Ngay sau khi NHNN hạ trần lãi suất tiền gửi xuống 12%/năm và công bố nới lỏng dòng tiền đối với các lĩnh vực không khuyến khích như bất động sản, tiêu dùng... một số ngân hàng cũng đồng thời hạ lãi suất cho vay.
Chiều 11/4, BIDV đã công bố việc giảm đồng loạt lãi suất cho vay nhiều lĩnh vực, với mức giảm từ 1 - 2,5 điểm phần trăm tùy lĩnh vực từ ngày 12/4. Theo đó, mức lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường về mức 14,5%, vay các lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, phụ trợ cũng xuống mức 13,5 - 14%. Cao nhất là vay đầu tư chứng khoán, vay tiêu dùng và bất động sản với mức lãi suất 16 - 18% tùy lĩnh vực và kỳ hạn vay.
Cùng ngày, Eximbank cũng cho biết sẽ dành 6.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân kinh doanh và mua nhà với mức lãi suất 16,5%. Tương tự, HSBC cũng hạ lãi suất cho vay dài hạn để mua nhà xuống 17%/năm trong thời gian này.
Trước đó, ngày 10/4, Techcombank cũng công bố dành nguồn tín dụng 4.000 tỷ đồng với mức lãi suất từ 15% dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng thiết yếu, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng truyền thống…
Không chỉ các ngân hàng lớn, khối nhà băng nhỏ cũng dần hạ lãi suất cho vay. Điển hình là TienPhong Bank với chính sách tín dụng "mở" đối với khách hàng vay tiêu dùng, mua nhà, ôtô... đồng thời dành 1.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 14% cho lĩnh vực công nghệ cao, xuất khẩu...
Việc các nhà băng - mặc dù chưa xuất hiện một số tên tuổi lớn như Agribank, Vietcombank, Viettinbank... - giảm lãi suất cho vay cho thấy tín hiệu: việc hạ trần lãi suất huy động xuống 13%/năm trong tháng 3 đã có hiệu quả, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã tốt lên và dấu hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ đã lộ rõ.
Việc này xảy ra trong bối cảnh lạm phát 3 tháng đầu năm được giữ dưới mức 1%/tháng, lạm phát kỳ vọng giảm và đồng thời sức tăng trưởng của nền kinh tế cũng đang chững lại.
Cũng giống như công bố ngày 11/4 của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, các ngân hàng cũng mở cửa đối với lĩnh vực không khuyến khích, mà cụ thể nhất là cho vay mua nhà và đầu tư bất động sản.
Ông Phạm Quang Tùng - Phó Tổng Giám đốc BIDV giải thích cho việc hạ lãi suất cho vay bất động sản xuống 16%: "Theo tinh thần chỉ đạo cũ, lãi suất bất động sản thường cao hơn các lĩnh vực khác từ 5 - 10%, nhưng hiện nay tinh thần là tách một số nhóm bất động sản ra khỏi lĩnh vực không khuyến khích".
Cũng như quan điểm của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ông Tùng cho biết việc kích cầu bất động sản sẽ kéo theo hỗ trợ các ngành khác như thép, xi-măng vốn đang rất khó khăn, đồng thời giúp giải quyết hàng tồn và tái tạo dòng tiền từ khối tài sản khổng lồ là bất động sản.
Trước đó, nói về việc nới lỏng tín dụng cho bất động sản - lĩnh vực từng bị xếp vào phi sản xuất và không khuyến khích trong thời gian qua - Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng dư nợ tín dụng trực tiếp của bất động sản chỉ trên dưới 10%, nhưng dư nợ có đảm bảo bằng bất động sản lại lên tới 60% nên việc nới lỏng là cần thiết trong điều kiện nhu cầu nhà ở rất cao và mặt bằng giá cả đã về mức hợp lý.
Việc hạ lãi suất liên tiếp được tin là xuất phát từ triển vọng tăng trưởng kinh tế thấp, vốn được các tổ chức quốc tế dự báo khoảng 5,5 - 5,7% trong năm 2012 thay cho mục tiêu 6% của Chính phủ. Mặc dù vậy, việc hạ lãi suất nhanh chóng cũng như mở van tín dụng cho các lĩnh vực không khuyến khích cũng khiến các chuyên gia tài chính quốc tế lo ngại yếu tố rủi ro về lạm phát, cũng như những cú sốc trên thị trường vì chuyển đột ngột từ "thắt quá chặt" sang "mở quá nhanh".
Một mối lo khác là việc các doanh nghiệp có thực sự tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ theo công bố hay không, bởi các ngân hàng đều tuyên bố chỉ cho vay đối với các doanh nghiệp có quy mô, có tình hình tài chính tốt, đáp ứng đủ các điều kiện và quy định của nhà băng.
Về việc này, giới tài chính cho rằng hiện tượng các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng bản chất thì mỗi giai đoạn một khác. Nếu từ năm 2011 trở về trước, các doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa) không dám vay vốn vì lãi quá cao, thì nay vấn đề nằm ở chính năng lực của các doanh nghiệp.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: "Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, tiền của ngân hàng là tiền của nền kinh tế nên họ cho vay phải có trách nhiệm". Theo ông Bình, nếu tài hình tài chính doanh nghiệp quá xấu thì họ không thể được vay vốn, mặc dù không ít trường hợp chấp nhận "mặc cả" lãi suất vay lên tới... 25%. "Nếu doanh nghiệp tốt, đủ điều kiện vay vốn đối với lĩnh vực khuyến khích theo quy định thì họ có thể vay với mức lãi suất 14 - 16%", ông Bình cho hay.
Theo Dân Trí