Màn biểu diễn ảo thuật phải đổi bằng tính mạng

Chanchal Lahiri khi được thả xuống sông để thực hiện màn ảo thuật hôm 16/6
Chanchal Lahiri khi được thả xuống sông để thực hiện màn ảo thuật hôm 16/6
(PLVN) - Sau một ngày mất tích, thi thể của ảo thuật gia Chanchal Lahiri, 41 tuổi, được tìm thấy vào tối 17/6 gần huyện Howarh, bang Tây Bengal, Ấn Độ, cách vị trí ông biểu diễn một km. Anh trai của Lahiri đã xác nhận thi thể của nạn nhân.

Gian dối từ lúc xin cấp phép?

Cuộc điều tra ban đầu của cảnh sát cho thấy Lahiri phạm nhiều sai lầm khi nỗ lực tái hiện màn trình diễn nổi tiếng của ảo thuật gia huyền thoại người Mỹ Harry Houdini gần 100 năm trước.

Trưa 16/6, Lahiri đi thuyền ra khúc rộng nhất của sông Hooghly, một nhánh của sông Hằng tại thành phố Kolkata, và được các cộng sự trói tay chân bằng dây thừng, quấn xích quanh người và cố định bằng sáu ổ khóa. Ông sau đó được một cần cẩu hạ xuống sông ở độ sâu 9m và dự định thực hiện màn ảo thuật tự mở trói rồi nổi lên trở lại. 

Tuy nhiên, theo cảnh sát, Lahiri đã không giải thích rõ toàn bộ kế hoạch cho nhóm của mình, đồng thời mặc quần áo quá cồng kềnh, khiến việc bơi trong dòng nước mạnh trở nên vô cùng khó khăn. Ảo thuật gia PC Sarkar, một bậc thầy về những trò ảo thuật tương tự, cho rằng Lahiri lẽ ra "cần luyện tập thêm một chút". 

Nhóm trợ lý của ông cũng đã đợi tới 15 phút mới trình báo sự việc.  "Khi ông ấy không nổi lên lại sau một thời gian khá lâu, mọi người mới hoảng loạn. Một số khán giả nói rằng họ nhìn thấy một người đàn ông đang chới với cầu cứu giữa sông. Cảnh sát được thông báo về sự việc và một nhóm thợ lặn từ cơ quan quản lý thảm họa đã tham gia cuộc cứu hộ", ủy viên cảnh sát Kolkata Syed Waquar Raza cho biết.

Cảnh sát sẽ điều tra xem liệu Lahiri có lợi dụng các kẽ hở trong quản lý của chính quyền để thực hiện màn biểu diễn đánh đổi cả tính mạng hay không. Theo ông Raza, trong thư xin phép gửi chính quyền, người có nghệ danh "pháp sư Mandrake" không đề cập đến việc ông sẽ xuống nước.

"Lahiri nói rằng màn biểu diễn sẽ diễn ra trên một con thuyền hoặc một con tàu. Do đó, chúng tôi đã cấp phép cho ông ấy", Raza nói. Bức thư thêm rằng ông muốn chụp ảnh và tổ chức thêm một sự kiện phụ vào khoảng 13h30.

"Ông ấy đã biểu diễn gần một giờ trước đó. Vì thế, cảnh sát đường thủy không có mặt", một quan chức phụ trách cảng sông cho hay. 

Lahiri trong màn biểu diễn năm 2002 ở cùng địa điểm
 Lahiri trong màn biểu diễn năm 2002 ở cùng địa điểm

Lahiri bị chết đuối vào khoảng 12h30 và khi được tìm thấy, trên thi thể ông vẫn còn nguyên dây thừng và xích. Hàng nghìn người được cho là đã theo dõi màn biểu diễn và các chính trị gia thậm chí cũng có mặt, một người bạn của Lahiri kể.

Cảnh sát thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, hôm 18/6, cho biết đã mở cuộc điều tra về công ty Magic Belt India, thuộc sở hữu của gia đình ảo thuật gia Chanchal Lahiri, với cáo buộc "tắc trách". "Cuộc điều tra được tiến hành theo điều 306 bộ luật hình sự về hành vi xúi giục tự sát", phó ủy viên cảnh sát Syed Waquar Raza nói.

"Chúng tôi băn khoăn tại sao ông ấy lại vội vàng biểu diễn như thế. Đó là một điều bí ẩn với với chúng tôi", Raza nói, thêm rằng hầu hết các điều kiện nêu ra trong thư xin phép đều bị bỏ qua.

Quá khứ từng bị khán giả “bóc mẽ”

Debashis Kumar, thị trưởng Kolkata, là một trong những người được Lahiri mời đến theo dõi màn ảo thuật. "Khi cậu ấy lặn xuống sông, tôi được thông báo rằng cậu ấy sẽ nổi lên lại trong vòng 10 phút. Nhưng điều đó đã không xảy ra", ông Kumar nói. "Tôi không ngờ mình lại là nhân chứng của một bi kịch như thế".

Bà Uma Lahiri, mẹ của nạn nhân, không bình luận về cái chết của con trai, nhưng cho hay ông đam mê ảo thuật từ bé. "Trói tay chân rồi bơi trong ao làng là một trong những trò mạo hiểm đầu tiên của nó. Hồi còn là thiếu niên, nó cũng bịt mắt đạp xe", người phụ nữ trong độ tuổi 70 kể.

Ảo thuật gia P.C. Sorcar Junior tin rằng màn trình diễn của Lahiri không được lên kế hoạch tốt. "Tôi nghĩ rằng những thiếu sót trong việc chuẩn bị cho màn trình diễn đã khiến ông ấy phải trả giá bằng mạng sống. Ông ấy cần luyện tập nhiều hơn", Sorcar, con trai của một trong những nhà ảo thuật danh tiếng nhất Ấn Độ, nói.

Lahiri được nhiều người hỗ trợ chuẩn bị khi thực hiện màn ảo thuật dưới sông hôm 16/6
Lahiri được nhiều người hỗ trợ chuẩn bị khi thực hiện màn ảo thuật dưới sông hôm 16/6

Lahiri tuyên bố ông từng thoát ra khỏi một lồng kính thành công trong màn biểu diễn cách đây nhiều năm. Tuy nhiên, trước thử thách mới nhất, ông thừa nhận lần này sẽ khó khăn hơn. "Nếu tôi có thể mở được khóa, đó sẽ là ảo thuật, nhưng nếu tôi không thể, đó sẽ là thảm kịch", ông nói.

Lahiri từng thực hiện thành công màn biểu diễn tương tự vào năm 2013 nhưng với một lồng sắt. Khi đó, Lahiri bị giam trong chiếc lồng màu trắng và được cần cẩu thả từ trên cầu xuống khúc sông ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, trước sự chứng kiến của đông đảo khán giả. Người có nghệ danh "pháp sư Mandrake" tuyên bố ông sẽ giải thoát mình khỏi chiếc lồng ở độ sâu 9m dưới mặt nước.

Chỉ 6 giây sau, Lahiri nổi lên và bơi vào thuyền. Tuy nhiên, ảo thuật gia bị đám đông la ó vì phát hiện ông đã thoát ra khỏi lồng qua một chiếc cửa có phần chốt khóa được thiết kế rất dễ mở. Khán giả chửi bới, sau đó lột tóc giả của Lahiri.

Ảo thuật gia 41 tuổi tuyên bố ông cũng từng tự giải thoát mình thành công khỏi một chiếc lồng kính trong màn trình diễn cách đây 21 năm ở cùng địa điểm trên. "Tôi ở trong một hộp kính chống đạn, bị xích và khóa chân tay, thả xuống từ cầu Howrah. Sau đó tôi thoát ra ngoài trong vòng 29 giây", ông nói.

Cách đó gần một thập kỷ, ông tuyên bố mình sẽ đi trên mặt sông nhưng nhanh chóng rút lui vì màn trình diễn thất bại.

Việc các ảo thuật gia "sinh nghề tử nghiệp" không phải là chuyện hiếm trong lịch sử. Một số người đã phải trả giá bằng mạng sống của mình vì các sự cố trên sân khấu hay do tính toán sai lầm trong những màn biểu diễn nguy hiểm.

Đêm Halloween năm 1990, tại trung tâm giải trí gia đình Blackbeard ở Fresno, California, ảo thuật gia người Mỹ Joseph Burrus diễn tiết mục tự giải thoát khi bị còng tay và xích trong một chiếc quan tài bằng kính, chôn xuống dưới hố sâu 2 m. Xi măng ướt và đất được đổ lên trên quan tài với tổng khối lượng ước tính 9 tấn. Joe Burrus từng thực hiện thành công màn trình diễn nguy hiểm này vào năm 1989 ở Oregon, nhưng khi đó phía trên quan tài chỉ có đất chứ không có xi măng.

"Tôi coi mình là bậc thầy về ảo thuật và thoát hiểm. Tôi tin rằng tôi là Houdini thứ hai và thậm chí còn giỏi hơn", Burrus nói trước đám đông 150 người khi chuẩn bị thực hiện tiết mục.

Tuy nhiên, tham vọng của Burrus không trở thành hiện thực. Khi xe tải vừa đổ đất và xi măng xuống hố, chiếc quan tài bị "nghiền nát" dưới sức nặng của chúng và Burrus bị chôn sống. Các trợ lý cố gắng đưa ông ra ngoài nhưng không kịp.

Năm 1930, ảo thuật gia người Mỹ Royden Joseph Gilbert Raison de la Genesta muốn tái hiện tiết mục nổi tiếng Trốn thoát Bình sữa của Harry Houdini. Ông bị còng tay và nhốt bên trong một bình sữa quá khổ chứa đầy nước (người phương Tây thường vận chuyển sữa trong các bình kim loại cao, hình nón hoặc trụ) và phải tìm cách thoát ra ngoài.

Bí mật của Genesta là dù bên ngoài bình sữa có 6 ổ khóa, ông có thể mở được bình bằng cách đẩy một cái chốt từ bên trong. Tuy nhiên, Genesta không biết rằng chiếc bình từng bị rơi trong quá trình vận chuyển, khiến nó bị móp và cơ chế giải thoát không thể hoạt động bình thường.

Để làm tiết mục thêm kịch tính, các trợ lý của Genesta đã trao 6 chìa khóa cho 6 khán giả. Việc này khiến quá trình giải cứu bị chậm trễ sau khi Genesta đập vào thành bình kêu cứu. Hơn hai phút sau, Genesta được đưa ra ngoài nhưng qua đời ở bệnh viện.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.