Tháng 3 vừa rồi, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có mặt tại 2 chân đập thủy điện lớn nhất nhì Việt Nam, đó là Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Trị An để kiểm tra các nhà máy hiện hữu và các dự án mở rộng nhà máy.
Cụ thể, một đoàn công tác của cơ quan này do đích thân Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh dẫn đầu đã tới kiểm tra tiến độ dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng, do liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Xây dựng 47 - Công ty CP Lilama 10 thi công. Công trình này được thiết kế, đầu tư để tương lai, mỗi năm có thêm cho hệ thống điện quốc gia khoảng 495 triệu kWh điện.
Trước đó, ngay sau thời điểm khởi công - tháng 1/2021, công trình buộc “phanh” lại vì gặp sự cố sạt hố móng nhà máy. Tổng thầu Trường Sơn đã phải áp dụng các biện pháp nhằm xử lý sạt mái dốc trong gần 1 năm mới có thể thi công, xây lắp trở lại.
Tại chân công trình này, ông Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu các chủ thể liên quan đến dự án này cần tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để bù tiến độ, đồng thời nhấn mạnh phải quan tâm đúng mức cả yếu tố an toàn và chất lượng công trình.
Trao đổi với PLVN, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12/Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của chủ đầu tư, Binh đoàn 12 đã điều tới Hòa Bình nhiều đơn vị có kinh nghiệm thi công hồ đập và một chỉ huy cấp tá dạn dày “trận mạc”, đã từng tham gia điều hành thi công nhiều công trình hồ đập lớn tới đây làm Giám đốc Ban điều hành dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng.
“Bản thân chúng tôi là Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh đoàn, có những thời điểm cũng phải có mặt, cùng làm, cùng ăn trên công trường để vừa sát sao công việc, vừa khích lệ tinh thần anh em làm ngày, làm đêm bù tiến độ”, tướng Ngọc nói.
Sau khi thực địa tại công trình trên, cuối tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cũng đã “bay” vào Đông Nam Bộ, tới hồ Trị An để cùng lúc làm hai việc, là kiểm công tác vận hành, cấp điện năm 2024 của thủy điện này và bàn thêm về dự án Thủy điện Trị An mở rộng, do Ban Quản lý dự án điện 3 (EVNPMB3) làm đại diện chủ đầu tư.
Được biết, Trị An là hồ thủy điện lớn nhất miền Nam, với 4 tổ máy, công suất thiết kế 400MW, đóng góp nguồn năng lượng quan trọng cho lưới điện quốc gia. Việc mở rộng công trình này, với số vốn gần 4.000 tỷ đồng, trong tương lai sẽ có thêm 2 tổ máy, công suất 200MW phục vụ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án này đã có trong Quy hoạch Điện VIII, sẽ khởi công vào cuối năm 2024, hoàn thành vào quý IV/2027.
Ông Hà Văn Thắng - Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết thêm, ngay đầu tháng 4 này, Vụ này cũng sẽ tổ chức một đoàn đi kiểm tra về mức độ khả dụng và công tác chuẩn bị than sẵn sàng cho phát điện tại các nhà máy nhiệt điện lớn ở khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung…
Sự rốt ráo nói trên cho thấy, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu tại EVN, PVN, TKV không muốn tái diễn câu chuyện từng làm “nóng” dư luận vì thiếu điện hồi hè năm ngoái. Hơn nữa, mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2024 (VBF 2024), một số Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ quan ngại tình trạng thiếu điện có thể ảnh hưởng đến hoạt động của khối doanh nghiệp FDI.
Tại đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã lên tiếng cam kết, Bộ này đang thúc đẩy để sớm hiện thực hóa Quy hoạch điện VIII, đồng thời với việc khẩn trương thi công đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, để đưa điện ra miền Bắc trong năm nay, ông Tân khẳng định: “Việc thiếu điện sẽ không xảy ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo”.
Bộ Công Thương có chỉ thị về cấp điện mùa khô 2024
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 05/CT-BCT về việc bảo đảm cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2024. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu EVN chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những diễn biến bất thường, cực đoan có thể xảy ra, bảo đảm cung ứng điện; đồng thời phải bám sát diễn biến thời tiết (nhiệt độ, thủy văn), tình hình vận hành các nguồn điện để điều chỉnh, điều tiết hợp lý các hồ thủy điện lớn miền Bắc bảo đảm dự phòng cho hệ thống điện trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024.
EVN cũng được yêu cầu chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia tăng cường công tác phối hợp với PVN, TKV, Tổng Công ty Đông Bắc và chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) trong việc tính toán, cập nhật và công bố nhu cầu huy động điện bảo đảm bám sát thực tế; bảo đảm đủ thời gian để các chủ đầu tư NMNĐ chuẩn bị đủ nguồn than cho sản xuất điện theo kế hoạch, đồng thời duy trì đủ lượng than tồn kho theo định mức (đặc biệt là đối với các NMNĐ BOT và các NMNĐ sử dụng than nhập khẩu). Các Tổng Công ty Điện lực, nhất là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội tiếp tục rà soát, chuẩn bị các phương án điều chỉnh phụ tải điện, tập trung vào các khách hàng sử dụng nhiều điện để đối phó với trường hợp có khả năng mất cân đối cung - cầu điện hệ thống điện miền Bắc.
PVN, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc tăng cường phối hợp với EVN, chủ đầu tư các NMNĐ bảo đảm cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) đầy đủ, liên tục và ổn định cho nhu cầu phát điện…
Hoàng Tú