Trong nhiều điểm mới có quy định tại Điều 24, khoản 1 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ. Điều khoản đã được sửa đổi góp phần cho các cơ quan tiến hành tố tụng được mạnh tay hơn, dễ áp dụng để bảo vệ được các quyền và nghĩa vụ của nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan một cách hợp pháp, ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của người phải thi hành án nhằm trốn trách nghĩa vụ thi hành án dân sự. Liên quan đến điểm mới sửa đổi, bổ sung này thực tế gặp phải trường hợp mà lâu nay có nhiều quan điểm trái chiều nhau giữa các cơ quan nhà nước với ngân hàng, tổ chức tín dụng... làm cho chấp hành viên gặp nhiều khó khăn không thể xử lý án kịp thời được.
Chấp hành viên gặp khó trong xử lý tài sản
Đơn cử một trường hợp tranh chấp dân sự theo Quyết định số: 09/2015/QDDS ngày 20 tháng 04 năm 2015 của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh P, giữa vợ chồng ông Nguyễn H, bà Phan Thị S với Vợ chồng ông Tô Văn N, bà Nguyễn Thị B. Sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thì ông H, bà S làm đơn yêu cầu thi hành án nhiều lần theo từng thời gian trả dần và Chi cục Thi hành án dân sự huyện X, đã thụ lý và ra các Quyết định thi hành án. Về khoản phải thi hành: Vợ chồng ông Tô Văn N, bà Nguyễn Thị B, có nghĩa vụ trả nợ cho vợ chồng ông Nguyễn H, bà Phan Thị S với tổng số tiền 150.000.000đ và lãi chậm thi hành án.
Quá trình thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án về tài sản của vợ chồng ông N, bà B được biết tài sản đã thế chấp tại Ngân hàng TMCP KL, sau thời điểm bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Vợ chồng ông N, bà B không dùng số tiền vay được để thi hành án và không tự nguyện thi hành mà còn có hành vi chây ỳ, trốn tránh, xem thường pháp luật không thực hiện nghĩa vụ dân sự theo án tuyên. Do đó, sau một thời gian vận động, thuyết phục và cho thi hành án dần theo yêu cầu của các bên đương sự đến thời điểm không thực hiện nghĩa vụ cam kết nữa và đồng ý kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án.
Ngày 29/6/2017, Chi cục thi hành án dân sự huyện X, đã tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản nhà và đất của vợ chồng ông N, bà B. Tài sản kê biên gồm: 01 ngôi nhà cấp 4 và diện tích đất tại thửa 619, tờ bản đồ 39, tọa lạc tại huyện X. Được UBND huyện X cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: AD 158081 ngày 29/01/2009 cho vợ chồng ông Tô Văn N, bà Nguyễn Thị B đứng tên chủ sở hữu. Trong quá trình kê biên, có đại diện Ngân hàng TMCP KL chứng kiến việc kê biên, ký tên vào biên bản kê biên đầy đủ.
Đối chiếu với quy định pháp luật, Chi cục nhận thấy việc cưỡng chế, kê biên nhà và đất của vợ chông ông Tô Văn N, Nguyễn Thị B là đúng theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự. Hợp đồng thế chấp tài sản đã kê biên nêu trên với Ngân hàng TMCP KL, sau Quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật, thì vẫn tiến hành kê biên, xử lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ. Tại thời điểm kê biên có sự chứng kiến của Ngân hàng, các bên đương sự và người có quyền và nghĩa vụ liên quan không có tranh chấp. Sau khi kê biên Chấp hành viên có đề nghị các bên đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan được quyền tranh chấp theo quy định tại Điều 75 Luật Thi hành án dân sự. Nhưng các bên không yêu cầu khởi kiện, chấp hành viên tiếp tục các quy trình xử lý, hợp đồng thẩm định giá, bán đấu giá theo quy định…
Nâng tính khả thi của bản án
Trong quá trình bán đấu giá, Ngân hàng TMCP KL, yêu cầu dừng việc bán đấu giá khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện X thụ lý giải quyết tranh chấp hợp đồng thế chấp tài sản kê biên nêu trên và nhiều quan điểm không đồng nhất với cơ quan thi hành án bởi cho rằng Ngân hàng cho vay hợp pháp, khi xử lý tài sản phải ưu tiên thanh toán cho Ngân hàng. Có quan điểm của người được thi hành án cho rằng tài sản đó thế chấp sau khi có bản án, quyết định của Tòa án nên không thể ưu tiên theo quy định…
Những khó khăn đó của Chấp hành viên đã được giải thoát phần nào khi (Điều 24, khoản 1 Nghị định 62/2015/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ. Điều luật đã quy định: “Trường hợp tài sản đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà phát sinh các giao dịch liên quan đến tài sản đó thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án. Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.
Trường hợp có giao dịch về tài sản mà người phải thi hành án không sử dụng toàn bộ khoản tiền thu được từ giao dịch đó để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc có tài sản khác nhưng không đủ để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án thì xử lý như sau:
Trường hợp có giao dịch về tài sản nhưng chưa hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo quy định…..”
Như vậy với các quy định này, những hành vi tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án dân sự sẽ bị ngăn chặn, góp phần làm cho bản án có hiệu lực, khả thi hơn trong thực tiễn.