Lực lượng đặc biệt trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn

 Trung tướng Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng (trái) Trưởng Ban Liên lạc Lữ đoàn 273.
Trung tướng Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng (trái) Trưởng Ban Liên lạc Lữ đoàn 273.
(PLVN) - Trung tướng Anh hùng Đoàn Sinh Hưởng, Trưởng Ban Liên lạc Lữ đoàn 273 từng nói: “Tôi nghĩ mỗi chúng ta đều có một ngày sinh. Đó là ngày mẹ cha trao cho ta sự sống, ngày chúng ta làm người. Nhưng thế hệ những người lính suốt một thời trận mạc chúng tôi thường bảo với nhau rằng, chúng ta có một ngày sinh nữa, đó là ngày nhập ngũ, ngày trở thành Bộ đội Cụ Hồ”.

Lối đánh “nở hoa trong lòng địch”

Trong các cuộc hội ngộ, hành trình trở lại chiến trường xưa, những người lính Lữ đoàn 273 Tăng Thiết giáp thường nhắc tới một vị tướng đặc biệt. Đó là Thiếu tướng Trần Doãn Kỷ (1929 - 2021) quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, nhập ngũ năm 1949 khi đang là một chính trị viên xã đội. Năm 1961, ông được cử đi học tại Học viện Tăng Thiết giáp Trung Quốc. Tháng 8/1971, ông được cử vào chiến trường Tây Nguyên.

Sau chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh tháng 4/1972, ông là Thiếu tá, Trưởng Ban Tác chiến của mặt trận B3 (mặt trận Tây Nguyên, nay là Quân đoàn 3), là người chỉ huy cao nhất của mặt trận Tây Nguyên lúc đó. Trong chiến dịch Buôn Mê Thuột, ông đã đề ra cách đánh táo bạo khi lần đầu tiên trong lịch sử, bộ đội Tăng Thiết giáp sử dụng cả trung đoàn xe tăng và dùng xe tăng thọc sâu đánh vào giữa trung tâm sào huyệt của giặc. Ông đã trực tiếp chọn Đại đội 9 do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng thực hiện nhiệm vụ này, thọc sâu vào Lữ đoàn 23 ngụy ở Buôn Mê Thuột. Sau này, nhiều nhà quân sự gọi cách đánh đó là lối đánh “nở hoa trong lòng địch”. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông cũng đề nghị dùng một đại đội xe tăng thọc sâu đánh chiếm và giữ nguyên vẹn cầu Bông - cũng do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy.

Mỗi lần đơn vị chuẩn bị chiến đấu, ông trực tiếp tới từng xe động viên, kiểm tra chu đáo, sâu sát tất cả mọi mặt như đạn dược, xăng dầu, kỹ thuật xe, tăng võng, chăn màn và tư tưởng bộ đội. Sau mỗi trận đánh, ông lại tới hỏi han anh em xem có ai bị thương không. Khi đồng đội hy sinh, nếu có thể ông thường trực tiếp đi chôn cất đồng đội, đặt một cánh hoa rừng lên mộ chiến sỹ mình.

Trong ký ức của ông, những hướng tiến công của Quân đoàn 3 còn vẹn nguyên. Đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên đặt chân vào cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn. Từ Buôn Mê Thuột vào tới Sài Gòn, tất cả các căn cứ cỡ Tiểu đoàn của đối phương đều hốt hoảng tháo chạy, không có một sự chống cự nào. Quân đoàn 3 Tây Nguyên vào Sài Gòn bằng hai hướng, cầu Sáng và cầu Bông. Lúc đó cầu Sáng đã bị địch phá hủy, nếu không bảo vệ được cầu Bông, quân ta sẽ không thể tiến vào Sài Gòn.

Và ấn tượng của ông trong buổi sáng 30/4 đau đớn và xúc động hơn cả là tại Lăng Cha Cả có 7 xe tăng bị bắn cháy. Đây là chốt cuối cùng để bộ đội ta tiến vào Bộ Tổng Tham mưu địch nên địch ngoan cố chống cự quyết liệt. Sau đó, Tiểu đoàn 2 quay lại vượt theo đường Trương Vĩnh Kí thọc vào cổng Bộ Tham mưu, chiếm được trại Hoàng Hoa Thám, vào nhà chỉ huy của Tướng Cao Văn Viên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngụy quyền Sài Gòn.

Những pháo thủ trong bão lửa

Cũng trong buổi sáng 30/4 ấy, những người lính tăng không thể quên hình ảnh những chiến sỹ bộ đội bị thương nằm trên đường. Và tại mũi tiến công vào trại Hoàng Hoa Thám, có pháo thủ cũng được ghi vào sử sách của Lữ đoàn.

Đó là pháo thủ Nguyễn Trần Đoàn bị thương, cánh tay phải giập nát, anh đã nhờ đồng đội cắt cánh tay phải cho khỏi vướng. Nén đau, Nguyễn Trần Đoàn cùng các thành viên trong xe tiếp tục chiến đấu. Hành động dũng cảm ấy đã thôi thúc đồng đội tiến lên như thác lũ. Hiện ông Nguyễn Trần Đoàn là một doanh nhân ở Hải Phòng và tên Công ty của ông là 273. Dù mất một cánh tay, nhưng ông vẫn là một doanh nhân thành đạt và 273 mãi mãi là niềm tự hào, là mái nhà của ông cùng đồng đội, về những năm tháng máu, nước mắt và hoa.

Đó là Đại đội trưởng Đại đội 9 Trương Công Đạo mở màn ở trận Cầu Bông đã dùng xe tăng E41 nghi binh để mở đường cho đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong ngày 30/4 lịch sử. Trong những giờ phút ác liệt ấy, họ không thể quên những xe tăng đã bốc cháy cùng những đồng đội hy sinh ngay giờ phút cuối cùng trước chiến thắng.

Trường hợp đặc biệt là “liệt sĩ” sống lại Nguyễn Văn Lán, quê Kinh Môn, Hải Dương. Trong sáng 30/4 lịch sử, xe cháy, hai người đã hi sinh, hai người chạy ra ngoài sống sót. Cựu chiến binh, Trung úy Đặng Văn Phong, nguyên Trợ lý Tác chiến, Lữ đoàn 273 kể lại, lúc ấy đồng đội đã thấy Lán gục trên vô lăng, lay lay người không thấy động tĩnh gì, tưởng anh đã hi sinh. Với đặc thù của người lính tăng, khi hi sinh trên xe sẽ chỉ còn lại nắm tro ở từng vị trí chiến đấu nên sau ngày giải phóng, đồng đội đã báo tử và làm mộ cho anh ở nghĩa trang Hóc Môn.

Mãi ba tháng sau, đơn vị đi tìm những người bị thương nằm trong các viện thì phát hiện ra anh đang điều trị ở đó. Nhưng anh bị thương, mất một mảng xương sọ, vùng tiếng nói bị tổn thương nên không nói được nhiều từ. Hết chiến tranh, anh trở về quê nhà.

Trở lại sáng 30/4 lịch sử, sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy tập, thi hài và tro cốt của các liệt sĩ được đem mai táng ở nghĩa trang Tân Xuân, Hóc Môn (sau này gọi là nghĩa trang của những người lính ngã xuống trong trận chiến cuối cùng, nghĩa trang ngày 30/4). Riêng 3 liệt sĩ Nguyễn Ngọc Kha, Bế Văn Phát và Trần Xuân Vỹ thì họ đành đắp lên đó 3 ngôi mộ gió.

Phút trầm tư sau giờ chiến thắng

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng còn nhớ, đêm 30 Tết năm 1975, trên đường đi trinh sát, mỗi người lính được phát một cái kẹo Hải Châu và một điếu thuốc, mò mẫm đi trong đêm qua những vườn dưa của dân, ai cũng nhớ nhà cồn cào khi chuẩn bị bước vào trận chiến cuối cùng.

Thành tích giúp ông Đoàn Sinh Hưởng được phong Anh hùng nằm trong Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975) khi ông chỉ huy Đại đội 9 phối hợp với Đại đội Bộ binh 1 đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, chiếm lại khu kho Mai Hắc Đế (Buôn Ma Thuột); tham gia đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 của Ngụy, giải phóng Buôn Ma Thuột.

Ngày 29/4/1975, ông chỉ huy đại đội phối hợp với Bộ binh và Đặc công chốt tại Cầu Bông, diệt và bắt toàn bộ đoàn xe M113 (22 chiếc), sau đó chỉ huy phân đội cùng các đơn vị bạn đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu Ngụy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Có một điều đặc biệt, trong những ngày diễn ra trận tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, chiếc xe tăng 980 do ông Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã dẫn đầu mũi đột kích thọc sâu, tung hoành ngang dọc, tiến công vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 23, quân đội Sài Gòn, rồi tiến ra sân bay Hòa Bình. Sau này, TP Buôn Ma Thuột, khi dựng tượng đài chiến thắng ở Ngã Sáu, đã lấy xe tăng 980 làm biểu tượng cho khí thế tiến công như chẻ tre của quân đội ta, muốn lưu danh tinh thần chung của quân dân ta tham gia trận tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột.

Ông nói: “Sau khi chiếm được sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu địch, chúng tôi ôm chầm lấy nhau hò reo phấn khởi, nước mắt chảy quanh vì vui sướng. Sau đó, tôi ngồi một mình trên xe tăng suy nghĩ rất trầm tư. Tôi nghĩ về đồng đội đã hy sinh, về bố mẹ, anh chị em ở quê hương. Và thú thực, việc tôi nghĩ nhiều nhất là sau này mình sẽ làm gì. Ước mơ trước mắt của tôi lúc đó là được về thăm bố mẹ với hai gói kẹo làm quà và búp bê, cặp tóc tặng người yêu, nếu cô ấy còn chờ đợi (người bạn gái đó sau này đã trở thành bạn đời của ông - PV)”.

Tuy rằng ông không chút mảy may nghĩ mình sẽ ở lại quân đội, nhưng rồi sự nghiệp nhà binh đã lựa chọn ông khi ông vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân năm 1975, khi ông mới 26 tuổi, mang quân hàm Thiếu úy, Đại đội trưởng Đại đội xe tăng 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Quân đoàn 3. Sau này, ông dành nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học quân sự, lấy bằng Tiến sỹ và trở thành Tư lệnh Tăng Thiết giáp rồi Tư Lệnh Quân khu 4 cho tới khi trở về đời thường năm 2009.

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...