Hôm qua (26/9), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) bắt đầu họp để xem xét đơn xin gia nhập của Palestine, một quá trình sẽ kéo dài nhiều tuần, trong khi đó Mỹ tuyên bố sử dụng quyền phủ quyết để phản đối nếu họ cho là cần thiết.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: AFP
Theo các nhà ngoại giao, một cuộc bỏ phiếu về việc Palestine xin gia nhập LHQ có thể sẽ diễn ra trong khoảng 4 tuần nữa, hoặc có thể lâu hơn. Mỹ - thành viên thường trực của HĐBA – đã tuyên bố dùng quyền phủ quyết trong trường hợp họ cho là cần thiết. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không chấp nhận đơn xin gia nhập LHQ của Palestine mà ông đánh giá là một sự “rút ngắn hão huyền” quá trình hòa bình.
“Tôi tin rằng không tồn tại việc rút ngắn kết cục của một cuộc khủng hoảng vốn kéo dài nhiều thập kỷ nay bằng cách đó. Hòa bình sẽ không đến từ những tuyên bố và nghị quyết ở LHQ”, ông tuyên bố trước Đại hội đồng LHQ.
Tuy nhiên, Palestine vẫn hy vọng có thể tránh được việc Mỹ bỏ phiếu phủ quyết vì một hành động như vậy có thể làm tổn hại hơn hình ảnh của nước Mỹ vốn đã xấu từ trước ở Trung Đông
Palestine cũng hy vọng thu được ít nhất 9 phiếu trong tổng số 15 phiếu tại HĐBA, mức tối thiểu phải đạt được để đơn xin gia nhập của họ có thể được HĐBA đưa ra Đại Hội đồng LHQ.
Hiện 6 thành viên của HĐBA, cả thường trực lẫn không thường trực, đã tuyên bố thông qua đơn xin gia nhập LHQ của Palestine: Đó là Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ, Li Băng và Nam Phi. Những nước khác có thái độ chưa dứt khoát hoặc không tiết lộ quan điểm của mình là Anh, Pháp, Đức, Nigeria, Gabon, Bosnia và Bồ Đào Nha. Còn Colombia thì đã thông báo sẽ bỏ phiếu trắng.
Các nhà lãnh đạo Palestine cho biết, trong trường hợp thất bại ở HĐBA, có thể họ sẽ sử dụng cách thức bỏ phiếu trực tiếp tại Đại hội đồng LHQ, nơi Palestine đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Palestine sẽ chỉ có thể được công nhận là một nhà nước quan sát viên chứ không phải là thành viên chính thức. Vị thế này cao hơn vị thế quan sát viên thường trực của Palestine hiện nay, nhưng không được tham gia các cuộc bỏ phiếu tại LHQ.
Trong một diễn biến khác liên quan, sau khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đệ đơn xin gia nhập của Palestine lên trụ sở của LHQ ở New York, Nhóm “Bộ tứ” về Trung Đông (Mỹ, Liên minh châu Âu, LHQ, Nga) đã nhất trí về một tuyên bố dự kiến lịch trình nối lại đàm phán Israel-Palestine vốn đóng băng từ một năm nay, với những cuộc thảo luận dự kiến bắt đầu trong một tháng nữa và mục đích là đạt được một thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm 2012.
Nhóm “Bộ tứ” cho rằng, cả Israel và Palestine sau đó có thể soạn thảo “đề xuất toàn diện trong thời hạn 3 tháng về lãnh thổ và an ninh” và “tiến bộ đáng kể” cần phải đạt được trong vòng 6 tháng. Các nhà đàm phán cho biết, lãnh đạo Israel và Palestine hiện đang nghiên cứu đề xuất của nhóm này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông sẵn sàng chấp nhận kế hoạch nói trên của nhóm "Bộ tứ" về hòa bình Trung Đông. Thủ tướng Netanyahu nói: "Nếu Bộ tứ kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp mà không kèm theo điều kiện tiên quyết nào, tôi nghĩ đó là một điều quan trọng". Ông Netanyahu cho biết Chính phủ Israel sẽ công bố quan điểm chính thức đối với đề xuất của nhóm "Bộ tứ" trong vài ngày tới.
Về phần mình, Palestine cũng phải “nghiên cứu” kế hoạch của nhóm “Bộ tứ” trong những ngày tới. Tuy nhiên, hôm 25/9, Tổng thống Mahmoud Abbas tái khẳng định rằng ông sẽ nghiên cứu đề nghị mới của nhóm "Bộ Tứ" về nối lại vô điều kiện các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel.
Tuy nhiên, ông Abbas nhấn mạnh sẽ không chấp thuận bất kỳ sáng kiến nào nếu nó không đáp ứng yêu cầu của Palestine là buộc Israel phải ngừng xây dựng các khu định cư trên các phần lãnh thổ chiếm đóng của Palestine và tiến hành đàm phán hòa bình trên cơ sở đường biên giới trước cuộc chiến tranh năm 1967.
Quang Minh (theo AFP, BBC)