Một trong những nguyên nhân khiến giá thị trường bất động sản (BĐS) luôn đứng ở mức cao là do giá vật liệu xây dựng chỉ có lên mà không có xuống…
”Đi không nỡ, ở không xong”
Đó là tình trạng của nhiều nhà thầu hiện nay. Khi bỏ thầu thì vật liệu xây dựng ở một mức giá, dù tính trượt giá để đề phòng rồi nhưng giá thị trường còn trượt nhanh hơn, nên đang thi công dở dang mà tình trạng thua lỗ đã hiển hiện ngay trước mặt. “Sự tăng giá vật liệu xây dựng và sự thắt chặt vốn vay từ các ngân hàng thương mại đã trở thành “cơn ác mộng” của các nhà thầu khi không có vốn để đổ vào các dự án, nhất là đối với dạng hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá” - một lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) than vãn.
Các nhà thầu lớn có tiềm lực tài chính còn đỡ, đối với các nhà thầu nhỏ nguy cơ phá sản có thể nói đang treo trên đầu. Ông Nguyễn Trọng Lịch – giám đốc một công ty xây dựng nhỏ đang đứng ngồi không yên vì nguy cơ thất bại của dự án mà công ty đang đảm nhiệm do sự leo thang của giá cả các mặt hàng vật liệu xây dựng. “Các ngân hàng thương mại hiện chỉ cho vay tối đa là 10 năm. Mức dư nợ trong tổng dư nợ của ngân hàng dành cho BĐS thường khống chế tối đa khoảng 10%. Do vậy, nguồn vốn dành cho BĐS vẫn còn khan hiếm bởi nhà đầu tư đang còn vất vả trong việc tìm kiếm nguồn tài chính khi tín dụng cho vay BĐS vẫn bị thắt chặt” – ông Lịch cho hay.
Mấy ngày nay, ông Lịch và các đồng nghiệp đang đau đầu tính toán liệu có bỏ công trình hay không. “Vốn liếng bỏ cả vào đó, cộng với tiền vay ngân hàng, nhưng thi công trong điều kiện các loại vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá 30 - 40%, ngân hàng siết chặt vốn vay, nhu cầu mua nhà của người dân cũng chững lại, mà việc thương lượng bù lỗ giá vật liệu xây dựng với chủ đầu tư chưa biết kết quả ra sao” – vị này than.
Một cách khắc phục mà không ít nhà thầu tính tới, đó là “ăn bớt” chất lượng công trình. “Nhưng đây là một phương án tiêu cực, là một cách làm “phi đạo đức”. Nói thực, chúng tôi hoàn toàn không muốn nghĩ tới phương án này” – ông Lịch nói trong nỗi lo có thể phá sản nay mai.
Trút “gánh nặng” vào đâu?
Giá nguyên vật liệu hiện đang là nỗi ám ảnh cho nhiều nhà xây dựng, khi các mặt hàng vật liệu điện, gạch, gỗ lát và các trang thiết bị phục vụ thi công cũng đang đội giá từng ngày. Không muốn kể tên trên mặt báo, nhưng ông Lịch cho hay nhiều nhà thầu thi công xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản khi thiếu vốn và đang thực hiện nhiều hợp đồng xây dựng không điều chỉnh giá. “Nhiều nhà thầu trúng thầu đã bỏ vì giá nguyên vật liệu tăng cao khiến bị lỗ nặng khi tiếp tục thi công. Trong khi những công trình được điều chỉnh giá thì thủ tục điều chỉnh giá rất rườm rà. Vì vậy nhiều công trình thi công với tiến độ rất chậm do nhà thầu kìm hãm lại chờ được điều chỉnh giá.”
Có một cách cổ điển mà các nhà thầu hay các chủ đầu tư làm từ trước đến nay là đưa chi phí vào giá sản phẩm. Thế nhưng, lúc này, đây là biện pháp phản tác dụng nhất, bởi giá càng cao càng khó kiếm khách hàng. Ông Hoàng Hùng – nhà thầu một dự án ở Thanh Hóa – bình luận: “Điều này buộc chủ đầu tư phải tìm những biện pháp khác để bù đắp việc nguyên liệu thép và vật liệu xây dựng tăng giá để tự mình tìm ra đáp án cho bài toán giá đầu vào tăng mà không tăng giá đầu ra, như quản lý chặt các loại nguyên vật liệu, cách thức tổ chức thi công hiệu quả và đúng tiến độ…”.
Chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm từ 40 - 70% tổng dự toán. Theo đánh giá của Viện Kinh tế Xây dựng, sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch... đã làm cho chi phí xây dựng tăng từ 1,25 đến 1,4 lần. Điều này đồng nghĩa với việc các chủ đầu tư cần phải tính toán so sánh giữa một bên là đưa ra mức giá căn hộ cao và vay ngân hàng với một bên là công bố giá thấp hơn so với nguyên vật liệu đầu tư để thu hút mạnh nguồn lực từ khách hàng thông qua hình thức góp vốn.
Bách Nguyễn