[links()] Trở về quê hương, gặp lại người thân trong nước mắt, hai cô gái trẻ mới thấy xót xa, ân hận vì những dại dột của mình. Giá mà các cô luôn cảnh giác, đề phòng trước những lời hứa hẹn, giá mà các cô tìm hiểu, bàn bạc kỹ với người thân trước khi quyết định “đi làm ăn xa” thì các cô đã không phải gánh chịu những ngày tháng đau khổ, nhục nhã nơi đất khách...
Lòng tốt “cho không biếu không”
Tốt nghiệp kỳ thi phổ thông trung học, hai cô gái 18 tuổi Phượng và Nga đã rủ nhau cùng thi vào một trường trung cấp nghề với mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ có một việc làm ổn định. Nhưng kết quả thi đã không được như mong đợi khi cả hai đều không đậu. Phượng và Nga buồn chán nghĩ rằng: “Vậy là cơ hội ra thành phố kiếm việc giúp đỡ gia đình đã tan vỡ từ đây”.
Cùng làng với Phượng và Nga có chị Tú, mấy năm nay chị Tú lấy chồng trên thành phố nên 1 năm chị chỉ về quê đôi ba lần. Trong một lần về quê dự đám cưới của người bà con, Tú đã gặp Phượng và Nga. Qua trò chuyện chị em, nghe Phượng, Nga kể chuyện về học hành thi cử của mình, biết được hoàn cảnh và nguyện vọng của hai cô muốn đi làm để kiếm tiền, Tú hứa sẽ tìm và giới thiệu cho hai cô đến làm việc tại một nơi chỗ người quen thân của mình.
Một tuần sau, Chị Tú về làng báo tin mừng cho Phượng và Nga là có một nhà hàng của người quen nơi cửa khẩu biên giới đang cần tuyển tiếp viên. Nhà hàng rất lớn và ở tại địa điểm có các dịch vụ du lịch rất sầm uất, nhiều khách du lịch đến thăm.
Công việc theo như chị Tú nói là không có gì nặng nhọc, chỉ cần chịu khó sẽ có nhiều tiền, Phượng và Nga mà làm việc ở đó vài năm thì có thể tiết kiệm được một khoản tiền để về quê mở nhà hàng kiếm sống. Nghe lời chị Tú nói về công việc và thu nhập, hai thôn nữ cảm thấy rất phấn khởi: “Hóa ra ông trời vẫn cho mình cơ hội “đổi đời”, chị Tú thật là tốt bụng”.
Sau khi nói với gia đình là đi thăm bạn bè một, hai ngày sẽ về, Phượng và Nga đã trốn ra thành phố đến gặp chị Tú như đã hẹn, ở lại nhà chị Tú 2 ngày. Đến ngày thứ ba, chị Tú thu xếp đưa hai cô cùng với nhóm bạn buôn của chị đến cửa khẩu biến giới.
Đến nơi, Chị Tú gặp nhóm bạn nước ngoài. Chị Tú giao Phượng, Nga cho họ, và dặn lại: “Đây là người quen của chị, họ sẽ đưa các em địa điểm nhà hàng để làm việc còn chị có công chuyện nên không đưa các em đến tận nơi được”. Sau đó, Tú ra về.
Trả giá quá đắt cho một bài học
Lúc này Phượng, Nga cũng thấy lo vì chị Tú không làm đúng như những gì hứa, song nghĩ là người quenvà mơ ước “đổi đời” cháy bỏng khiến hai cô tiếp tục hành trình.
Nhóm người lạ đã đưa Phượng, Nga vượt biên sang nước ngoài và đến một nhà hàng cao cấp do một phụ nữ làm chủ, thực ra đây là một ổ mại dâm trá hình. Tại đây, những ngày đầu hai cô lo chạy bàn, dọn dẹp, đón khách, dần dần trước sức ép và những lời đe dọa bà chủ hai cô đã phải hành nghề mại dâm. Phương và Nga hàng ngày phải làm việc từ sáng đến đêm, tiền kiếm được bà chủ giữ phần lớn chỉ trả lại một khoản tiền nho nhỏ.
Kiệt sức và nhục nhã, biết mình đã bị lừa sa vào cạm bẫy của bọn mua bán người - hành nghề mại dâm, Phượng và Nga đã tìm cách bỏ trốn nhưng ở nơi xa lạ, đường đi lối lại không rõ, bất đồng ngôn ngữ, hai cô chưa kịp trốn thoát thì bị bà chủ tìm thấy bắt lại sau đó cho người đánh đập thậm tệ.
Một ngày cuối năm, nhà hàng nơi Phương, Nga làm việc bị cảnh sát khám xét, Phượng và Nga không có giấy tờ hợp lệ nên bị bắt giữ, theo lời khai của hai cô. Cảnh sát nước sở tại đã hợp tác với cảnh sát Việt Nam điều tra vụ án.
Tú và đường dây mua, bán người của thị đã bị bắt giữ. Phượng, Nga được Cơ quan chức năng Việt Nam đưa trở về hồi hương an toàn sau những ngày bị bóc lột sức lao động và bị hành hạ nơi đất khách, quê người.
Kể ra câu chuyện cuộc đời mình cho những người làm công tác trợ giúp pháp lý, hai cô gái trẻ mong rằng bài học cay đắng của cuộc đời mình sẽ giúp những bạn gái khác có được sự cảnh giác trong những bước đi chập chững vào đời bởi “thế giới bên ngoài gia đình và nhà trường là một thế giới ẩn chứa nhiều lọc lừa, chỉ cần một phút giây thiếu cảnh giác, bạn sẽ dễ dàng sập bẫy rồi đánh mất tất cả ngay ở ngưỡng cửa của một người trưởng thành”.
Phạm Thị Minh Lý