Trước khi bước chân lên khoang hành khách của chiếc máy bay Airbus A320 từ Hà Nội vào Tp Hồ Chí Minh trưa ngày 12/3/2012, tôi nhận được lời “đe dọa” từ một người bạn có “tần suất bay" vào hàng kỷ lục Việt Nam: “phụ nữ lúc nào cũng..tham rẻ nhưng bay trên trời thì không nên đi..giá rẻ em nhé”.
Bạn nghĩ sao nếu lên...trời với các cô gái "thiếu sinh quân" này? |
1. Nhưng anh bạn “kỷ lục” đã khuyên quá muộn màng. Bởi sau khi xin lỗi nhân viên mặt đất vì vào tới máy bay vẫn còn sử dụng điện thoại di động, tôi đã chính thức bước vào một hành trình bay dài 1 giờ 45 phút với hãng hàng không giá rẻ thế hệ mới: VietJetAir.
Một cô tiếp viên trong trang phục “thiếu sinh quân” năng động và nụ cười tươi thật tươi chỉ cho tôi chỗ ngồi với giọng con gái Sài Gòn ngọt lịm.
Không biết có phải vì nụ cười rất tươi hay bởi chiếc máy bay rất mới, còn chưa kịp có các loại “mùi” mà ta vẫn thường thấy khi bay trên các chuyến bay cũ nhưng tâm trạng của tôi cũng như các giác quan đều có cảm giác dễ chịu.
Và rồi cái cảm giác ấy được hiện thực hóa khi đặt mình xuống chiếc ghế da êm ái, sạch sẽ và phải nói rằng đó là chiếc ghế rộng, rộng ngang với ghế VIP của các hàng hàng không mà tôi vẫn thường bay.
Chuyến bay có khoảng hơn 100 hành khách, nhiều người lần đầu tiên đi máy bay.
Cô gái ngồi bên cạnh tôi khá lúng túng với chiếc dây bảo hiểm, cô thắt nhầm đầu dây nọ với đầu dây kia rồi ngượng nghịu cho biết đây là lần đầu cô đi máy bay.
Sau khi được tôi và cô tiếp viên xinh xắn giúp đỡ cách cài dây, cất đồ đạc cá nhân lên tủ, cô chia sẻ tên mình là Nguyễn Thúy Bình- công nhân khu công nghiệp Linh Trung (Thủ Đức- TP Hồ Chí Minh)-. Bình kể cô đi làm công nhân từ khi chưa có…chồng tới bây giờ đã một nách hai con ( hơn chục năm), mỗi năm cô về quê (Nam Định) được một lần vào dịp tết hoặc hè (khi bọn trẻ được nghỉ học). Những lần về quê hiếm hoi đó, cô và gia đình phải chuẩn bị tài chính từ rất lâu bằng cách dành dụm đồng lương ít ỏi hàng tháng và chỉ dám đi ô tô.
“Hồi các cháu còn nhỏ cũng có lần em đi tàu nhưng khi bọn trẻ đủ 7 tuổi thì đi tàu không thể nằm chung giường với bố mẹ hoặc ngồi lòng bố mẹ thì chúng em chỉ đi ô tô”, Bình kể rồi cho biết vừa rồi nhà máy cô làm ít việc, lương bổng thất thường nên cô tranh thủ về quê chăm mẹ ốm, mẹ vừa đỡ thì chồng gọi điện bảo vào gấp để chuyển sang một công việc mới mà nếu cô vào muộn một hôm thì cơ hội tốt đó sẽ không còn.
“Em xem ti vi biết có máy bay giá rẻ nên đánh liều ra sân bay. Thế mà mua được vé chỉ có 499 ngàn đồng/lượt chị ạ. Lấy được vé, em mừng rơi cả nước mắt. Lúc ra sân bay em cũng vay được người trong họ 3 triệu đồng, định bụng nếu không mua được vé giá rẻ thì em cũng phải cắn răng mua vé khác để kịp vào nhận việc”.
Hôm VietJetAir khai trương, tôi có xem ti vi, đọc báo, thấy bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT VietJetAir phát biểu : “VietJetAir sẽ là hãng hàng không thế hệ mới mang đến cho khách hàng những trải nghiệm bay chất lượng, an toàn với chi phí thấp ở Việt Nam và khu vực” nhưng thú thực phải tới khi nghe Bình tâm sự tôi mới thấy hết giá trị của lời phát biểu ngắn gọn đó. Cũng như hiểu hơn vì sao những người đầu tư vào mô hình hàng không giá rẻ này lại chọn một slogan khá giản dị “giá rẻ hơn, bay nhiều thêm”.
2. Giá vé máy bay của Vietnam Airlines đã tăng 20% từ tháng 12/2012. Vì thế, không phải chỉ người lao động phổ thông như Nguyễn Thúy Bình mới chọn hàng không giá rẻ. Lúc ở quầy thủ tục, tôi có dịp trò chuyện với anh Lâm, một doanh nhân khá nổi tiếng trong ngành truyền thông, giải trí.
Không phải chỉ người...nghèo mới thích VietjetAir |
Anh cho biết có một “event” lớn tối nay ở TP Hồ Chí Minh và anh đã mua vé hạng sang của VietJetAir thay vì mua vé hạng thường của hãng hàng không khác. Chìa cho tôi xem giá vé, hơn 4 triệu đồng/khứ hồi, anh Lâm phân tích: nếu mua vé hàng không truyền thống thì anh sẽ phải bù thêm ít nhất là 1 triệu đồng nữa chỉ để được ăn miễn phí 1 bữa ăn.
Và quan trọng hơn, mức vé hạng sang của hàng không giá rẻ như VietJetAir dễ đặt hơn cả vé thường ở hàng không truyền thống, anh không phải lo ngay ngáy nếu dời lịch làm việc, ở thêm vài ngày thì khi muốn ra sẽ khó có thể đặt được chỗ hoặc là bị delay hàng tiếng ở sân bay.
“Mình chỉ cần ra trước tầm 80 phút giờ máy bay cất cánh là có chỗ hoặc nếu muốn chắc chắn, tiết kiệm thời gian thì có thể đặt chỗ trước, phí chỉ 120 ngàn đồng”, anh Lâm nói rồi nhấn mạnh thêm: anh thích thử nghiệm những dịch vụ mới, nhất là dịch vụ mang tính cạnh tranh như hàng không và anh hài lòng khi đã bay cùng VietJetAir hơn 6 chuyến bay khứ hồi từ khi hãng này “cất cánh” cuối năm 2011 tới nay.
Quả thật, với những ai từng “phát điên” vì đi phải những chuyến bay trễ giờ hoặc bị đối xử không như “thượng đế” bởi các tiếp viên hay nhân viên mặt đất thì thử nghiệm hàng không giá rẻ cũng còn là một cách tiếp cận để so sánh dịch vụ.
Nhắc đến câu chuyện dịch vụ, tôi nhớ lúc đến làm thủ tục ở sân bay, ít nhất thì các cô nhân viên mặt đất ở quầy thủ tục cũng đã mỉm cười với khách và vâng dạ khá…ngoan. Đến mức, bác Trần Đức Thịnh- một cán bộ hưu trí từng công tác trong ngành hàng không, nhà ở quận Long Biên còn phải “buột miệng” khen.
VietJetAir đi vào hoạt động với đội ngũ phi công 100% là người nước ngoài được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế và có kinh nghiệm bay với nhiều hãng hàng không danh tiếng trong nước và khu vực. Đội ngũ tiếp viên của hãng được đào tạo ở nước ngoài đảm bảo sự chuyên nghiệp và chu đáo trong phong cách phục vụ…
Mặc dù khá đông khách nhưng nhân viên mặt đất của VietjetAir vẫn khá vui vẻ, hòa nhã, tận tình phục vụ |
Cô tiếp viên xinh xắn tôi nhắc đến ở đầu bài biết này có cái tên rất Nam Bộ: Thanh Tuyền. Và cô hội tụ đủ tất cả các yếu tố của một tiếp viên hàng không thanh lịch, dễ mến, khiến cho hành khách có thể thấy mình được phục vụ đúng tinh thần là “thượng đế”.
Khi được tôi hỏi về công việc, cô cảm ơn rồi rất thật thà kể mình bao nhiêu tuổi và được VietJetAir đưa đi đào tạo ở nước ngoài như thế nào trước khi về làm việc ở Việt Nam, cô đang hưởng lương bao nhiêu và yêu công việc của mình như thế nào.
Tôi tin cô không nói dối cho khách đẹp lòng bởi theo như cô kể thì khi máy bay hạ cánh các cô đều ở trong máy bay chứ không bước chân ra ngoài vì các chuyến bay của VietJetAir (6 chuyến đi và về trên chặng Hà Nội- TP Hồ Chí Minh) đều là bay khứ hồi. Hàng tuần các cô được nghỉ 1-2 buổi sau đó lại ở trên máy bay cả ngày.
Nếu không yêu công việc của mình, các cô không thể tươi tắn như thế trên mỗi chuyến bay khi độ tuổi của các cô còn rất trẻ, nếu làm công việc khác, ắt hẳn một ngày không thể thiếu hai ba lần ghé quán cà phê “tám” chuyện cùng bè bạn.
Và nếu không yêu công việc, các cô cũng không thể ân cần phục vụ hàng trăm lượt khách mỗi ngày, hết đưa thức ăn, nước uống lại đẩy chiếc xe con con dọc khoang hành khách để bán đồ lưu niệm cho hành khách.
3. Chuyện bán hàng lưu niệm, đồ ăn thức uống trên máy bay cũng là một chuyện rất nên đề cập. VietJet Air hoạt động theo mô hình hàng không giá rẻ (Low Cost Carrier) vốn đã rất phổ cập ở các nước trên thế giới.
Một điểm vui vui trên các chuyến bay này là bạn không buộc phải mua vé có kèm đồ ăn. Thay vào đó bạn được chọn lựa có ăn hay không ăn và lựa chọn luôn việc được ăn món gì, ăn như thế nào. Thêm nữa, trên hành trình bay, những hành khách ham mua sắm (mà không có cơ hội để shopping) có thể shopping ngay trên máy bay với các đồ lưu niệm dễ thương, hữu ích.
Sau khi máy bay cất cánh êm ru chừng 30 phút, Thanh Tuyền- cô tiếp viên xinh xắn tôi nói ở trên, lễ phép hỏi tôi và Thúy Bình có ăn gì lót dạ hay không. Trước đó, tôi đã được cô hướng dẫn xem các món ăn trên cuốn thực đơn trong giỏ ghế trước.
Tôi thấy có nhiều món ăn nóng từ cơm tới mì, phở và các món mì tôm, bánh kẹp…cho đến các món ăn cho vui như snack, đậu phộng và một menu đồ uống rất phong phú. Và rất rẻ nữa, ví dụ, một tách trả lipton chỉ có giá 15 ngàn đồng, 1 chai nước lavie chỉ 10 ngàn đồng. Món ăn nóng có giá phổ biến là 40-45 ngàn đồng.
Xin cá với các bạn là ở sân bay Nội Bài chẳng hạn, bạn sẽ chẳng thể nào mua được món gì ăn hay uống với giá như vậy. Tôi chọn món bún xào Singapore, Bình chọn món xôi gà và nói thật là món ăn khá ngon, không có mùi vị của hóa chất bảo quản.
Thanh Tuyền cho biết, các món ăn nóng phục vụ trên các chuyến bay của VietJetAir do gia chánh Cẩm Tuyết nổi tiếng xứ phương Nam đảm trách.
Việc bán hàng lưu niệm trên các chuyến bay được hành khách hưởng ứng |
Những món đồ lưu niệm của VietJetAir cũng khá đẹp và giá cả phải chăng. Tôi không “cầm lòng” được trước chiếc túi thể thao mang “màu cờ sắc áo” của VietJetAir đựng được vô số thứ mà chỉ có 250 ngàn đồng. Hầu hết hành khách đều mua một vài món đồ lưu niệm giống như tôi với tinh thần rất thoải mái và hài lòng.
4. Chuyến bay đầu tiên của tôi với VietJetAir hạ cánh an toàn và êm ái. Tôi không phải nói với phi công rằng “vừa nãy ông hạ cánh hay bị bắn rơi thế” như mỗi lần bay khác tôi vẫn hay bông đùa như vậy. Tôi cũng đủ thời gian để “tổng kết” vì sao giá vé của VietJetAir rẻ một cách thực sự cũng như nhìn thấy lợi thế cạnh tranh rất rõ nét của VietJetAir.
Tôi cho rằng bất cứ ai bước chân lên...trời cùng VietJetAir cũng sẽ dễ dàng nhận ra điều đó, nhận ra rằng mình đã lựa chọn đúng. Và tôi, lấy iphone nhắn cho anh bạn "kỷ lục bay" rằng: "em đã “hạ cánh an toàn, vui vẻ. Lên trời…giá rẻ cũng thú vị và dễ dàng như ăn phở Hà Nội thôi anh”.
Và tôi tin, trong chuyến bay sau tôi sẽ có thêm một người bạn đồng hành, thích lên trời…giá rẻ!
Thanh Lương
Hiện mỗi ngày VietJetAir có 6 chuyến đi và về trên chặng đường Hà Nội- TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Từ 20.5.2012, VietJetAir sẽ mở đường bay tới Đà Nẵng, Nha Trang và chuẩn bị khai trương các tuyến quốc tế đến các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... VietJetAir tập trung vào nhu cầu của các nhóm khách hàng khác nhau và đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về an toàn, an ninh của các cơ quan quản lý: ICAO, IATA, Cục Hàng không Việt Nam... |