Một số ý kiến đề xuất trao cho TANDTC thực hiện chức năng tài phán hiến pháp như là một giải pháp quá độ. Ảnh minh họa |
* PGS.TS Bùi Xuân Đức, Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam:
Thẩm quyền hủy bỏ văn bản trái luật còn phân tán
“Hiện nay có một tình trạng là, trong tổ chức bộ máy nhà nước, thẩm quyền huỷ bỏ các văn bản trái Hiến pháp, luật, pháp lệnh được quy định không thống nhất và thuộc nhiều cơ quan khác nhau. Chẳng hạn, theo quy định tại Khoản 9 Điều 84 Hiến pháp năm 1992 thì Quốc hội có quyền “bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC và VKSNDTC trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, trên thực tế những quy định này chỉ dừng ở mức đó, không có quy trình cụ thể, rõ ràng để thực hiện, nhất là thẩm quyền của Quốc hội bãi bỏ các văn bản trái Hiến pháp thì hầu như chưa một lần nào được thực hiện vì không khả thi. Điều cần thiết nhất bây giờ là phải chọn ra một mô hình bảo hiến chuyên trách”.
* TS. Đặng Minh Tuấn, ĐH Quốc gia Hà Nội:
Ngày càng nhiều người ủng hộ thành lập cơ chế tài phán hiến pháp
“Sau khi thành lập tài phán hành chính, Việt Nam bắt đầu công nhận vai trò của tài phán Hiến pháp. Ngày càng nhiều các chính trị gia ủng hộ việc thành lập một cơ chế tài phán Hiến pháp để kiểm tra tính hợp hiến các hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Liên quan đến sự lựa chọn một mô hình tài phán Hiến pháp, Đảng ta luôn ủng hộ duy trì quyền kiểm hiến mang tính chính trị của Quốc hội. Quan điểm này thể hiện sự thận trọng của Đảng trong việc thiết lập một thiết chế Hiến pháp mới có thể kiểm soát cả Quốc hội. Trong khi đó, đa phần các học giả ủng hộ thiết lập một thể chế tài phán Hiến pháp. So với mô hình của Mỹ, mô hình Châu Âu có khả năng phù hợp hơn trong điều kiện ở Việt Nam. Dù có nhiều mô hình tài phán Hiến pháp được thảo luận, mô hình được lựa chọn sẽ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong quá trình lựa chọn này, Đảng có thể xem xét đến những yêu cầu của công cuộc đổi mới, sự khẳng định nguyên tắc tập quyền và vấn đề lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh như vậy, rất khó để có thể thành lập một cơ quan tài phán Hiến pháp độc lập.
Theo quan điểm của Đảng ta, đổi mới chính trị phải chậm và chắc. Nhưng nếu coi những cải cách chính trị là chìa khóa thành công của việc áp dụng tài phán Hiến pháp, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới chính trị, đặc biệt trong tiến trình xây dựng dân chủ và nhà nước pháp quyền. Những yếu tố đó không chỉ là điều kiện cần thiết cho việc thành lập cơ quan tài phán Hiến pháp, mà còn là điều kiện cho sự thành công trong hoạt động của nó trên thực tế”.
* TS Võ Trí Hảo, Đại học Quốc gia Hà Nội
Khả năng thành hiện thực của Tòa án Hiến pháp là thấp
“Về chiến lược dài hạn cho Việt Nam, tôi khuyến nghị nên thành lập một Tòa án Hiến pháp độc lập bởi 6 lý do. Trong đó, cho thành lập một Tòa án độc lập nằm ở chỗ nó sẽ tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho tài phán hiến pháp, tách biệt so với diện mạo của hệ thống tòa án hiện nay. Chúng ta không nên xem nhẹ ý nghĩa của điều này, vì tài phán hiến pháp hầu như không có cơ quan cưỡng chế riêng biệt. Việc tuân thủ phán quyết của Tòa án Hiến pháp phụ thuộc vào tập quán chính trị, bối cảnh chính trị và sự tôn trọng của công chúng cũng như của các chính trị gia dành cho Tòa án Hiến pháp.
Mặc dù có những ưu điểm vượt trội nhưng trong vòng 7 năm tới thì khả năng hiện thực của việc thành lập Tòa án Hiến pháp thấp hơn so với phương án trao cho TANDTC hiện hành thực hiện chức năng tài phán hiến pháp. Tôi ủng hộ phương án trao cho TANDTC thực hiện chức năng tài phán hiến pháp như là một giải pháp quá độ. Nhưng việc chấp nhận mô hình Hội đồng hiến pháp như là một giải pháp quá độ thì không nên”.
* PGS. TS Nguyễn Như Phát - Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật:
Vẫn thiếu một loại quyền lực tư pháp đặc biệt
“Trong xã hội và trong hệ thống nhà nước vẫn thiếu một loại quyền lực tư pháp đặc biệt - đó là quyền tài phán hiến pháp. Vì vậy, việc thiết lập thiết chế tài phán hiến pháp chỉ có mục đích khắc phục “khoảng trống quyền lực” này, chứ nó không làm tổn hại đến quyền lực của bất kỳ cơ quan nào trong hệ thống nhà nước hay hệ thống chính trị.
Ngược lại, với công cụ sắc bén này, cơ quan tài phán hiến pháp sẽ là công cụ đắc lực để các cơ quan trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng chức năng của mình theo sự “phân vai” của hiến pháp. Để đảm bảo tính độc lập của Toà án Hiến pháp thì chánh án và thẩm phán của cơ quan này nên theo cơ chế bổ nhiệm. Sau khi Quốc hội chuẩn y là một nhiệm kỳ duy nhất. Nhiệm kỳ, chánh án và thẩm phán có thể kéo dài 10-15 năm”
P.V