[links()]
Quan niệm nhà đầu tư nước ngoài “cầm trịch” trong các thương vụ M&A đang dần thay đổi, khi các nhà đầu tư trong nước đang vươn lên, ngay trên “sân nhà” và ra ngoài “sân khách”. Trong khi đó, nhiều dấu hiệu cho thấy, thị trường M&A còn vô vàn hấp dẫn với nhiều tiềm năng…
Thế cân bằng nội – ngoại
Ngay sau cổ phần hóa, Tập đoàn Bảo Việt đã có cổ đông chiến lược nước ngoài là Công ty Bảo hiểm HSBC châu Á -Thái Bình Dương (HSBC) với tỷ lệ nắm giữ 10% cổ phần Bảo Việt vào tháng 9/2007, sau đó nâng thành 18%. Thương vụ trị giá 360 triệu USD đó từng được bình chọn trong Top 2 thương vụ M&A tiêu biểu năm 2009. Thế nhưng, năm ngoái, HSBC thoái vốn, chuyển nhượng lại 18% cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt cho Sumitomo Life - công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu của Nhật Bản.
Nhật Bản dẫn đầu các quốc gia có doanh nghiệp thực hiện M&A vào Việt Nam xét cả về số lượng và giá trị, khiến giới quan sát có thể nói về một "làn sóng đầu tư từ Nhật Bản". Ngoài thương vụ Sumimoto mua cổ phần tập đoàn Bảo Việt nói trên, các thương vụ được nói đến nhiều nhất là Mizuho trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank hay thương vụ Unicham mua 95% cổ phần của Diana…
Theo các nhà nghiên cứu thị trường, hiện nay, các nhà đầu tư Nhật Bản – quốc gia đang chi nhiều tiền cho các thương vụ M&A tại Việt Nam, đang có xu hướng đầu tư mạnh vào 2 ngành hàng tiêu dùng và tài chính - 2 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây và cũng là mục tiêu đầu tư của nhiều định chế tài chính nước ngoài.
Năm 2012, hầu như các thương vụ trị giá 7 con số đều mang dấu ấn khối ngoại. Bank of Tokyo - Mitshubishi mua 20% cổ phần của VietinBank, thương vụ trị giá 743 triệu USD. Tập đoàn Conoco Phillips (Pháp) thoái đầu tư khỏi hai khu dàn khoan dầu khí và Dự án đường ống Nam Côn Sơn cho Tập đoàn Parenco (Pháp) với tổng giá trị gần 1,3 tỷ USD. Tập đoàn Siam Cement Group đã mua 85% cổ phần của Prime với giá 240 triệu USD. Semen Gresik mua lại 70% của Xi măng Thăng Long với giá 230 triệu USD…
Tuy nhiên, qua giai đoạn bỡ ngỡ ban đầu, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước trưởng thành lớn mạnh trên thị trường M&A. Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò là “người đi mua” ngày càng tăng, từ 22% năm 2008 lên 45% năm 2012.
Những “tên tuổi” người đi mua được nhắc tới nhiều là thương vụ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mua lại một ngân hàng tại Campuchia từ năm 2009. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng thực hiện nhiều giao dịch M&A khi mua lại cổ phần của Ngân hàng TMCP Quân đội, mua 18,9% cổ phần của Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex)...
Sẽ có những thương vụ “hot”
Các thương vụ nổi bật gần đây giữa các doanh nghiệp Việt Nam đã thu hút sự quan tâm nhiều của giới quan sát và doanh nhân, như Masan - Vinacafe Biên Hòa, Dược Viễn Đông - Dược Hà Tây, Thủy sản Hùng Vương - Thủy sản An Giang… Gần đây nhất, vào tháng 6/2013, cả thị trường xôn xao với thương vụ Vingroup chuyển nhượng Tổ hợp Trung tâm Thương mại - Khách sạn Vincom Center A TP.HCM cho Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD), với trị giá 470 triệu USD.
Ngoài ra, nhiều thương vụ mà các tập đoàn, doanh nghiệp Việt mua lại của khối ngoại cũng đã được công bố rộng rãi, như Tập đoàn Thiên Minh mua lại chuỗi khách sạn mang thương hiệu Victoria, Tập đoàn BRG mua lại cổ phần của Khách sạn Hilton, Công ty cổ phần Sao Sáng Sài Gòn mua lại Dự án Peninsula của JSM Indochina Ltd…
Phương thức đầu tư qua M&A đang được coi là kênh đầu tư “hot” nhất giai đoạn 2009 – 2013, với sự xuất hiện của nhiều thương vụ khủng và hình thức đa dạng.
Thống kê của Diễn đàn M&A Việt Nam cho thấy, giá trị các thương vụ M&A đã tăng từ 1,1 tỷ USD năm 2009, vọt lên 5,1 tỷ USD năm 2013. Đây cũng là giai đoạn “so kè” nắm thế chủ động trên thị trường của hai chủ thể tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam là khối ngoại (gồm các nhà đầu tư nước ngoài, như các quỹ đầu tư, các tập đoàn, doanh nghiệp) và khối nội (là các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Việt Nam). Dù có nhiều khó khăn trong năm nay, giới chuyên môn vẫn kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng của hoạt động này từ nay đến năm 2017 tiếp tục đạt mức 25 - 30%.
Do đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam, đa số các thương vụ có quy mô nhỏ, dưới 5 triệu USD. Tuy nhiên, giai đoạn 2013 - 2017, thị trường có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, có thể diễn ra trong tương lai sẽ đến từ việc cổ phần hóa và tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty lớn, như BIDV tìm kiếm và lựa chọn đối tác nước ngoài hay việc sáp nhập hoặc cổ phần hóa MobiFone và VinaPhone trong lĩnh vực viễn thông, cổ phần hóa Vietnam Airlines…
H.Thủy – M.Hoa