[links()]Thời gian qua xảy ra không ít trường hợp sai phạm ở các phòng khám (PK) đa khoa có bác sĩ Trung Quốc, đỉnh điểm là cái chết của nữ bệnh nhân tại phòng khám đa khoa Maria. Riêng tại TP.HCM, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thì phát hiện hầu hết các PK đều có sai phạm…
Hàng loạt sai phạm
Khoảng 21h30 ngày 14/7, tại phòng khám đa khoa Maria số 65 Thái Thịnh, Hà Nội, trong quá trình phẫu thuật điều trị viêm cổ tử cung cho bệnh nhân là chị Nguyễn Thị Thu Phong (35 tuổi, trú tại P.La Khê, Q.Hà Đông, TP.Hà Nội), phòng khám đã gây nên cái chết đối với bệnh nhân này.
Đại tá Bùi Văn Đại, trưởng Công an quận Đống Đa, Công an TP.Hà Nội, cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, Cơ quan Điều tra đã triệu tập lãnh đạo PK đa khoa Maria lên để phục vụ công tác điều tra. Đồng thời, hai bác sĩ người Trung Quốc có liên quan trực tiếp tới ca điều trị cho bệnh nhân Phong cũng được mời đến trụ sở Công an quận Đống Đa.
Tuy nhiên, khi các điều tra viên đến nhà trọ của các bác sĩ này thì họ đã “biến mất”. Do vậy phía Công an quận Đống Đa đã đề nghị cơ quan chức năng ra lệnh cấm xuất cảnh với hai bác sĩ này. Đại tá Đại cho biết thêm, cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn tất khám nghiệm tử thi, làm rõ nguyên nhân bệnh nhân tử vong, để xem xét việc tiến hành khởi tố vụ án hay không.
Người thân của gia đình chị Phong chưa bao giờ nghe chị nói là đã từng tới PK Maria để chữa bệnh, cũng không hề hay biết về căn bệnh “viêm cổ tử cung” như chẩn đoán của các bác sĩ tại PK. Trước đó, chiều 14/7, khi đi làm về, chị Phong thấy trong người không khỏe nên đến PK Maria khám bệnh. Sau đó, chị có gọi điện về nói bị mệt. Khi người nhà tới thì đã xảy ra sự việc trên. Quá bức xúc, gia đình nạn nhân đã đến Công an phường Trung Liệt và Công an quận Đống Đa trình báo.
Trong quá trình điều trị, chị Phong được chỉ định truyền 3 chai dịch, làm điện tâm đồ, thủ thuật điều trị vùng chậu và một số thủ thuật khác... Trong quá trình truyền dịch chị Phong đã bị dị ứng và thấy khó chịu. Còn số tiền mà nạn nhân phải bỏ ra để thanh toán tiền khám và điều trị được ghi trong “phiếu thanh toán khách hàng” là 8,5 triệu đồng.
Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, PK Maria do người Việt Nam đứng tên giấy phép, có bác sĩ Trung Quốc hành nghề, từng bị xử phạt vì bác sĩ hành nghề khi chưa có giấy phép. Gần đây nhất, Thanh tra sở đã tiến hành xử phạt PK này 11,5 triệu đồng sau khi kiểm tra và phát hiện tại đây có các vi phạm, như: Thu phí một số dịch vụ kỹ thuật khi chưa niêm yết giá; không thực hiện đầy đủ việc ghi chép hồ sơ, sổ sách bệnh án của bệnh nhân; quảng cáo không đúng nội dung đã được cơ quan chức năng cấp phép.
Dấu hiệu tội “Vô ý làm chết người”
Qua một số thông tin ban đầu liên quan đến cái chết của bệnh nhân, Luật sư Trần Văn Khanh – trưởng Văn phòng Luật sư Trần Văn Khanh, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho rằng: Căn cứ vào tố giác của công dân, Cơ quan Điều tra sẽ vào cuộc xác định dấu hiệu tội phạm hay không để khởi tố vụ án hình sự.
Thực tế, đã có xảy ra chết người, do vậy Cơ quan Điều tra càng phải nhanh chóng khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ nguyên nhân gây nên cái chết của bệnh nhân. Bởi, ban đầu được biết PK này đã có một số vi phạm như: Bác sỹ Trung Quốc không có giấy phép lao động (tức là hành nghề chưa có giấy phép); PK quảng cáo không đúng nội dung đã được cơ quan chức năng cấp phép... Qua đây cho thấy có thể xem xét khởi tố về hành vi vi phạm tại Điều 99 Bộ luật Hình sự về tội “Vô ý làm chết người” .
Bên cạnh đó, PK, các bác sỹ và những người liên quan có thể phải chịu trách nhiệm dân sự và phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại. Ngoài ra, các cơ quan quản lý và thanh tra của ngành y tế có nghĩa vụ kiểm tra hoạt động của PK nói riêng, cũng như các hoạt động tương tự trong cả nước để bảo đảm sự an toàn cho người dân.
Hàng loạt phòng khám có yếu tố Trung Quốc sai phạm Mới đây, tại TP.HCM, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra 12 phòng khám (PK) có yếu tố người Trung Quốc, thì có đến 10 PK xảy ra sai phạm, gồm: PK Đầm Sen, PK 141 Phan Đăng Lưu, PK Đông Phương, PK Huê Hạ, PK Ánh Sáng, PK Phúc Khang, PK Văn Lang, PK Tâm Đức, PK Nhân Ái, PK Trung Nam... Trước đó, các PK Trung Quốc khác tại TP cũng từng bị kiểm tra, và bị phát hiện sai phạm còn có PK 87 Thành Thái, PK Kỳ Tinh, PK đông y Hiện Đại; PK đông y An Khang, PK đông y 876 Trần Hưng Đạo... Gần đây nhất, ngày 12/7, PK đông y Hiện Đại (P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) tiếp tục sai phạm khi cho in tài liệu quảng cáo sai sự thật: “Có bác sĩ Trung Quốc, sử dụng dược liệu quý hiếm mau khỏi bệnh... |
Còn Luật sư Trần Ngọc Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho biết: Trường hợp người khám hoặc chữa bệnh (bác sỹ, y tá, kỹ thuật viên) cho chị Phong không có chứng chỉ hành nghề hoặc có nhưng không đúng phạm vi chuyên môn thì vụ việc có dấu hiện rõ ràng của tội vi phạm quy định về khám, chữa bệnh được quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự, theo đó Cơ quan Điều tra cần sớm khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Hình phạt về tội này trong trường hợp làm chết 1 người thuộc khoản 1 Điều 242 là phạt tù từ một năm đến năm năm.
Nếu người khám, chữa bệnh có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phù hợp nhưng trong khi khám, chữa bệnh đã vi phạm các quy định về chuyên môn kỹ thuật, áp dụng biện pháp kỹ thuật, phương pháp chữa bệnh chưa được phép… hoặc y tá, kỹ thuật viên thực hiện sai y lệnh, sai quy trình kỹ thuật thì có dấu hiệu phạm tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp nêu tại Điều 99 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Hải thận trọng: Để xác định bác sỹ, y tá, kỹ thuật viên có vi phạm quy tắc nghề nghiệp, chuyên môn kỹ thuật hay không thì cần căn cứ vào Luật khám chữa bệnh và các quy định quản lý y tế chuyên ngành. Cơ quan Điều tra cần tham khảo ý kiến của Hội đồng y khoa chuyên môn do Sở Y tế (hoặc Bộ Y tế) thành lập để xác định vấn đề này, trên cơ sở xác định mức độ, tính chất vi phạm (nếu có) sẽ quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án.
Đối với cơ sở y tế, để thực hiện việc khám, chữa loại bệnh/thủ thuật y khoa cụ thể theo đúng quy định của Luật khám chữa bệnh thì cần có đủ giấy phép hoạt động phù hợp của cơ sở y tế và chứng chỉ hành nghề phù hợp của người trực tiếp thực hiện việc khám, chữa bệnh. Nếu với một ca bệnh cụ thể mà thiếu một trong hai loại giấy này nhưng cơ sở y tế vẫn tiến hành khám chữa bệnh thì hoạt động này là trái phép, hay trong nghĩa rộng hơn, cơ sở đã kinh doanh trái phép đối với trường hợp cụ thể đó.
Nếu tại PK Maria, người thực hiện việc khám, chữa bệnh cho chị Phong không có chứng chỉ hành nghề hay có nhưng không phù hợp với loại bệnh của bệnh nhân, hoặc PK không được cấp phép thực hiện chuyên môn này, đã bị xử phạt hành chính về vi phạm này (như báo chí thông tin), thì có thể thuộc trường hợp kinh doanh trái phép nêu tại khoản 1 Điều 159 Bộ luật Hình sự.
Khi đó, người tổ chức hoạt động kinh doanh của phòng khám cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về cái chết của chị Phong, có thể bị phạt tiền đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.
Thùy Dương – Hoàng Hạnh