Một tờ báo điện tử được đánh giá cao như VietNamNet vẫn bị hacker đánh sập là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với nhiều website Việt, vốn chưa đủ tiềm năng hoặc chưa chú tâm đầu tư xứng đáng cho an ninh mạng.
VietNamNet “sập”
Rạng sáng 22/11, độc giả không thể truy cập vào báo điện tử VietNamNet từ địa chỉ www.vietnamnet.vn. Nguyên nhân nhận được là do bị hacker tấn công.
VietNamNet được đánh giá là website “đỉnh” trong số các website Việt Nam, bởi đây là tờ báo điện tử hàng đầu, có giấy phép từ năm 2003, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đến đầu giờ chiều 22/11, việc truy cập vào VietNamNet vẫn khó khăn. Bộ phận kỹ thuật của VietNamNet vẫn đang tìm hiểu và nỗ lực khắc phục. Được biết, đây là lần thứ hai website này bị tấn công.
Lời cảnh báo với website Việt
Việc tấn công website nhiều khi được thực hiện chỉ vì muốn “ghi điểm” trong cộng đồng hacker. Thậm chí, có website đã được cảnh báo nhưng không khắc phục, nên hacker chọn cách đánh sập để cảnh tỉnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Bộ phận an ninh mạng của Bkav nhận định, nhiều website trong nước chưa có các giải pháp tổng thể từ kỹ thuật đến quy trình quản trị web, nên có thể dễ dàng bị đột nhập, tấn công.
Còn ông Vũ Quốc Thành - Tổng Thư ký Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam cho rằng, website ở Việt Nam dễ bị tấn công bởi đa phần các website khi xây dựng đều thiếu các giải pháp phòng chống hacker. “Nhân lực cũng như các giải pháp kỹ thuật trong nước để xây dựng web an toàn hoàn toàn đáp ứng được ở trình độ thế giới. Tuy nhiên, chi phí để đầu tư vào một website an toàn là khá đắt, có thể lên tới nhiều tỷ đồng. Vì thế, tùy từng quy mô, mức độ cần thiết của website mà chủ sở hữu quyết định đầu tư”.
Ông Đức cho rằng, để hạn chế bị tấn công, website phải được xây dựng và vận hành theo những quy trình cẩn trọng nghiêm ngặt, bởi, theo ông, “khi chúng ta nhận thức cao nhất, thì bản thân web vẫn có thể có lỗ hổng. Do đó, để có một website an toàn, cần một giải pháp đồng bộ, tổng thể từ công nghệ đến con người”.
Thủy Hiền