Luật hóa những quyền năng cơ bản của nhân dân
Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một vấn đề đặt ra lúc này là chính quyền đó được xây dựng như thế nào để quyền lực chính trị thuộc về nhân dân. Bởi vậy, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”, làm cho Nhà nước ta trở thành Nhà nước dân chủ, hợp hiến. Người cho rằng, tổng tuyển cử là một quyền chính trị mà nhân dân giành được qua đấu tranh cách mạng, thể hiện năng lực thực hành dân chủ của nhân dân.
Giải thích rõ hơn về nhiệm vụ này, Người nói: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954. |
Tự mình phải yêu dân, kính dân, trọng dân
Yêu nước, thương dân là phẩm chất cao quý hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời, Người chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hành cần kiệm liêm chính, chống chủ nghĩa cá nhân, chống các bệnh quan liêu, nhũng nhiễu nhân dân. Để đảm bảo một Chính phủ liêm khiết, thực sự vì dân, công tác xây dựng cán bộ luôn được Người đề cao, coi trọng, theo đó “công việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”.
Hồ Chủ tịch chỉ rõ: “Chỉ có chế độ của chúng ta mới thật sự phục vụ lợi ích của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, bảo đảm mọi quyền lợi của nhân dân, mở rộng dân chủ để nhân dân thật sự tham gia quản lý nhà nước. Vì vậy cho nên nhân dân ta đưa hết khả năng làm tròn nhiệm vụ người chủ nước nhà để xây dựng Chủ nghĩa xã hội, làm cho nước ta mạnh, dân ta giàu”.
(Tài liệu tham khảo: Hồ Chí Minh Toàn tập – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia)
Để dân tin, dân yêu, Bác luôn luôn căn dặn cán bộ, chính quyền, đoàn thể phải dựa vào dân, phải gần gũi, sâu sát để hiểu dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, làm cầu nối của Đảng, Nhà nước với nhân dân: “Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dù khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”. Bác yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước phải hết lòng phục vụ nhân dân với tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Không ít lần Người tỏ thái độ bất bình và chỉ ra rằng, một số cán bộ miệng thì nói phụng sự quần chúng, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ. Để chữa “căn bệnh” này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liệt kê một “đơn thuốc” với yêu cầu: Phải đặt lợi ích nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; sẵn sàng học hỏi nhân dân; tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo...
Là người khơi nguồn truyền thống dân chủ ở Việt Nam, với cương vị đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng các thiết chế, thể chế và cơ chế dân chủ. Đến nay, các quan điểm này của Người vẫn giữ nguyên giá trị và có ý nghĩa thực tiễn to lớn đối với nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Đặc biệt, Bác đã để lại một tấm gương sáng về đạo đức liêm khiết, trong sạch, hết lòng phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng.
Trong không khí tươi vui, phấn khởi của những ngày đầu xuân mới, đọc những dòng gửi gắm trong Di chúc của Người, khó ai có thể kìm được nỗi xúc động: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA BÁC HỒ VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trước lúc đi xa đã để lại bản Di chúc lịch sử, đây là văn kiện vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, những quan điểm cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển, đường lối cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai. 50 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ngày càng nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản, những giá trị trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã quyết tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, theo đúng lời dạy của Người.
Trích di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Trong Di chúc, Người đã dành trọn tình cảm cho dân, cho Đảng. “Trước hết nói về Đảng”, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người đến vấn đề xây dựng Đảng và xuyên suốt là tư tưởng về tăng cường, củng cố, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Người khẳng định sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải được xây dựng trên cơ sở vì mục đích cao cả. “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Chỉ trên cơ sở đó trong Đảng mới có sự thống nhất, đoàn kết về ý chí và hành động để vượt qua mọi khó khăn trở ngại, lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện có chiều sâu, thiết thực và hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là một biện pháp quan trọng để mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng sửa chữa, khắc phục tình trạng suy thoái “có tính nghiêm trọng” về đạo đức, lối sống, giữ vững niềm tin của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng.