, phần lớn các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn quay trở lại với cuộc sống đời thường, chật vật với gánh nặng mưu sinh. Những mảnh đời thương tâm trên đã nhanh chóng chìm vào quên lãng với dư luận cũng như với các nhà sản xuất.
Người ta cũng dễ dàng bắt gặp ở bất kỳ chương trình truyền hình thực tế nào những câu chuyện cảm động về hoàn cảnh đáng thương của thí sinh, những nghị lực sống, những chuyện tình yêu đầy tình người... Có thể thấy những trường hợp khác như Ya Suy, Hồ Văn Cường, Phương Mỹ Chi, Ngô Trung Quang, Đông Hùng, Thái Ngân... trong rất nhiều những gameshow như Nhân tố bí ẩn, Vietnam Idol, Thần tượng Bolero… khi đời tư của họ được khai thác rất đầy đủ và chi tiết nhưng đều theo cùng một motip như cuộc sống khó khăn, phải nỗ lực bươn chải đời từ sớm... Không thể phủ nhận, bên cạnh tài năng thì hoàn cảnh của những thí sinh này đã mang lại cho họ thêm nhiều lợi thế. Và không khó để kể ra một vài trường hợp nhờ hoàn cảnh mà đăng quang, chứ không hẳn tài năng quá xuất sắc.
Song, không ít người đặt câu hỏi về mục đích phát những clip hậu trường về cuộc sống của thí sinh trên truyền hình thực tế. Bản thân các nhà sản xuất cũng chỉ khơi gợi lòng trắc ẩn của khán giả truyền hình ở những tập đầu tiên rồi cũng “mặc kệ” thí sinh bơi trong cuộc sống của họ. Sự hỗ trợ để “thắp sáng tài năng” hoặc sự chia sẻ để cuộc sống của những thí sinh này bớt khó khăn đã không hề được thực hiện.
Lòng trắc ẩn bị lợi dụng
Nhiều người cho rằng, khi truyền hình thực tế bùng nổ với đủ các thể loại như: Thi hát, thi diễn hài, thi nấu ăn, thi tài năng, thi người mẫu, thi thiết kế, thi hùng biện... thì rất nhiều nhà sản xuất tìm đến “chiêu trò” để cạnh tranh. Và một trong những “vũ khí” lợi hại để kéo người xem đến với chương trình đó là nước mắt, lòng trắc ẩn...
Còn nhớ, cách đây không lâu, dư luận cũng từng “dậy sóng” với chuyện tình đầy cảm động của một cô gái mù đến từ Nghệ An với anh chàng đến từ Thanh Hoá (tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) trên truyền hình. Chuyện tình của cặp đôi này đẹp đẽ và thấm đẫm tình người tới mức ai xem cũng phải rơi lệ. Tuy nhiên, sau đó nhiều người đã chưng hửng khi biết sự thật là anh chàng này đã có vợ con riêng và chưa hề tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Câu chuyện của người cha đơn độc tên H.N. “gà trống” nuôi 2 con nhỏ bị teo não từng khiến hàng triệu trái tim khán giả phải rung động là một ví dụ điển hình về mặt trái của chuyện khai thác đời tư “câu view” trên truyền hình. Bởi, sự việc sau đó đã gây ra nhiều tranh cãi trái chiều về hoàn cảnh thực sự của người đàn ông này. Khi câu chuyện vẫn đang trong “vòng xoáy” của những điều sáng tối thì vợ cũ của người đàn ông này bất ngờ xuất hiện “tố” chồng mình đã “dàn dựng” nên câu chuyện chị bỏ con để “câu” lòng trắc ẩn của người đời. Sau đó, một số cư dân mạng đã đến tận nhà tìm hiểu và phát đi thông tin anh N. bị nhiều người gọi điện đe doạ, bắt anh phải trả lại tiền cho các mạnh thường quân và nói lời xin lỗi mọi người.
Hay khán giả từng xót thương cho thân phận cô gái bị tai nạn khiến khuôn mặt biến dạng nên phải đeo mặt nạ tham gia X-Factor, song sau đó người ta phát hiện ra cô chính là Anh Thúy, một ca sĩ chuyên nghiệp từng nổi đình đám trong nhóm Mắt Ngọc ngày nào. Dư luận phẫn nộ tới mức khiến cho cô ca sĩ này buộc phải nói lời xin lỗi, xin rút khỏi cuộc thi vì gian dối.
Chương trình “Hát mãi ước mơ” với những câu chuyện không thể éo le hơn. Cha hát cho con, con hát cho mẹ bệnh tật nan y, tất cả đều được kể một cách chi tiết. Để rồi đằng sau sự cảm thông thì cũng là lúc người tham gia gặp vô vàn rắc rối bởi một số người lợi dụng đẩy nó đi quá xa. Mặt khác, những câu chuyện của cộng đồng LGBT ngày càng được khai thác trong nhiều gameshow vì yếu tố xu hướng, gợi tò mò cho người xem.
Song, đó mới chỉ là một phần những câu chuyện bị “bóc mẽ”, dù không thể khẳng định hoàn toàn đây là ý đồ của nhà sản xuất hay thí sinh. Trong “ma trận” của những lời đồn thổi, những câu chuyện đã có hoặc chưa có sự kiểm chứng… nhiều người xem vẫn muốn cảm thông, tin tưởng; nhưng cũng có nhiều người khác phẫn nộ vì cảm thấy lòng trắc ẩn của mình bị lợi dụng.
Nhan nhản các câu chuyện thương tâm bi đát trên truyền hình mà thực hư còn bỏ ngỏ |
Nhàm, nhảm, nhạt và tàn nhẫn!
Không có sức hút, không có người xem thì chương trình không thể tồn tại. Song, liên tiếp những câu chuyện ồn ào và tiêu cực về hoàn cảnh của người chơi trong cách gameshow truyền hình đã khiến công chúng đặt câu hỏi, việc kể lể đời tư trên truyền hình là nhằm mục đích gì, nó có nhân văn hay chỉ là lợi dụng tình hình để “câu khách”? Đằng sau mỗi câu chuyện này trách nhiệm thuộc về ai, và ai là người được hưởng lợi trên thực tế?
Khán giả truyền hình ngày càng mất niềm tin vào những câu chuyện thương tâm, đẫm nước mắt trên THTT bởi những nguyên do như “bị nhàm, nhảm, nhạt và biến chất”. Nhiều người cho rằng, không có gì tàn nhẫn hơn khi lòng trắc ẩn bị lợi dụng để kiếm tiền. Dù với nhà sản xuất có mục đích ban đầu là mang đến cho khán giả những món ăn tinh thần, họ cần “dừng ngay hành động “thả sạn” vào món ăn mà mình kỳ công nấu nướng” và “vô tình biến mình từ người có tâm thành kẻ nhẫn tâm”. Còn đối với thí sinh, kể cả khi một người đạt giải quán quân bằng “chiêu trò” chứ không phải bằng thực lực bản thân thì cũng khó bề có thể vượt qua con đường dài đầy thử thách trước mắt mang tên “thực tế”, đặc biệt đối với những người mong muốn hào quang nổi tiếng hoặc theo đuổi nghệ thuật.
Tựu trung lại, công bằng mà nói, việc THTT lấy nước mắt hoặc khơi dậy lòng trắc ẩn của người xem sẽ không có gì là xấu nếu câu chuyện đó là sự thật. Những câu chuyện đời thực mang tính nhân văn được đưa lên truyền thông không chỉ để người xem thấy được cuộc sống xung quanh mình có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương, nghị lực sống đáng khâm phục… và qua đó có thể phần nào giúp đỡ cho những mảnh đời kém may mắn. Tuy nhiên, lợi dụng nỗi đau của người khác, lợi dụng lòng trắc ẩn của người xem, lừa dối khán giả để tăng rating… là những chiêu thức cực kì “tàn nhẫn” dù cho đó là ý đồ của nhà sản xuất muốn nhanh chóng hoàn vốn hay là của người chơi hoặc gia đình người chơi muốn nhanh chóng nổi tiếng. Bởi khi đó, “lừa phỉnh” người xem bằng những câu chuyện dối trá không chỉ làm mất niềm tin của họ vào lòng tốt thật sự, mà còn lấy đi cơ hội của rất nhiều những mảnh đời éo le ngoài thực tế đang rất cần được sự quan tâm, giúp đỡ của xã hội.