Lý lịch “đen” của phạm nhân vượt ngục bằng trực thăng

Redoine Faid hồi năm 2010
Redoine Faid hồi năm 2010
(PLO) - Khoảng 2.900 cảnh sát và hiến binh Pháp đang tiếp tục truy lùng tù nhân Redoine Faïd, 46 tuổi, trưa 1/7 đã trốn thoát khỏi trại giam Réau ở ngoại ô Paris bằng trực thăng, với sự giúp sức của các đồng lõa vũ trang. 

Như trong phim

Một chiếc trực thăng, một nhóm đột kích trang bị súng ống đầy đủ và thông thạo đường đi nước bước: Cuộc vượt ngục diễn ra trong vỏn vẹn 10 phút.  Sáng 1/7, hai người đàn ông mang súng đến sân bay nhỏ ở Lognes (vùng Seine-et-Marne), nơi một huấn luyện viên và học viên chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên, trên chiếc trực thăng đã đặt thuê 15 ngày trước.

Hai kẻ này bắt phi công làm con tin, buộc phải bay đến Melun cách đó khoảng 30km. Tại đây, một đồng lõa thứ ba trùm kín mặt cùng lên máy bay, đến trại giam Réau nằm cách 12km. 

Pamela, 33 tuổi, một người dân sống gần đó kể lại: “Khoảng 11h, tôi trông thấy một chiếc trực thăng bay rất thấp, sát ngay trên đầu”. Bên trong trại giam, các tù nhân đang ở khu thăm gặp.

Trong số đó có Redoine Faid, chuyên cướp ngân hàng, đã từng vượt ngục khỏi nhà giam Lille-Sequedin năm 2013 bằng thuốc nổ. Bị giám sát nghiêm ngặt, đối tượng được hai hai quản giáo áp giải từ phòng giam ra, và để lại một mình với người đến thăm là anh (em) trai.

11h28, chiếc trực thăng Alouette II màu kem, không hạ cánh hẳn, vẫn còn bay là đà phía trên sân chung của trại giam. Đây là nơi duy nhất không có lưới bảo vệ. Các tháp canh, nơi có các lính canh vũ trang, không quan sát được sân này. Nhóm đột kích rõ ràng có chuẩn bị kỹ lưỡng, có lẽ đã dùng các thiết bị không người lái quan sát trước.

Hai đối tượng bước xuống trực thăng, kẻ thứ ba ở lại với phi công. Cả hai đối tượng đội nón che mặt, mang băng cảnh sát, trang bị súng trường loại kalachnikov và máy cưa cầm tay. Bọn chúng quăng các chất gây cháy trong sân, cưa một cánh cổng, đi qua một con đường hẹp chỉ có các quản giáo sử dụng, và từ đó chỉ còn cách khu thăm viếng của thân nhân hơn 10m. 

Các quản giáo vốn không có vũ khí, tìm nơi ẩn náu và phát tín hiệu báo động. Trong khoảng thời gian đó, hai đối tượng cưa chốt cửa, chạy đến chỗ Redoine Faïd, rồi lên trực thăng tẩu thoát. Không có ai bị thương trong vụ này. 

Chiếc trực thăng Alouette II bị bỏ lại tại Gonesse, phía bắc Paris, sau khi Redoine Faïd trốn thoát khỏi trại giam Réau ngày 1/7/2018
Chiếc trực thăng Alouette II bị bỏ lại tại Gonesse, phía bắc Paris, sau khi Redoine Faïd trốn thoát khỏi trại giam Réau ngày 1/7/2018

Một lát sau, chiếc trực thăng Alouette II được tìm thấy tại Gonesse (vùng Val-d’Oise) cách trại giam 60 km. Tại đây, một đồng phạm thứ tư đang chờ sẵn trong một chiếc xe hơi Mégane màu đen.

Sau khi đánh đập viên phi công và bỏ lại tại chỗ, bọn chúng dùng bom xăng tự tạo định thiêu hủy chiếc trực thăng. Cả bọn lái xe chạy trốn rồi để lại chiếc Mégane trong bãi đậu xe của trung tâm thương mại O’Parinor ở Aulnay-sous-Bois (vùng Seine-Saint-Denis, cũng thuộc ngoại ô Paris), gần xa lộ A1, lên một chiếc xe hơi khác. 

Redoine Faïd đang thụ án 25 năm tù giam vì cướp xe chở tiền và sát hại một nữ cảnh sát. Đối tượng được mệnh danh là “nhà văn” vì đã viết một cuốn tự truyện mang tên “Cướp ngân hàng, từ vùng ngoại ô đến băng đảng chuyên nghiệp” năm 2010, từng lên truyền hình nói rằng đã giải nghệ.

Đây không phải lần đầu tiên Faid vượt ngục thành công. Hồi năm 2013, Faid cũng từng trốn thoát khỏi một nhà tù được bố phòng an ninh nghiêm ngặt nhờ sử dụng thuốc nổ phá cửa và bắt con tin.

Vụ vượt ngục lần này xảy ra sau khi Faid bị tuyên án 25 năm tù vì chủ mưu vụ cướp có vũ trang hồi năm 2010 khiến một nữ cảnh sát thiệt mạng.

Chủ mưu hàng loạt vụ cướp có tổ chức

Sinh ra trong một khu dân cư có nhiều vấn đề ở phía bắc Paris, Faid bị nhiễm ý tưởng trở thành trùm tội phạm từ các bộ phim về băng đảng Mỹ. Faid đã thực hiện hàng loạt vụ cướp có tổ chức và được biết đến là một trong những tên trùm băng đảng khét tiếng nhất nước Pháp. Hai bộ phim về băng đảng Faid yêu thích nhất là "Heat" (1995) và "Scarface" (1983).

Trong vụ đột kích một xe an ninh hồi năm 1997, Faid cùng đồng bọn đã đội những chiếc mặt nạ khúc côn cầu, bắt chước các nhân vật phản diện từ bộ phim "Heat".

Năm 2010, tuyên bố từ bỏ con đường tội phạm để theo đuổi sự nghiệp điện ảnh, Faid khoe rằng "có mọi tố chất để thành công trên màn ảnh rộng".

Một người hùng khác mà Faid thần tượng là Jacques Mesrine, kẻ bị truy nã gắt gao nhất nước Pháp thập niên 1970. Y nổi tiếng với những vụ cướp ngân hàng táo bạo và vượt ngục ngoạn mục.

Giống Faid, Mesrine có ý tưởng biến cuộc đời mình thành phim thông qua các cuộc phỏng vấn và những bức thư gửi tới báo giới. Năm 1979, y bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích của cảnh sát tại vùng ngoại ô phía bắc Paris. Truyền thông Pháp từng gọi Faid là "Mestine thế hệ mới".

Sáng 13/4/2013, vào giờ thăm nuôi tại nhà giam Lille-Sequedin thuộc tỉnh Nord, phía bắc nước Pháp, Faid nhận được thông báo ra gặp anh trai tới thăm. Khi vừa xuất hiện tại khu vực gặp mặt người thân, Faid lập tức rút ra khẩu súng từ một chiếc túi.

Y bắn chỉ thiên nhiều phát để hăm dọa, đồng thời bắt 4 nhân viên an ninh làm con tin. Faid mang theo một hộp giấy ăn nhưng thực chất bên trong chứa chất nổ dẻo và ngòi nổ.

Sau 30 phút, Faid dùng thuốc nổ phá tung 4 cánh cửa trại giam và tới được bãi đỗ xe của nhà tù. Tại đây, một đồng phạm đã chờ sẵn và chở y trốn thoát. Tuy nhiên, trải qua 6 tuần, cảnh sát Pháp đã bắt được y trở lại.

Faid trong lệnh truy nã của Interpol hồi năm 2013
Faid trong lệnh truy nã của Interpol hồi năm 2013

Faid là con trai một gia đình nhập cư Algeria nhưng sinh ra tại Pháp. Y từng nằm trong danh sách "đỏ" gồm những đối tượng bị truy nã gắt gao nhất của Interpol. Lần cuối cùng Faid trốn khỏi Pháp, vào những năm 1990, y đã tới Israel, đóng giả làm một người Do Thái.

Trong các cuộc phỏng vấn và một bộ phim tài liệu đăng tải hồi năm 2010, 2011, Faid tự nhận mình là đại diện cho một thế hệ tội phạm có tổ chức mới ở Pháp, kẻ dẫn đầu hàng loạt băng nhóm tội phạm nguy hiểm.

10 năm “tù nhân gương mẫu”

Trong cuốn sách mang tên "Tướng cướp: Từ nhân viên môi giới bất động sản đến tội phạm có tổ chức", Faid cho biết y bắt đầu trộm cắp và bán ma túy từ năm 8 tuổi. Y thực hiện vụ cướp có vũ trang đầu tiên năm 18 tuổi. Faid miêu tả bản thân là kẻ "leo lên từ đáy của thế giới tội phạm".

Từ bán ma túy dạo trên phố, Faid tham gia các phi vụ vận chuyển cần sa từ Tây Ban Nha vào Pháp, sử dụng những chiếc siêu xe hạng sang.

Đầu những năm 1990, Faid chủ mưu vụ cướp ngân hàng đầu tiên. Y sao chép ý tưởng từ bộ phim Point Break (1991) do Keanu Reeves và Patrick Swayze thủ vai chính.

Trong phim, những tên cướp mang mặt nạ của các cựu tổng thống Mỹ còn Faid cùng đồng bọn đeo mặt nạ cố thủ tướng Pháp Charles de Gaulle và cố tổng thống Valery Giscard d'Estaing. Làm theo nhân vật trong phim, sau khi thực hiện thành công vụ cướp, y nói với các nạn nhân: "Cảm ơn vì đã bầu cho ta".

Năm 1999, sau vài năm lẩn trốn, Faid bị bắt vào tuyên án 32 năm tù. Đóng vai một tù nhân gương mẫu trong 10 năm, y được trả tự do trước thời hạn và tuyên bố sẽ xây dựng cuộc đời mới, trở thành ngôi sao truyền hình.

Năm 2009, mới được ra tù, Faid tới gặp người đàn ông mà y gọi là "thầy" hay "giáo sư đại học": Michael Mann, đạo diễn bộ phim "Heat". Faid kể y đã xem bộ phim 100 lần để phân tích cách mà những tên cướp tấn công một chiếc xe an ninh bọc thép.

"Tôi bảo với ông ấy rằng ông là cố vấn kỹ thuật tuyệt nhất của tôi", Faid viết trong cuốn sách được xuất bản một năm sau đó. "Cùng với đồng bọn, chúng tôi xem phim của ông ấy như một phương pháp để luyện tập việc gì nên làm, việc gì không, để trở thành băng đảng thành công".

Sau khi xuất bản sách, Faid ăn mặc như một giám đốc thành công và tham gia các cuộc phỏng vấn trên khắp nước Pháp. Y còn trở thành gương mặt chính trong một bộ phim tài liệu. Faid gặp nhiều nhà sản xuất phim, bao gồm cả Thomas Langmann, người đoạt giải Oscar với bộ phim "The Artist".

Kẻ từng lấy ý tưởng phạm tội từ phim nay muốn tư vấn cho các nhà sản xuất cách để có những bộ phim hoàn hảo về giới tội phạm. "Kinh nghiệm của tôi vô cùng sinh động. Nếu biên kịch muốn xây dựng câu chuyện phim thật nhất có thể, họ cần người với kinh nghiệm như tôi", Faid quả quyết.

Faid khẳng định đây là cách duy nhất giúp y không quay trở lại con đường phạm tội. Tuy nhiên, theo công tố viên Pháp, khi đưa ra bình luận trên cũng là lúc Faid lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công nhằm vào xe an ninh của cảnh sát.

Đọc thêm

Truy nã quốc tế Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter

Truy nã quốc tế Lê Khắc Ngọ - Mr Hunter
(PLVN) - Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter) là đồng bọn của Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) đã bị cơ quan CSĐT CATP Hà Nội phối hợp Cảnh sát Interpol ra Quyết định truy nã quốc tế.

Phát hiện "con nghiện" tàng trữ “hàng nóng”

Phát hiện "con nghiện" tàng trữ “hàng nóng”
(PLVN) - Tiến hành kiểm tra hành chính chỗ ở của một nam thanh niên ở Quảng Nam, lực lượng chức năng phát hiện bộ dụng cụ dùng để sử dụng ma tuý, 1 khẩu súng rulo bên trong có 6 viên đạn. Ngoài ra, đối tượng này còn tàng trữ 22 viên đạn khác và 1 dao tự chế.

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng dao tấn công Đại uý công an

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng dùng dao tấn công Đại uý công an
(PLVN) -Ngày 21/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Hoàng Khang (39 tuổi, trú tại ấp 6, Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) về hành vi "Chống người thi hành công vụ" theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự.

TP HCM: Triệt phá nhiều đường dây ma túy trong đợt cao điểm trấn áp tội phạm

Giám đốc Công an TP trao khen thưởng cho 11 tập thể, 06 cá nhân các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. (Ảnh: CACC)
(PLVN) - Thực hiện cao điểm trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và cao điểm rà soát đối tượng nghiện, nghi nghiện; đối tượng sử dụng, nghi sử dụng; đối tượng bán và tụ điểm mua bán, các đơn vị nghiệp vụ Công an TP HCM và các quận/huyện truy xét, triệt phá các đường dây tội phạm về ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; bắt giữ hàng chục đối tượng.