“Lò lửa” Trung Đông: 3 thách thức lớn

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Năm 2017, “lò lửa” Trung Đông đã “nóng” trở lại với những chuyển động mang tính xoay chuyển, từ vấn đề của Jerusalem tới sự sụp đổ của IS và cuộc khủng hoảng Syria… Những biến cố lớn tại “vùng đất rắc rối” này sẽ tiếp tục là những thách thức đối với khu vực này trong năm 2018. 

Trong năm 2017, bức tranh toàn cảnh khu vực Trung Đông đã có điểm sáng khi những thành trì cuối cùng của những kẻ khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đẩy lùi khỏi lãnh thổ Syria và Iraq. 

“Điểm nóng” năm 2017

Cùng với sự can dự mạnh mẽ của Nga và liên quân quốc tế, cuộc chiến chống khủng bố trong năm qua đã giành được những thắng lợi quan trọng. Sau hàng loạt chiến dịch trong năm 2017, quân đội Nga tuyên bố đã đẩy lùi hoàn toàn IS khỏi các vùng lãnh thổ của Syria. Trong khi tại Iraq, IS cũng đã bị đánh bật ra khỏi mọi cứ địa quan trọng mà tổ chức này chiếm giữ suốt hơn 3 năm qua.

Và mặc dù năm 2017 đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố thì lò lửa ở đây vẫn tiếp tục dâng cao với các điểm nóng ở Vùng Vịnh, thành phố Jerusalem, hay khu tự trị người Kurd phía Bắc Iraq.

Nội bộ nhóm các quốc gia vùng Vịnh trong năm qua đã chia rẽ nghiêm trọng bởi căng thẳng giữa Saudi Arabia và Qatar. Cáo buộc Qatar có lập trường ủng hộ Iran và hỗ trợ khủng bố, các nước vùng Vịnh đã cấm vận và cô lập ngoại giao đối với Qatar. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng vùng Vịnh là do sự cạnh tranh thế lực giữa các nước trong khu vực. Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh sẽ và không bao giờ muốn chấp nhận để Qatar đứng ngoài những “chuẩn mực” của khu vực, trong đó trọng tâm là việc chống lại tầm ảnh hưởng của Iran. Nhiều nhà phân tích cho rằng, khủng hoảng vùng Vịnh chỉ có thể được giải quyết khi Mỹ làm trung gian, nhất là khi nước này được cho là đã “bật đèn xanh” để căng thẳng bùng phát. Vào năm 2014, các nước đã từng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar suốt 9 tháng và chỉ lắng dịu sau khi Qatar buộc các thành viên của Nhóm Anh em Hồi giáo ra khỏi nước này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay được cho là vượt quá xa, khác xa cuộc khủng hoảng năm 2014. Do đó, căng thẳng giữa các nước vùng Vịnh đến nay vẫn chưa được giải quyết và có thể còn kéo dài.

Trong khi đó, các vùng đất từng bị chiếm đóng bởi IS ở Iraq và Syria lại trở thành chiến địa mới để các phe nhóm tranh giành quyền lực. Căng thẳng nhất là giữa chính quyền trung ương Iraq và chính quyền tự trị người Kurd ở khu vực phía bắc nước này đã leo thang thành xung đột vũ trang.

Thêm vào đó là những chuyển động mang tính xoay chuyển khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thừa nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ hiện ở Tel Aviv tới thành phố này - một động thái đã đẩy Trung Đông trở về trạng thái thù địch mới. Quyết định gây tranh cãi này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ không chỉ cộng đồng Hồi giáo, mà cả đại đa số thành viên Liên Hợp quốc. Bởi quy chế cuối cùng về Jerusalem lâu nay vẫn luôn là một trong những vấn đề hóc búa nhất và nhạy cảm nhất của cuộc xung đột, làm hỏng rất nhiều nỗ lực kiến tạo hòa bình ở khu vực trong nhiều thập kỷ qua. Động thái của chính quyền Trump được nhận định là không chỉ hủy hoại tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông, mà còn có nguy cơ làm bùng phát làn sóng bạo lực nghiêm trọng giữa người Palestine và Israel, giữa cộng đồng Do Thái và Arab, đưa Trung Đông vào một giai đoạn hỗn loạn mới, đe dọa an ninh và ổn định của khu vực và thế giới.

Ngoài ra, năm 2017 còn ghi dấu một năm hỗn loạn với khu vực Trung Đông với làn sóng tấn công khủng bố đẫm máu ở khắp nơi trên đất nước Ai Cập, tuyên bố từ chức bất ngờ cũng như quyết định đảo ngược sau đó của Thủ tướng Liban Saad Hariri và vụ sát hại tàn bạo cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ba thách thức năm 2018

Các nhà phân tích dự đoán, trong năm 2018, khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục phải đối mặt với 3 thách thức lớn.

Thứ nhất là chủ nghĩa khủng bố vẫn hiện hữu. Không thể phủ nhận những nỗ lực của quân đội Syria, Iraq cùng với sự hỗ trợ của Nga, Mỹ và cộng đồng quốc tế trong năm 2017, mà kết quả cụ thể có thể thấy rõ là việc chính phủ Iraq và Syria đều tuyên bố lãnh thổ của họ đã được giải phóng hoàn toàn khỏi IS. Tuy nhiên, chiến thắng trên không có nghĩa là mọi mối đe dọa đã chấm dứt. Hiểm họa IS chắc chắn chưa kết thúc khi tư tưởng cực đoan bạo lực tiếp tục được truyền bá và IS đang tìm cách đặt các căn cứ mới, sử dụng các biện pháp tấn công khủng bố mới. 

Theo dự đoán, một giai đoạn bạo lực mới do IS phát động dự kiến sẽ tiếp diễn trong năm 2018 khi các tay súng thánh chiến được cho sẽ tản khắp Trung Đông, tìm đến những khu vực bất ổn hòng tạo ra những điểm nóng căng thẳng và xung đột vũ trang mới. Thậm chí, IS đã lập một “mạng lưới khủng bố toàn cầu mới” sau thất bại ở Trung Đông. Nhiều khu vực trên thế giới vẫn chưa thoát khỏi mối hiểm họa thánh chiến, bất kể đó là Libya, Syria, Iraq, hay Afghanistan... Các “chân rết” của IS đã “bám chắc” ở Afghanistan, Yemen, châu Phi và có thể tìm cách gia tăng ảnh hưởng sang Ấn Độ, Trung Quốc, Iran và Trung Á. Tại Nam Á, các tay súng người Pháp và Algeria đã gia nhập hàng ngũ của IS ở miền Bắc Afghanistan. Tại các khu vực khác như châu Âu, châu Phi, IS cũng đang lên kế hoạch “truyền cảm hứng” cho những “sói đơn độc” để thực hiện các vụ tiến công đẫm máu quy mô lớn với khả năng gây thương vong cao. Đặc biệt, Đông Nam Á hiện đang được coi là “căn cứ địa” mới của IS vì sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các nhóm khủng bố ở Đông Nam Á đang tạo ra nguy cơ lớn và hiện hữu.

Bên cạnh đó, IS dựa vào mạng Internet để tồn tại và duy trì cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo ảo”, đồng thời sử dụng truyền thông xã hội làm phương tiện liên lạc và tuyên truyền chính yếu. Rõ ràng, IS đang tìm kiếm một động lực để hồi sinh từ đống tro tàn của “Vương quốc Hồi giáo” đã mất ở Trung Đông, mà các vụ khủng bố hay thế giới ảo là cách để thể hiện IS vẫn là một thế lực dù có thể không còn kiểm soát lãnh thổ trên thực tế. 

Bên cạnh thách thức về chủ nghĩa khủng bố vẫn hiện hữu, một thách thức khác cũng được nhắc đến trong năm 2018, đó chính là xung đột khu vực giữa Saudi Arabia và Iran. Trong năm qua, cuộc nội chiến ở Yemen đã đẩy Saudi Arabia và Iran gần nhau hơn về mặt địa lý nhưng lại đẩy hai nước xa hơn về mặt chính trị. Saudi Arabia đã cáo buộc Iran cung cấp cho phiến quân Houthi các tên lửa để bắn sang Riyadh trong những tháng gần đây. Trong khi Iran là bên ủng hộ chủ chốt của lực lượng phiến quân Houthi, thì Saudi Arabia - đứng đầu liên quân Arab - lại tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm hỗ trợ Chính phủ Yemen. Nhìn vào những diễn tiến này, có thể thấy cuộc chiến giành ảnh hưởng tại Yemen trong năm 2018 sẽ ngày một gia tăng giữa hai cường quốc khu vực. Không một cuộc xung đột nào trong khu vực thoát khỏi sự can dự của cả Iran và Saudi Arabia. Trong hàng thập kỷ qua, Saudi Arabia luôn giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc chơi chính trị quyền lực khu vực, song Iran cũng có những ảnh hưởng đáng kể đối với các vùng lãnh thổ rộng lớn ở khắp Iraq, Syria và Liban. 

Tuy nhiên, vào những ngày đầu năm 2018, những thách thức trong nước tại Iran đã trở nên rõ ràng khi nước này phải đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối, được coi là lớn nhất kể từ năm 2009, khiến 21 người thiệt mạng và hàng trăm người bị bắt giữ. Các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố đã buộc Iran phải xem xét lại các điều kiện kinh tế cũng như sự bất mãn chính trị. Và vì vậy, trong năm 2018, cả Saudi Arabia và Iran sẽ còn phải giải quyết các thách thức trong nước bên cạnh những vấn đề của khu vực.

Thách thức thứ ba là các cuộc bầu cử quan trọng trong khu vực. Năm 2018 sẽ là một năm có ý nghĩa về mặt chính trị, với các cuộc bầu cử quan trọng dự kiến sẽ diễn ra tại Bahrain, Ai Cập, Iraq, khu vực người Kurd ở Iraq, Israel, Liban và Libya. Đặc biệt đối với Ai Cập, năm 2018 sẽ chứng kiến “bài kiểm tra cuối cùng” trong nhiệm kỳ tổng thống 4 năm của ông El-Sisi. Dân chúng sẽ là những người quyết định cuối cùng việc đương kim Tổng thống El-Sisi có tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ 2 và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông hay không.

Đọc thêm

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp

Bị ném bùn khi đi thăm vùng lũ lụt, vua Tây Ban Nha có hành động đẹp
(PLVN) - Người dân Tây Ban Nha đã phản ứng giận dữ với sự xuất hiện của Vua Felipe và Hoàng hậu Letizia tại vùng Valencia, nơi lũ lụt khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng hơn 200 người. Tuy nhiên, vua Felipe bình tĩnh, hạ ô để nghe một người dân trao đổi và ôm chặt hai phụ nữ đang khóc nức nở....

Hòa bình với thiên nhiên

Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học bàn luận các giải pháp khẩn cấp ngăn chặn suy thoái ĐDSH toàn cầu. (Ảnh: enb.iisd.org).
(PLVN) - Chủ đề của Hội nghị lần thứ 16 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng Sinh học vừa qua là “Hòa bình với thiên nhiên”. Đây là lời kêu gọi toàn cầu để tái tạo mối quan hệ của con người với thiên nhiên, đưa thiên nhiên trở lại trung tâm của sự phát triển bền vững.

Quyền trẻ em trong quá trình lập pháp tại Hoa Kỳ

Thế hệ trẻ như nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg (SN 2003) đang có sức ảnh hưởng mạnh hơn đến các chính sách khí hậu toàn cầu: (Ảnh: The Washington Post)
(PLVN) - Dù chưa có quốc hội trẻ em chính thức tại Hoa Kỳ, nhưng những sáng kiến như Hội đồng Thanh niên và các phiên họp mô phỏng quốc hội đang cung cấp cơ hội cho giới trẻ tham gia vào hệ thống quản trị, định hình chính sách tương lai của đất nước.

Thời điểm nào Ukraine có thể gia nhập EU?

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU Oliver Varhelyi.
(PLVN) - Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU) Oliver Varhelyi, mọi quốc gia ứng cử viên của EU, bao gồm cả Ukraine, đều có thể gia nhập khối này vào năm 2029 nếu họ đáp ứng mọi tiêu chí thành viên.