Buổi lễ được mở đầu bằng màn trình diễn trống hội và pháo hoa kỹ xảo sân khấu. Tiếng trống đồng ngân vang, “Chuyện kể trống thần” đã được tái hiện, tạo điểm nhấn đặc sắc về văn hóa xứ Thanh vừa riêng biệt vừa có tính đại diện cho dân tộc.
Từ chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”, tác giả kịch bản- Tổng đạo diễn Lê Quý Dương phát triển chương trình trên ba chương: Địa linh nhân kiệt - Truyền thống anh hùng - Khát vọng thịnh vượng với 9 trường đoạn liên tục, liền mạch. Với trên 500 nghệ sĩ, diễn viên góp mặt trong Lễ “Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa” đã đem đến một chương trình nghệ thuật hoành tráng, tái hiện mảnh đất địa linh nhân kiệt xứ Thanh. Toàn bộ chương trình được biểu tượng hóa thành câu chuyện kể của Thần Đồng Cổ trên sân khấu Quảng trường Lam Sơn.
Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía sân khấu là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, Thành Nhà Hồ, Tượng đài Lê Lợi, mô hình biểu tượng của tỉnh Thanh Hóa, cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại. Bao quanh sân khấu là 27 cột đuốc tượng trưng cho 27 đơn vị hành chính của Thanh Hóa.
Chương trình được dàn dựng kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong sự gắn kết chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại với mong muốn tạo tính hấp dẫn, đa dạng với nhiều yếu tố bất ngờ, hướng tới phục vụ đông đảo các tầng lớp khán giả. Đặc biệt, hơn 2.970 ống pháo hoa kỹ xảo sân khấu được chia thành ba lần trong chương trình, mỗi lần 990 ống tượng trưng cho “Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa” sẽ tạo điểm nhấn tỏa sáng rực rỡ cho chủ đề của chương trình.
Chương trình huy động một lực lượng nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu với hơn 500 người, trong đó có nhiều nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam tham gia sáng tạo và biểu diễn trong chương trình như: NSND Hương Thơm, NSUT Mạnh Tiến, NSND Trương Hải Thọ, Nhạc sĩ NSƯT Thế Việt, NSND Trần Bình, họa sĩ Phạm Duy Phương; NSƯT Trọng Tấn, NSƯT Anh Thơ…
Ấn tượng nhất lại đại cảnh múa “Chuyện kể trống thần”, trên nền nhạc, mặt trống đồng bắt đầu xoay mở ra hình ảnh các di vật khảo cổ tại Thanh Hóa qua các triều đại. Đại cảnh múa chia thành 3 tổ hợp lớn gồm: Không gian miền núi và trung du với những nhóm người Việt cổ đang chế tác đá, săn bắt và hái lượm; Không gian đồng bằng với nhóm người đang trồng trọt, thuần hóa thú hoang thành thú nuôi và làm đồ gốm; Không gian vùng biển với nhóm người mình săm tựa giống thủy tộc, lặn bắt cá, tôm; phụ nữ thu nhặt ốc, sò, rong biển, chèo thuyền kéo lưới trên biển.
Miền đất cổ Thanh Hóa lưu dấu đậm nét lịch sử và văn hoá của dân tộc. Qua những chứng cứ khảo cổ học trên đất tỉnh Thanh các nhà khoa học đã khẳng định: Nơi đây có con người sinh sống từ rất sớm. Từ địa bàn rừng núi, họ tiến ra trước núi, kéo xuống đồng bằng rồi chiếm lĩnh biển khơi; đời nối đời lao động, chiến đấu, sáng tạo, dựng xây non nước Việt mạnh giàu. Linh khí của đất trời sinh ra sông núi. Tinh anh của sông núi sinh ra thánh thần. Những tên núi, tên sông, miếu đền thờ tự như: Đồng cổ, Am Tiên, động Hồ Công, núi Chí Linh, Hàm Rồng đời nối đời được các thế hệ người dân xứ Thanh thành kính, ngưỡng vọng và chiêm bái.
Hàng vạn người dân và du khách ấn tượng với phần “Địa linh nhân kiệt” trên sân khấu dàn dựng thành một màn trình tường với 12 vị tướng quân như hồn thiêng sông núi từ tám phương trời tụ hội kết hợp solo trống Tuồng. Kết màn trình tường bung ra 12 chữ: Hồn Thiêng Sông Núi Địa Linh Nhân Kiệt Tỏa. Trong “Hội thề đồng cổ", dân chúng nô nức kéo về đền Đồng Cổ xem Hội Thề. Cờ xí rợp trời. Trống chiêng rộn rã. Binh lính dàn hàng đứng trang nghiêm thành từng lớp. Các quan Văn và quan Võ từ hai bên cửa sân khấu tiến vào chầu trước cửa đền. Trống chiêng điểm báo ba hồi chín tiếng theo nhịp. Vua Lý Thái Tông tiến vào cùng đoàn thị vệ. Nhóm thiếu nữ đi hội ùa vào sân khấu từ bốn phía trong tiếng trống chèo rộn rã. Trống nổi lên âm vang. Trên nền trống là những tiếng sấm lớn và ánh pháo sáng lóe trên bầu trời.
Góp phần thú vị là màn “Gọi tên quê hương”. Xuất hiện từ thời nhà Lý, Thanh Hoá tồn tại lâu dài nhất, suốt thời từ thời Lý, Trần, Hậu Lê, triều Nguyễn và tới hôm nay. Xác định đúng Thanh Hóa giúp mọi người hiểu biết sâu sắc lịch sử phát triển của vùng đất và con người xứ Thanh. Truyền thống anh hùng với đại cảnh sân khấu tuồng kết hợp võ thuật trên nền trống trận, ngựa phi, múa cờ, múa kiếm, múa long đao, múa giáo, múa côn lửa, trống đồng tạo thành một không khí sục sôi trên nền lời bình. Chú ý các màn múa cờ, luyện binh, bày trận, trống đồng, xây thành nhà Hồ, đắp lũy dựng chiến tuyến, vận chuyển quân lương.
Chương trình nghệ thuật 990 năm Thanh Hóa nhận được nhiều lời khen ngợi của những người yêu văn hóa, lịch sử. Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cho hay: “Lịch sử hàng nghìn năm nói chung và lịch sử 990 năm tên gọi Thanh Hóa nói riêng, xứ Thanh đã là cái nôi phát triển và sinh dưỡng các anh hùng dân tộc. Vì thế, việc thể hiện lịch sử 990 năm Thanh Hóa trong một chương trình lễ kỷ niệm dài 90 phút sao cho đầy đủ, tinh tế là một thách thức lớn đối với bất cứ tác giả, đạo diễn nào. Chương trình nghệ thuật có tính chất sử thi kết hợp các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng của Thanh Hoá làm nổi bật vùng đất và con người xứ Thanh trải dài từ thời Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Trịnh - Nguyễn cho tới thời đại ngày nay; tái hiện quá trình hình thành, phát triển cùng những đóng góp to lớn của vùng đất xứ Thanh “địa linh nhân kiệt” trong suốt hàng nghìn năm lịch sử. Lễ hội Thanh Hóa 990 năm làm rất hay, ra được cái hồn vì ở đây có điểm nhấn. Đó là ở trên Lam Sơn, Nguyễn Trãi đọc bình ngô đại cáo.... những thần tính, di chứng thần đồng cổ. Chương trình đã góp phần thể hiện rõ nét trong tiến trình lịch sử dân tộc, con người xứ Thanh luôn can trường, bản lĩnh và trí tuệ để đóng góp cho sự phát triển của dân tộc. Do đó tôi thấy rất nể trọng khả năng đạo diễn của “Phù thủy lễ hội” Lê Quý Dương”.
Họa sĩ- NSƯT Nguyễn Đạt Tăng tâm sự: “Làm nghề hơn 20 năm, từng rất nhiều chương trình lớn: 1000 năm Thăng Long, 50 năm đường Trường Sơn, 60 Giải phóng Điện Biên... chương trình này đối với tôi khó hơn cả. Đạo diễn Lê Quý Dương đưa ra yêu cầu rất khó với họa sĩ, muốn một chương trình hoành tráng nhưng thiết kế phải thủ công, tỉ mỉ từng chi tiết theo lịch sử, không chế tác bằng đồ họa vi tính: vẽ tay mộc hoàn toàn, trang trí điêu khắc 3D khối nổi. Làm bằng tay nên cũng rất khó khăn. Làm điêu khắc phải họa sĩ giỏi mới làm được. Tôi phải phải huy động 10 họa sĩ giỏi tham gia chương trình. Tượng Lê Lợi hiển linh trong chương trình là một ví dụ. Tượng được lấy nguyên mẫu từ tượng đài Lê Lợi ở TP Thanh Hóa, các họa sĩ điêu khắc nổi giống đến 99%. Khi chương trình diễn ra, chứng kiến những lao động nghệ thuật của mình người dân Thanh Hóa và các du khách đón nhận, không chỉ tôi mà tất cả ekip thực hiện chương trình mừng khôn xiết và xúc động.”
Hàng vạn người dân Thanh Hóa và du khách chìm đắm vào “Tỏa sáng cùng non sông”. Bà Hoàng Thị Mơ, 65 tuổi quê Thanh Hóa xúc động: “Chương trình nghệ thuật đã tái hiện lịch sử 990 năm rất xúc tích, hấp dẫn và ý nghĩa qua lăng kính của các môn nghệ thuật truyền thống: trống hội, tuồng cổ, hò sông Mã, chèo truyền thống, trống đồng, ngâm vịnh, đồng dao, các thể văn tế đến các ca khúc cách mạng và trữ tình... Thông qua các loại hình nghệ thuật đã góp phần người dân Thanh Hóa thêm trân trọng lịch sử văn hoá của quê hương mình, một cách sâu sắc, dễ hiểu và trọn vẹn hơn.”
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu