Tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện tưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW (CIEM) nhấn mạnh HKD không phải là nội dung mới hoàn toàn bởi Luật DN 2014 đã có 1 điều quy định về HKD, Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN), trong đó có 1 chương quy định về đăng ký HKD.
“Xét về bản chất, HKD là một loại hình kinh doanh, nên quyền và nghĩa vụ của HKD cần phải được điều chỉnh bởi Luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định. Tôi cho rằng, về lâu dài thì cũng có thể xem xét để xây dựng một luật riêng về HKD; nhưng trước mắt nên được điều chỉnh trong Luật DN”- Ông Hiếu bày tỏ quan điểm.
Phó Viện trưởng CIEM cũng cho biết, nội dung quy định về HKD trong dự thảo Luật đã được tham vấn nhiều lần và đánh giá tác động kỹ lưỡng. Việc bổ sung quy định về HKD không phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của HKD hiện nay và không làm phát sinh thủ tục hành chính. Các HKD đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp.
Ngược lại, các quy định về HKD trong dự thảo Luật sẽ bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của chính HKD và bên có liên quan; thúc đẩy HKD phát huy hết tiềm năng và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế; đồng thời, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng hơn cho HKD và doanh DN
Tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Đăng Quang băn khoăn khi cho rằng các nước không có khái niệm về HKD mà chỉ có khái niệm cá nhân kinh doanh, pháp nhân kinh doanh,. Trong Luật Thương mại cũng chỉ có khái niệm cá nhân kinh doanh, tổ chức kinh doanh. “Do vậy nên để khái nhiệm cá nhân kinh doanh trong Luật DN. Có thể HKD cử chủ hộ kinh doanh. Nhưng thoả thuận này đến lúc ĐKKD hay cả quá trình?”- Luật sư này vẫn chưa hết băn khoăn.
Đại diện VNPT cũng tỏ ra băn khoăn bởi HKD liên quan đến nhiều thành viên, trong đó có người kinh doanh, người không kinh doanh, chưa kể liên quan đén tài sản… Do đó nếu Luật quy định không đầy dủ sẽ rất khó thực thi. “Cần thiết đưa 5 triệu HKD vào Luật để quản lý, tuy nhiên các quy định trong dự thảo vẫn còn sơ sài, cần phải quy định cụ thể hơn…”:- Đại diện SCIC đề nghị.
Đại diện Tổng cục thuế, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai Thuế, cho biết, thời gian qua có nhiều chính sách khuyến khích HKD chuyên thành DN. Tuy nhiên, với việc quy định HKD trong Luật DN mà không có ràng buộc gì, bà Phương cho rằng sẽ khó khuyến khích HKD chuyển lên DN.
Vẫn băn khoăn về việc đưa HKD vào Luật DN, ông Trần Thanh Chương, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Yên Bái cho rằng nếu cho HKD vào Luật DN thì cũng nên cho cả Hợp tác xã vào Luật này vì Hợp tác xã cũng là một loại hình kinh doanh và đổi tên thành Luật các hình thức kinh doanh….
“Ý kiển chỉ trích, phê phán việc đưa HKD vào Luật DN thì nhiều trong khi ý kiến cụ thể nên quy định những gì cho HKD thì rất ít…”-Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn lên tiếng.
Theo ông, HKD là khái niệm đặc thù của Việt Nam và có lẽ trên thế giới chỉ có Việt Nam và Trung Quốc có khái niệm này. “Nhưng không thể để kệ một khu vực đóng góp tới 30% GDP ngoài luật. Chính vì tư duy “kệ họ” nên đến nay chưa có thống kê đầy đủ về HKD, bức tranh về HKD rất mờ nhạt và thiếu khuyết. Tổng cục thống kê thì nói có 5,2 triệu HKD, nhưng số thu thuế của Tổng cục thuế thì chỉ có 1,6- 1,8 triệu HKD. Đó là hệ quả của một thời gian dài chúng ta bỏ mặc HKD…”, ông Tuấn nói và khẳng định việc đưa HKD vào DN không có nghĩa sau 1 đêm ông bán phở trở thành Giám đốc DN, mà đưa HKD vào Luật là để khẳng định địa vị pháp lý của HKD.
Về luật pháp, nếu ghi nhận vào Luật rồi thì Chính phủ có Nghị định quy định chi tiết, cơ quan ĐKKD có động lực tổ chức ĐKKD xuống cấp huyện.
“Đưa HKD vào Luật DN lúc này không tác động xấu gì tới HKD và phù hợp với lộ trình pháp lý. Đến khi nào các điều kiện về HKD chín muồi thì ban hành Luật riêng về HKD”- ông Tuấn bày tỏ quan điểm...