Hàng ngàn ngôi nhà ngập nặng, giao thông chia cắt
Ngày 9/10, tại Thừa Thiên-Huế, mưa lớn liên tục kết hợp với lũ từ thượng nguồn đổ về khiến khu vực hạ du bị ngập trên diện rộng tập trung ở huyện Phong Điền và Quảng Điền. Chính quyền địa phương cùng với người dân đang thực hiện tốt phương án "4 tại chỗ" để ứng phó với mưa lũ.
Hiện nay, nước lũ trên sông Bồ tại huyện Phong Điền chỉ còn cách báo động 3 là 0,4m. Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình cho biết, từ ngày 7/10 đến nay huyện đã tổ chức di dời 599 hộ với 1.771 khẩu ở các điểm thấp trũng.
Mưa lũ đã làm ngập trên 1.900 căn nhà của người dân huyện Phong Điền, tập trung ở các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu… với mức ngập cao nhất đến gần 2m. Về sản xuất, hàng chục hecta hoa màu của nông dân bị chìm trong nước lũ.
Nước lũ cũng làm hư hỏng, thất thoát 12 lồng cá nuôi tại xã Điền Hòa. Tỉnh lộ 8 đi từ thành phố Huế về huyện Quảng Điền cũng bị ngập sâu trong nước.
Dự báo tình hình mưa lớn ở Thừa Thiên-Huế trong những ngày tới còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài, đồng thời do triều cường, sóng cao nên khả năng thoát lũ sẽ chậm. Hiện nay, mực nước các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đảm bảo an toàn. Nhiều xã của huyện như Phong Hòa, Phong Bình hiện đang bị cô lập bởi nước lũ, các tuyến đường vào xã đều bị ngập sâu gần 1m, các đoàn công tác đi kiểm tra thực tế phải sử dụng ghe thuyền hoặc canô.
Tại Quảng Bình, ngày 9/10 mưa lớn vẫn tiếp diễn khiến nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch bị ách tắc, nhiều khu vực bị chia cắt và sạt lở đất, có nơi bị cô lập hoàn toàn; nước trên các sông: Nhật Lệ, Kiến Giang, Long Đại đã vượt mức báo động 3.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCTT & TKCN tỉnh Quảng Bình chiều 9/10, tỉnh này có hơn 12.600 ngôi nhà bị ngập. Trong đó, huyện Lệ Thủy có hơn 7.600 nhà, huyện Quảng Ninh hơn 4.300 nhà. Tại “rốn lũ” Tân Hóa (huyện Minh Hóa), hơn 550 ngôi nhà đã bị ngập sâu từ 1m đến 2,5m, người dân phải chuyển sang tránh lũ trên những nhà phao.
Theo ghi nhận của phóng viên PLVN, tại nhiều địa phương của Quảng Bình, nước lũ vẫn đang dâng lên dù chậm, khiến người dân tại các vùng này không khỏi lo lắng. Trên Quốc lộ 1A, đoạn qua nhiều xã phía Nam tỉnh Quảng Bình bị ngập, nhiều phương tiện không di chuyển được phải đổi hướng lên đường mòn Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Bình tiếp tục tăng cường về các địa bàn xung yếu kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó lũ lụt và yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cầu tại chỗ) để chủ động ứng phó với thiên tai. Nhờ vậy, nhiều địa phương đã giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra.
Trên địa bàn huyện miền núi Tuyên Hóa, lực lượng chức năng đã di dời 148 hộ với 515 người cùng tài sản đến nơi an toàn, hàng trăm hộ dân khác cũng đã được lên phương án di dời khi cần thiết.
Tại các khu vực bị chia cắt, nước dâng cao, ngập lụt, lực lượng Công an đã túc trực và điều tiết giao thông; nhiều tuyến đường bị sạt lở hư hỏng đã được cảnh báo, canh giữ. Bà Lê Thị Mùi (người dân ở xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa) cho biết: “Nhờ có lực lượng công an, chính quyền địa phương luôn có mặt sẵn sàng, tích cực hỗ trợ, sơ tán người dân kịp thời nên bà con rất chủ động trong việc chống lũ”.
Tại các địa phương thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương lên phương án điều động hàng trăm cán bộ chiến sĩ, trực 100% quân số, hàng chục phương tiện xe ôtô, ca-nô đến các địa bàn xung yếu để giúp dân.
Chiều 9/10 UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa xác nhận, chị Hồ Thị Liêu (SN 1973, người dân tộc Chứt, trú tại bản Tà Rà) đã bị lũ cuốn mất tích vào trưa cùng ngày khi đi cùng chồng qua con suối chảy xiết gần nhà. Hiện lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm.
Đồn Biên phòng Nhật Lệ thông tin, rạng sáng 9/10, lực lượng này đã cứu hộ cứu nạn thành công ngư dân Trương Quốc Hiệu (SN 1986, trú thôn Sa Động, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới cùng tàu cá bị sóng to gió lớn giật đứt dây neo, cuốn ra biển khi ngư dân này đang tát nước chống ngập trên tàu.
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất
Lượng mưa lớn ồ ạt trút xuống các khu vực ở Quảng Nam, TP. Đà Nẵng khiến nhiều vùng bị ngập lụt chia cắt. Ở một số điểm lũ về quá nhanh khiến người dân lo lắng lũ chồng lũ. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Đà Nẵng, tính đến ngày 9/10, sau gần 3 ngày mưa lớn liên tục với lượng mưa đo được từ 180 đến 300 mm, nhiều địa phương của thành phố này đã ngập sâu trong nước, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt.
Cụ thể, hiện có khoảng 500 nhà dân thôn Trung Sơn, thôn Quan Nam 2 (xã Hòa Liên) thôn La Bông (xã Hòa Tiến), thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Tiến) ngập sâu từ 30 cm đến gần 1m.
Ngoài ra, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn của huyện Hoà Vang bị ngập. Về nông nghiệp, ngập úng 16,3 ha hoa màu tại quận Cẩm Lệ. Sạt lở gây bồi lấp tuyến đường ADB5 tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên, thôn An Định, xã Hòa Bắc); sạt lở tuyến đường ĐT 601 tại thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên.
Ông Phan Văn Tôn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho biết, các đơn vị chức năng đã đi kiểm tra thực tế và lên phương án di dời dân, khơi thông các điểm ngập úng. Tại xã Hòa Liên có 4 điểm sạt lở nặng ở dọc đường ADB5 khiến đất đỏ tràn vào nhà dân.
Trong khi đó, các vùng trũng huyện Đại Lộc và TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) nước lũ dâng cao nhấn chìm hàng trăm hecta hoa màu, nhà cửa của người dân. Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết: “Diễn biến mưa vẫn còn phức tạp, địa phương đã sẵn sàng phương án di dời người dân đối với những nhà không an toàn, nghiêm cấm ghe thuyền, ca nô (trừ trường hợp làm nhiệm vụ) đi lại trên sông. Các hoạt động phố đi bộ và bán vé tham quan phố cổ đã tạm nghỉ.
Ngập lụt tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). |
Lo lắng lũ chồng lũ
Theo Trung tâm phòng chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng), đến ngày 9/10, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,02m, trên báo động I 0,52m; tại Hội Khách 10,97m, dưới báo động I 3,53m; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 3,37m, dưới báo động I 3,13m; tại Câu Lâu 1,4m dưới báo động I 0,6m; tại Hội An là 0,76m dưới báo động I 0,24m…
Để đảm bảo an toàn cho người dân trước nguy cơ lũ, tỉnh Quảng Nam đã sơ tán 150 hộ dân, gồm huyện Tây Giang sơ tán 100 hộ; huyện Nam Giang sơ tán 11 hộ; huyện Nam Trà My sơ tán 5 hộ; huyện Đại Lộc sơ tán 34 hộ. Tính đến nay các thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, sông Tranh 2, sông Bung 4 đều đang vận hành tích nước.
Tại thủy điện A Vương, lúc 21h ngày 8/10, mực nước cao 363.41m, lưu lượng nước đến đạt 423.53m/s và thủy điện này chưa xả tràn. Cũng như A Vương, thủy điện Sông Bung 4 có mực nước cao 215m, lưu lượng nước đến đạt 144.3m/s, lưu lượng xả tràn là 0. Riêng 2 thủy điện là Đắk Mi 4 và sông Tranh 2 có lưu lượng nước qua tràn ở ngưỡng rất nhỏ từ 3 – 5m3/s. Tuy nhiên, lưu lượng qua tràn này là dòng chảy môi trường không phải xả lũ.
Như vậy, các hồ thủy điện thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đang tích nước chưa xả lũ. Lãnh đạo các thủy điện thượng nguồn Vu Gia – Thu Bồn nhìn nhận, với diễn biến mưa như hiện tại, các hồ chứa có thể nhận nước đến 11/10, tức khoảng 3 – 4 ngày nữa.
Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, theo kịch bản hồ thủy điện A Vương sẽ đầy và không phải xả tràn nếu tổng lượng mưa đợt mưa này đạt 500mm. Tuy nhiên, khoảng 3 ngày mưa qua, tổng lượng mưa mới đạt 240mm.
Ông Nguyễn Văn Lân, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh 2 cũng thông tin, hồ thủy điện Sông Tranh 2 ghi nhận lượng nước về hồ không nhiều, trung bình đạt 400m3/s. Sau 3 ngày mưa hồ này mới đón được 100 triệu m3/450 triệu m3 nước, mực nước hiện tại còn thấp nên xu hướng đầy hồ là rất khó.
Đặc biệt, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 13h ngày 10/10, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 240km; sức gió vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Thời gian tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và có thể mạnh thêm...
Trên đất liền, các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi tiếp tục xảy ra mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi cao hơn 250mm. Các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 40-80mm, có nơi cao hơn 90mm.
Vùng núi các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế... có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, từ ngày 11 đến 13/10, các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ tiếp tục xảy ra đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to...
Đến chiều 9/10, tại bờ biển xã Triệu An (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), các lực lượng chức năng cùng người dân vẫn tích cực tìm phương án tiếp cận cứu nạn 10 thuyền viên trên tàu Vietship 01.
Con tàu này bị mắc cạn cách bờ khoảng 400 m, trong khi khu vực này sóng cao từ 2 đến 3 mét, gió lớn kèm mưa. Nơi tàu mắc cạn nằm cạnh cửa sông Cửa Việt nên lượng mưa lũ trên nguồn đổ về lớn, kết hợp sóng ngoài biển xô vào tạo vòng xoáy lớn, các phương tiện khác rất khó tiếp cận.
Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh Quân khu 4, chỉ huy lực lượng ứng cứu tại hiện trường, cho biết nhà chức trách thống nhất phương án phối hợp với ngư dân có kinh nghiệm đi biển để tổ chức cứu hộ. Trước đó, tỉnh Quảng Trị có đề xuất dùng trực thăng cứu nạn 10 thuyền viên, nhưng nhà chức trách nhận định đây là vùng lõm, tốc độ gió lớn, trực thăng chỉ là biện pháp cuối cùng; thời tiết thuận lợi mới có thể sử dụng loại phương tiện này.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 9/10, mưa lũ xảy ra tại các tỉnh miền Trung đã làm 88 xã, phường, thị trấn thuộc các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng bị ngập lụt.
Đặc biệt, mưa lũ đã làm 5 người chết, 8 người mất tích, 772ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 32.500 gia cầm bị chết, cuốn trôi. Ngoài ra, mưa lũ còn làm 30 điểm giao thông và 9km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, 1 cầu bị hỏng...