Hoạt động quân sự, quốc phòng bị ảnh hưởng
Cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - địa bàn đứng chân của Quân khu (QK) 9 đã trải qua đợt hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm trở lại đây. Dưới tác động của hiện tượng El-Nino, lượng mưa trong khu vực giảm 20-30% so với trung bình nhiều năm, nắng nóng liên tục và kéo dài, lượng nước sông Mê Kông về Việt Nam giảm 50% khiến nước biển lấn sâu vào đất liền, có nơi xâm nhập mặn sâu 70-90km. Thời điểm này, đã có 9/12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL công bố tình trạng thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn.
Bộ Tư lệnh QK 9 nhận định, nếu tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng còn tiếp diễn và kéo dài sẽ khiến thế trận phòng thủ liên hoàn vững chắc (trên bờ, trên biển và ven biển) cùng nhiều cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật, công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ bị ảnh hưởng nặng nề. Tình hình thực tiễn cho thấy, đường bờ biển và vùng ngập lũ của ĐBSCL đang mất dần sự ổn định, hiện tượng thời tiết cực đoan (mưa, bão, lũ lụt, hạn hán không theo quy luật) thường xuyên diễn ra... Tất cả các yếu tố đó đều tạo nên áp lực đối với hoạt động quân sự, quốc phòng của LLVT QK 9.
Là địa phương có bờ biển dài gần 200km cùng 145 đảo trên vùng biển rộng lớn, trong 10 năm qua, tỉnh Kiên Giang có khoảng 1.000ha bãi bồi ven biển bị sạt lở, chiều rộng sạt lở từ 60 đến 300m. Riêng năm 2016, toàn tỉnh có 56.500ha lúa vụ đông xuân, 118.790ha lúa vụ hè thu, 9.400ha thủy sản và hoa màu bị thiệt hại do hạn, mặn. Theo Đại tá Hồ Văn Thái, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Kiên Giang, trước tác động của BĐKH, nước biển dâng, hệ thống đê bao quốc phòng trên địa bàn bị sạt lở, diện tích rừng phòng hộ ngày càng bị thu hẹp khó có khả năng phục hồi; hệ thống các kênh, rạch, cửa biển thoát lũ bị bồi lấp do biến đổi dòng chảy... Những thay đổi đó không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế, môi trường, đe dọa đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước mà còn làm thay đổi kết cấu các công trình quốc phòng của tỉnh.
Theo Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy QK 9, thời gian gần đây, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật của LLVT quân khu phải điều chỉnh cho phù hợp với các hiện tượng nước biển dâng, triều cường, lốc xoáy, ô nhiễm không khí… làm tăng thêm chi phí bảo quản, bảo dưỡng, di dời. Tác động của BĐKH còn làm cho công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) gặp nhiều khó khăn.
Nâng cao năng lực, chủ động ứng phó
Những ngày đầu tháng 9, trở lại Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 25, một trong những đơn vị chuyên trách về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của QK 9, chúng tôi được chứng kiến công tác huấn luyện TKCN, ứng cứu sập đổ công trình diễn ra hết sức khẩn trương, sôi động. Trung tá Trần Đình Công - Chính trị viên Tiểu đoàn chia sẻ: “Các hiện tượng thiên tai như dông, tố, lốc xoáy rất khó dự báo trước, do đó việc tập trung xây dựng và huấn luyện các tổ, đội cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm khả năng sẵn sàng cơ động và hoàn thành được nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra là yêu cầu hết sức quan trọng đối với đơn vị.
Các nội dung huấn luyện phải được tiến hành theo phương án, tình huống đã dự kiến với đầy đủ các trang thiết bị và phương tiện hiện có, gắn với các công trình thật hoặc các vật mô phỏng. Để khắc phục những bất hợp lý, những sai sót trong công tác tổ chức chỉ huy, hành động của tổ, nhóm và từng cá nhân, đơn vị luôn chú trọng việc tổ chức rút kinh nghiệm ngay sau mỗi nội dung, mỗi tình huống huấn luyện; đồng thời sau mỗi đợt huấn luyện đều tiến hành thao diễn hành động thực hành TKCN để đánh giá toàn diện kết quả huấn luyện”.
Còn tại Sư đoàn 330, rút kinh nghiệm từ đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua, các đơn vị thuộc Sư đoàn đều chủ động tiết kiệm, tích trữ, sử dụng hiệu quả nguồn nước sinh hoạt và tăng gia sản xuất; đầu tư xây dựng công trình cấp nước, mua sắm trang thiết bị chứa nước đề phòng trường hợp thời tiết diễn biến phức tạp. Đại tá Nguyễn Minh Triều - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330 cho biết: “Kế hoạch ứng phó với BĐKH và công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, TKCN đã được đơn vị bổ sung, hoàn chỉnh. Sư đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị thường xuyên luyện tập các phương án nhằm nâng cao khả năng cơ động của bộ đội, trình độ chỉ huy, hiệp đồng của cán bộ khi có tình huống xảy ra”.
Để nâng cao năng lực và chủ động ứng phó với BĐKH, hàng năm, Bộ CHQS các tỉnh, thành phố trên địa bàn QK 9 đều tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các cuộc diễn tập về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Mới đây, Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công diễn tập phòng, chống lụt bão trên địa bàn huyện Kế Sách. Với tình huống giả định sát thực tế, cuộc diễn tập góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và khả năng kết hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong huy động lực lượng sẵn sàng ứng phó.
Hiện nay, QK 9 đã xây dựng được kịch bản BĐKH và kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho toàn LLVT Quân khu; nhiều dự án trồng rừng ven biển cũng được triển khai tại các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu. Bộ Tư lệnh QK 9 đã đầu tư xây dựng 24 công trình cấp nước cho các đơn vị, trong đó 17 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đạt hiệu quả... Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng cho rằng, kết quả đạt được ban đầu trong công tác ứng phó với BĐKH của LLVT Quân khu rất tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế như: Công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ chưa được thường xuyên, liên tục; trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, năng lực tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy của một bộ phận cán bộ còn hạn chế. Trong tương lai, ảnh hưởng của BĐKH trên địa bàn sẽ nghiêm trọng hơn, vì vậy đòi hỏi LLVT Quân khu phải có sự huấn luyện, diễn tập và chuẩn bị kế hoạch chu đáo, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có sự cố xảy ra.