Khi nợ xấu có xu hướng tăng cao, việc thành lập công ty quản lý và khai thác nợ (AMC) trực thuộc NH nhằm xử lý nợ xấu là điều tất yếu. Nhưng không ít NHTM đã lợi dụng các công ty “sân sau” để qua mặt NHNN, lũng đoạn trong kinh doanh nhằm kiếm lợi nhuận cao.
Repo núp bóng mua bán nợ
Hiện nay, nhiều NHTM đã được NHNN cấp giấy phép thành lập công ty AMC với nghiệp vụ tiếp nhận, quản lý các khoản nợ tồn đọng, tài sản bảo đảm nợ vay liên quan đến các khoản nợ để xử lý, thu hồi vốn nhanh.
Các công ty AMC cũng được chủ động bán tài sản bảo đảm nợ vay thuộc quyền định đoạt của NHTM theo giá thị trường và cơ cấu lại nợ tồn đọng.
Bên cạnh đó, các công ty AMC được thực hiện nghiệp vụ mua, bán, xử lý nợ tồn đọng của các NHTM khác theo quy định của pháp luật. Với những nghiệp vụ trên, nhiều NHTM đã để công ty AMC “sân sau” của mình thực hiện cả các nghiệp vụ tín dụng vào các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán.
Ảnh minh họa. |
Thí dụ, một khách hàng đến NH vay 3 tỷ đồng thế chấp bất động sản (có giá trị 4-5 tỷ đồng). Thay vì cho vay, NH chuyển hồ sơ này qua công ty AMC để thực hiện nghiệp vụ repo bất động sản, tức công ty AMC sẽ làm hợp đồng mua bất động sản thế chấp của khách hàng có kỳ hạn 2 năm giá trị 3 tỷ đồng và lãi suất cộng phí lên đến 25-30%/năm. Nếu đến hạn khách hàng không trả 3 tỷ đồng cho NH, tài sản thế chấp sẽ thuộc về công ty AMC.
Với nghiệp vụ này, NHTM có thể bơm vốn cho vay bất động sản trong khi vẫn thoát cửa chặn tín dụng phi sản xuất và “room” tăng trưởng tín dụng chung 20%.
Trên thế giới không có chuyện cho NH thành lập công ty “sân sau” kinh doanh mà không có chế tài quản lý, giám sát như Việt Nam. Thực tế, quản lý các công ty “sân sau” không khó. Điều quan trọng là NHNN có quyết liệt thanh tra, kiểm tra và xử lý hay không. Tình trạng các NHTM cho vay sai quy định dẫn đến rủi ro không phải cán bộ tín dụng không biết. Bởi theo quy định một hợp đồng tín dụng luôn có quy định rất chặt chẽ, nhưng đôi khi dòng vốn tín dụng được đổ vào các lĩnh vực từ ý chí của các ông chủ NH. Điều này buộc các cán bộ tín dụng phải hợp thức hóa bằng cách định giá tài sản thế chấp lên cao để bơm vốn nhiều hơn, hoặc cho vay một dự án ở công ty khác và công ty này bắt tay cho vay lại các dự án của ông chủ NH… TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia |
Theo một chuyên gia NH, hình thức cho vay này lợi nhuận rất cao nên vừa qua nhiều NHTM đã huy động vốn lãi suất cao ở thị trường chợ đen, cộng với vốn huy động tiền gửi để bơm qua kênh này. Điều này làm cho tăng trưởng tín dụng thực tế của hệ thống NHTM bị méo mó và dòng vốn NH vẫn đổ vào lĩnh vực phi sản xuất.
Tăng vốn ảo
Khi thị trường chứng khoán ảm đạm, nhiều NHTM rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tiền cho lộ trình tăng vốn điều lệ. Trong bối cảnh đó, không ít lãnh đạo các NHTM đã tận dụng công ty “sân sau” để giúp tăng vốn.
Thí dụ, công ty A. có vốn góp lớn của các ông chủ NH B. sẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn 3-5 năm. NH B. bỏ tiền ra mua trái phiếu công ty A., sau đó công ty A. sử dụng vốn đó góp vào NH để tăng vốn điều lệ.
Khi đến hạn thanh toán trái phiếu của công ty A., bằng một số nghiệp vụ tín dụng, NH B. có thể bơm tiền qua nhiều hình thức để công ty A. hợp thức hóa trả nợ lãi và gốc trái phiếu cho NH. Như vậy, vốn điều lệ NH ghi trên sổ sẽ cao nhưng thực tế đó là vốn ảo.
Những ông chủ NH nghiễm nhiên nắm tỷ lệ vốn góp lớn của NH trên cơ sở vốn ảo, trong khi các cổ đông nhỏ bị thiệt hại vì phải đóng vốn thật. Trên cơ sở nắm quyền lực trong tay các ông chủ NH tiếp tục lũng đoạn qua việc bơm vốn vào các đại gia “sân sau” là những tập đoàn bất động sản.
Một quan chức ở cơ quan giám sát tài chính của Chính phủ cho rằng các đại gia “sân sau” thừa biết Chính phủ không để NH phá sản nên đẩy vốn đầu tư vào lĩnh vực NH bằng nhiều chiêu thức khác nhau, từ đó sử dụng vốn NH quay lại cho vay các tập đoàn của mình.
Rủi ro nếu có xảy ra các ông chủ NH vẫn yên tâm trông chờ vào hướng xử lý giải quyết của Chính phủ và NHNN.
Thực tế, việc tăng vốn ảo đã giúp không ít ông chủ NH cùng một lúc sở hữu 2-3 NH và đẩy vốn vào lĩnh vực đầu tư bất động sản, dẫn đến khó khăn về thanh khoản cho một số NH nhỏ, như đã xảy ra trong thời gian qua.
Thanh tra các công ty “sân sau” của ngân hàng Tại cuộc họp về chống tham nhũng, tội phạm trong lĩnh vực hoạt động tín dụng NH, đã nêu lên hiện tượng một số NHTM, định chế tài chính, công ty quản lý quỹ, các công ty thành lập công ty con “sân sau” sử dụng các đòn bẩy tài chính, chuyển tiền, ủy thác đầu tư cho các doanh nghiệp, cá nhân nhằm tăng trưởng quy mô giả tạo, tiếp tay cho hoạt động đầu cơ bất động sản, chứng khoán, tín dụng… Tình trạng này đã làm lũng đoạn thị trường 1, thị trường 2 trong suốt thời gian dài, đẩy lãi suất huy động lên quá cao, gây khó khăn cho Chính phủ, NHNN và các cơ quan quản lý trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô; gây khó khăn cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị kinh tế… Trước tình hình này, NHNN cho biết sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đồng loạt các công ty con trực thuộc NHTM, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm khắc. Được biết sắp tới NHNN sẽ ban hành quy định về ủy thác vốn cũng như các hành lang pháp lý chế tài các hình thức lách luật của NHTM thông qua các công ty con “sân sau”. |
Theo ĐTTC