Thời tiết lý tưởng, các chương trình của Đại lễ diễn ra ban ngày hay buổi đêm đều hoành tráng và ấn tượng khiến người dân nô nức đổ xô đi xem lễ hội nghìn năm mới có một lần.
Cảnh chen lấn tại cổng soát vé ở Thiên đường Bảo Sơn. Ảnh: Lam Hạnh
Chưa mở cửa vẫn xếp hàng
Theo ghi nhận của phóng viên Pháp luật Việt Nam, Đại lễ diễn ra được 3 ngày lại là những ngày cuối tuần nên điểm tổ chức nào cũng quá tải. Nhiều công trình Đại lễ, nhiều hoạt động chưa mở cửa đón khách nhưng đã có rất đông người xếp hàng trước cổng.
Sáng 2/10, tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Bà Irina Bokova -Tổng Giám đốc UNESCO đã cắt băng khai mạc triển lãm “Hoàng thành Thăng Long: Lịch sử nghìn năm từ lòng đất” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam và UBND TP.Hà Nội tổ chức. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long bao gồm Khu Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Thành cổ Hà Nội, tạo thành một di sản thống nhất.
Ngày 1/8/2010, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Ủy ban Di sản thế giới công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên, Ban quản lý di tích Thành cổ Hà Nội mở cửa cho người dân vào tham quan khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Các hiện vật lịch sử được trưng bày tại triển lãm hầu hết đều được khai quật được từ Hoàng thành Thăng Long xưa. Đó là những vật liệu kiến trúc, trang trí, gạch ngói, chân cột, nền móng cung điện và hiện vật của hoàng cung như đồ gốm, sứ... của các triều đại xưa (Lý, Trần, Lê...) của thành Thăng Long.
Ngoài ra, trong Hoàng thành Thăng Long còn trưng bày những di vật thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và triển lãm cây cảnh, cây thế, đồ cổ, đá hóa thạch... do các nghệ nhân sưu tầm. Từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã có mặt nơi đây đợi đến giờ mở cửa (10h sáng) và họ đã vinh dự là một trong số những người dân đầu tiên được chiêm ngưỡng Di sản Văn hóa thế giới.
Tại Bảo tàng Hà Nội, dù các mẩu thông báo “Mở cửa ngày 7/10/2010” đã được dán trước cửa nhưng mấy ngày qua, dòng người từ các nơi vẫn tấp nập đổ về đây. Theo các bảo vệ, giải thích thế nào thì người dân cũng không chịu về với tâm lý đề nghị bảo vệ linh động cho vào xem trước, để mấy hôm nữa thì đông khách quá không vào xem được.
Giá cao, vẫn hết vé
Hầu hết các chương trình giải trí, ca múa nhạc đều tổ chức miễn phí. Tuy nhiên, một số chương trình tổ chức bán vé như Công viên giải trí Thiên đường Bảo Sơn... Do thiếu thông tin nên người dân khi xem các chương trình không biết chương trình nào được vào xem, chương trình nào bán vé, giá vé bao nhiêu, vì vậy, có không ít người đã phải ngậm ngùi ra về sau quãng đường dài ngộp thở vì kẹt xe và chen nhau để đến được cổng điểm tổ chức hoạt động Đại lễ bởi chương trình tổ chức bán vé, mức vé lại khá cao so với thu nhập của họ.
Dù giá vé đắt đỏ như vậy (50.000 đồng/vé người lớn, 40.000 đồng/vé trẻ em) nhưng tối 2/10 (tối khai mạc Liên hoan Du lịch quốc tế Thăng Long - Hà Nội 2010), Công viên giải trí Thiên đường Bảo Sơn vẫn chật cứng người. Nhiều khách còn cơm đùm cơm nắm tổ chức cho gia đình đi từ buổi chiều rồi ở lại luôn để xem chương trình biểu diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa. 9h tối, khách vẫn chen lấn ở ngoài cửa soát vé dù nhân viên của công viên liên tục thông báo đã hết vé. Ngoài đường, nơi trưng bày 400 gian hàng của Liên hoan, có hàng nghìn người dân địa phương tụ tập để xem bắn pháo hoa vào lúc 21h45. Còn phía ngoài, kẹt xe cả cây số.
Ngoài các chương trình nghệ thuật biểu diễn được tổ chức miễn phí và truyền hình trực tiếp, để tạo điều kiện cho người dân có thể đi xem các hoạt động miễn phí, Pháp luật Việt Nam giới thiệu một số chương trình Đại lễ không bán vé, vào cửa tự do: 1. Khu trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Hoàng Thành Thăng Long (số 9 và 18 Hoàng Diệu) sẽ đón khách thăm quan miễn phí từ nay đến ngày 31/10/2010. 2. Triển lãm Thành tựu Kinh tế - Xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội 2010 (Triển lãm Việt Nam 2010) với sự tham gia của 16 Bộ, các ngành, các địa phương và nhiều doanh nghiệp khai mạc vào ngày 1/10 và kết thúc vào ngày 6/10/2010 tại Triển lãm Giảng Võ, vào cửa tự do. 3. “Những ngày phim Việt Nam kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long” bắt đầu từ ngày 1/10 đến hết ngày 10/10 trên phạm vi cả nước với lịch chiếu chi tiết (xuất chiếu 19h30 hàng ngày): - Ngày 1/10: Phim tài liệu “Văn Miếu Quốc Tử Giám” và Phim truyện nhựa “Long Thành cầm giả ca”. - Ngày 2/10: Phim tài liệu “Những người cùng thế hệ” và Phim truyện nhựa “Em bé Hà Nội”. - Ngày 3/10: Phim tài liệu “Ngoại ô” và Phim truyện nhựa “Nhìn ra biển cả”. - Ngày 4/10: Phim tài liệu “Thành phố trên sông Hồng” và Phim truyện nhựa “Hà Nội 12 ngày đêm”. - Ngày 5/10: Phim tài liệu “Chiếu dời đô” và Phim truyện nhựa “Hà Nội mùa đông năm 46”. - Ngày 6/10: Phim tài liệu “Người yêu dấu ở Lũy Hoa” và Phim truyện nhựa “Hà Nội mùa chim làm tổ”. - Ngày 7/10: Phim tài liệu “Điệu múa cổ” và phim truyện nhựa “Hà Nội, Hà Nội”. - Ngày 8/10: Phim tài liệu “Phố cổ Hà Nội” và Phim truyện nhựa “Đừng đốt”... |
Lam Hạnh