Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:
“TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA LÀ GÓP PHẦN TẠO CHO THỦ ĐÔ
MỘT NỀN TẢNG THỂ CHẾ HOÀN CHỈNH”
Thăng Long – Hà Nội không chỉ là Kinh đô, Thủ đô của nước Việt Nam mà còn là nơi chứng kiến những sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại của đất nước. Trả lời phỏng vấn Báo PLVN trước thềm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, những ngày này, ông có rất nhiều suy nghĩ về Thăng Long – Hà Nội, về sự lựa chọn của Lý Thái Tổ về nơi dựng cơ nghiệp cho muôn đời sau…
Lưu dấu thành tựu lịch sử pháp quyền
PV: Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của địa danh Thăng Long đối với lĩnh vực pháp luật?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
*. Thăng Long - Hà Nội thời phong kiến là nơi ra đời của những bộ luật đánh dấu những thành tựu đầu tiên trong lịch sử pháp quyền Việt Nam như Bộ Hình thư nhà Lý và Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng với những quy định pháp luật mang đầy tính nhân văn. Bộ luật Hồng Đức cũng tiêu biểu cho kỹ thuật lập pháp hoàn hảo xét trong bối cảnh của xã hội phong kiến, với những quy định ngắn gọn, dễ hiểu, gần dân, vì phản ánh được những tập quán, truyền thống của người Việt. Đây cũng là nơi mà các vương triều Việt Nam đã kết hợp khá hài hòa giữa tư tưởng Nhân nghĩa của Nho giáo và đạo lý từ bi bác ái của Phật giáo để phát triển nền văn hiến riêng đầy bản sắc dân tộc.
Từ ngày có Đảng, Thăng Long - Hà Nội là nơi cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, đánh dấu sự ra đời của Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Cả 4 bản Hiến pháp và những bộ luật, đạo luật của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành đều được thông qua tại Thăng Long- Hà Nội.
Có thể thấy, trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm, Thăng Long – Hà Nội đã chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước. Trong số đó, thời kỳ phong kiến, có những tư tưởng cải cách là kết quả của những trí tuệ sáng suốt của các bậc minh quân trong mỗi vương triều hoặc là của các chính khách tài ba. Thời đại Hồ Chí Minh thì ai cũng đã rõ. Những cuộc cải cách trong lịch sử được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau, với những mức độ và kết quả thành công khác nhau, nhưng tất cả đều đã góp phần tạo nên những đổi thay và sự phát triển phồn thịnh của Thăng Long xưa và của Hà Nội ngày hôm nay.
PV: Ôn lại những cuộc cải cách lớn của các triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử, có mối liên hệ nào giữa các cuộc cải cách đó với sự khởi đầu cải cách lớn trong lĩnh vực pháp luật, hành chính và tư pháp của Nhà nước Việt Nam hôm nay trên con đường xây dựng và hoàn thiện theo các nguyên tắc pháp quyền, thưa Bộ trưởng?
*. Theo Giáo sư Văn Tạo và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, trong 10 cuộc cải cách lớn đã diễn ra trong lịch sử dân tộc thì có tới 5 cuộc cải cách dẫn tới những thay đổi lớn về tổ chức nền hành chính nhà nước. Chẳng hạn, cải cách của Khúc Hạo thế kỷ X là cuộc cải cách có tác dụng quyết định đến thắng lợi giành và giữ quyền độc lập tự chủ của dân tộc sau gần một nghìn năm bị xâm lược, nô dịch; công cuộc đổi mới đế đô, từ Hoa Lư ra Thăng Long của Lý Công Uẩn thế kỷ XI - bắt đầu từ đổi mới địa - chính trị đưa đến mở rộng tầm vóc địa - kinh tế, tăng cường ảnh hưởng của địa - văn hóa và quân sự, tạo tiền đề cho một sự phát triển toàn diện của xã hội Việt Nam; cải cách hành chính và pháp luật sâu rộng thời vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng…
Các cuộc cải cách hành chính của các triều đại phong kiến Việt Nam với quy mô, phạm vi, nội dung cải cách và tác động khác nhau đối với sự phát triển của đất nước trong những giai đoạn lịch sử, nhưng đều để lại cho chúng ta những điều để suy ngẫm, những bài học kinh nghiệm hữu ích cho công việc của chúng ta hôm nay.
Những vấn đề cốt lõi của cải cách hành chính như sắp đặt, phân chia đơn vị hành chính, mô hình tổ chức chính quyền các cấp phù hợp với đặc điểm địa tự nhiên, dân số của từng loại địa bàn, bố trí nhân sự, nhất là người đứng đầu các cấp hành chính đáp ứng yêu cầu của nền hành chính hoạt động hiệu quả vẫn luôn là những điều mà công cuộc cải cách hành chính hiện nay chờ đợi lời giải đáp.
Cải cách trên nền tảng an dân – trị quốc
PV: Nhìn lại các sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại của đất nước cũng là để hiểu hơn những bài học của cha ông ta thời phong kiến về an dân – trị quốc. Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, có điều gì khiến ông tâm đắc từ những bài học kinh nghiệm này không?
*. Những sự kiện chính trị pháp lý trọng đại diễn ra ở Thăng Long – Hà Nội trong suốt 1.000 năm qua không dễ gì liệt kê hết. Tuy nhiên, qua những sự kiện tiêu biểu, bản thân tôi vô cùng trân trọng và thấm thía bài học của Vua Lê Thánh Tông trong việc làm cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh. Để làm điều đó, vua Lê Thánh Tông đã áp dụng các biện pháp như: chỉ đạo xây dựng hệ thống luật pháp dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tuân theo; buộc mọi quan lại tự mình phải thông hiểu pháp luật và dạy cho dân biết pháp luật; xây dựng đội ngũ hình quan, hình lại mẫn cán, trong sáng, chí công vô tư; thực hiện chính sách dưỡng liêm đối với trăm quan.
Bên cạnh đó, trong quá trình tham gia xây dựng dự án Luật Thủ đô, chúng tôi đã xem một số sử liệu và suy nghĩ nhiều về Thăng Long – Hà Nội, về vị trí địa lý, chính trị của Kinh đô xưa, về sự lựa chọn của Lý Thái Tổ về nơi xây dựng cơ nghiệp cho muôn đời sau…Những bài học về việc lựa chọn và bổ nhiệm người đứng đầu Kinh thành, cách tổ chức bộ máy quản lý ở Kinh thành của người xưa thực sự rất cần thiết và bổ ích.
PV: Việc xây dựng dự án Luật Thủ đô có thể coi là một trong những sự kiện pháp lý trọng đại của Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm, thưa Bộ trưởng?
*. Thăng Long - Hà Nội là địa danh tiêu biểu cho lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô để đưa Thủ đô lên xứng tầm với vị trí, vai trò quan trọng quốc gia đặc biệt của mình.
Nhằm từng bước thể chế hóa đường lối của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết số 15, ngày 28/12/2000, Uỷ ban thường vụ Quốc hội Khóa X đã thông qua Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội, có hiệu lực thi hành từ ngày 03/02/2001. Sau 9 năm thực hiện Pháp lệnh, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội cho thấy đến nay Pháp lệnh đã bộc lộ nhiều bất cập cả từ khía cạnh pháp lý, cũng như khả năng giải quyết những vấn đề đặt ra trên thực tế. Đặc biệt, việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 15/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội lại đặt ra tiếp những vấn đề thực tế trước mắt cũng như lâu dài về phát triển Thủ đô phải được xử lý thấu đáo về mặt pháp lý.
Một số mục tiêu, phương hướng cần phải được xác định lại cho phù hợp với yêu cầu phát triển của một Thủ đô đã được mở rộng. Trong khi đó quy định của Pháp lệnh Thủ đô chưa tạo được sự chủ động, phối hợp giữa các cơ quan quản lý của Trung ương với chính quyền các cấp của Thành phố, và với chính quyền các tỉnh, thành phố khác trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô. Vì vậy, để có thể chế đủ khả năng giải quyết những vấn đề thực tiễn bức xúc nêu trên, cần thiết phải nâng Pháp lệnh lên thành Luật.
Tôi cho rằng, Luật Thủ đô, nếu được ban hành, sẽ là một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, không chỉ cho Hà Nội, mà cho cả nước, vì nó sẽ tạo cơ sở pháp lý ở tầm luật để thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, kế thừa và phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến. Việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội ... với một số chính sách, cơ chế đặc thù được quy định trong Luật sẽ là giải pháp quan trọng để xử lý, khắc phục những bất cập, hạn chế thực tiễn đặt ra hiện nay đối với sự phát triển của Thủ đô, đồng thời huy động tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của Thủ đô để Thăng Long - Hà Nội thực sự góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng Thủ đô và cả nước, đại diện xứng đáng cho cả nước trong quan hệ đối ngoại, giữ vững cho muôn đời danh hiệu là Thủ đô của hoà bình, xanh, sạch và đẹp như Vạn Xuân của đất nước.