Như nhiều người trong cộng đồng người Chăm ở tỉnh Kandal, Campuchia, anh Sles Hiet sống trên một ngôi nhà thuyền và lấy việc đánh bắt trên sông Mekong làm kế sinh nhai. Tuy nhiên, Sles Hiet cho biết lượng cá mà anh đánh bắt được đang giảm đi mỗi năm. “Chúng tôi không hiểu tại sao giờ lại có ít cá đi như vậy”, anh nói. Thắc mắc của anh Sles Hiet cũng là lời than thở của người dân ở những ngôi làng dọc đường đi của con sông chảy dài từ cao nguyên Tây Tạng qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông.
Chảy dài gần 4.800 km, Mekong là ngư trường nội địa lớn nhất thế giới và là dòng sông có mức độ đa dạng sinh học lớn thứ 2, chỉ sau sông Amazon. Con sông này đang là sinh kế của khoảng 60 triệu người sống ở lưu vực sông. Tuy nhiên, việc kiểm soát dòng chảy của sông lại nằm ở phía Bắc, mà cụ thể là Trung Quốc. Theo Mạng lưới sông ngòi thế giới, trong thời gian qua, Bắc Kinh đã rải khắp khu vực thượng nguồn sông Mekong với 6 đập thủy điện và đang đầu tư vào hơn 1 nửa trong số 11 đập thủy điện đang lên kế hoạch xây dựng ở phía Nam.
Các nhóm hoạt động về môi trường cảnh báo rằng việc ngăn dòng chảy của sông có thể tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng tới môi trường sống của các loài cá với việc làm gián đoạn hoạt động di cư cũng như dòng chảy của các loại dưỡng chất quan trọng và trầm tích. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng có thể khiến hàng chục nghìn người phải di dời do lũ lụt. Các cộng đồng dân cư ở các nước hạ lưu sông Mekong trong những năm gần đây cũng đã ghi nhận tình trạng cạn kiệt về nguồn cá và cho rằng những con đập ở đầu nguồn chính là nguyên nhân.
Các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra những kết luận toàn diện do việc thiếu dữ liệu ban đầu cũng như tính chất phức tạp của hệ sinh thái của sông Mekong. Tuy nhiên, họ đều nhất trí cho rằng Trung Quốc có lợi thế với nguồn tài nguyên vốn được xem là mạch máu kinh tế của các nước nghèo hơn ở phía nam. Với việc có lợi thế kiểm soát khu vực thượng nguồn sông Mekong, mà Trung Quốc gọi đoạn này là sông Lan Thương, Bắc Kinh có thể xây các đập thủy điện và hậu quả do các nước ở dưới hạ nguồn gánh chịu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể điều chỉnh mực nước sông, tạo con bài mặc cả mạnh mẽ với các nước khác.
Vào ngày 10/1 tới, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ có mặt tại Phnom Penh, Campuchia để đồng chủ trì hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo tất cả các nước sông Mekong. Hội nghị được cho là sẽ có thể định hình tương lai của dòng sông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng diễn đàn này là cách để thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế, tiến bộ xã hội và một môi trường tốt đẹp.
Song, ông Maureen Harris – Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại tổ chức Mạng lưới sông ngòi quốc tế - cho biết, hiện vẫn có những lo ngại rằng vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong cơ chế hợp tác Mekong – Lan Thương và tầm ảnh hưởng tương đối lớn của nước này sẽ dẫn đến việc Trung Quốc sẽ đặt lợi ích của chính mình lên trên sự hợp tác có ý nghĩa với các nước khác.
Việc các công ty của Trung Quốc đổ hàng tỉ USD vào các đập thủy điện nhưng không đánh giá toàn diện về môi trường cũng như tác động xã hội có thể đẩy người dân ở hạ nguồn vào tình cảnh khó khăn. “Chúng tôi phụ thuộc vào sông Mekong. Dù ngày càng có ít cá hơn nhưng chúng tôi vẫn phải cố vì chẳng có việc gì khác mà làm, cũng chẳng có đất để trồng trọt”, anh Sles Hiet ở Campuchia nói.