Năm nay, bưởi Tân Triều được mùa nên dọc con đường làng là những vườn bưởi xanh trĩu quả. Hầu hết nhà vườn đều đã thu hoạch bưởi chất đầy trong nhà chờ cận Tết mới đem ra bán.
Đặc sản một vùng đất
Cách trung tâm TP Biên Hòa 3 km, làng bưởi Tân Triều nằm ở vị trí khá thuận lợi để du khách đến tham quan, dạo chơi và thưởng thức các món ăn được chế biến từ bưởi trong các nhà hàng thôn dã.
Vùng đất Tân Triều nói chung và làng bưởi nói riêng từ lâu đã gắn bó với đời sống của người dân Biên Hòa – Đồng Nai với bề dày lịch sử 320 năm hình thành và phát triển.
Từ xa xưa, bưởi Tân Triều được biết đến xuất phát từ ngôi nhà thờ cổ do các linh mục Dòng Tên khi đến đây truyền đạo.
Hồi ấy, trong nhà thờ Tân Triều có trồng hai cây bưởi hàng năm đều cho quả trĩu cành nên dân làng mới xin chiết cành về trồng khắp vùng.
Làng Tân Triều nằm trên cù lao nhỏ được nước sông Đồng Nai bao bọc, bồi đắp phù sa nên những cây bưởi nơi đây quanh năm xanh tốt, trái bưởi mọng nước, có vị ngọt thanh…
Theo bà Kim, trong ký ức tuổi thơ của bà thì Tân Triều có những thứ riêng biệt, đặc trưng nhất vẫn là cây bưởi. Vốn là một ngôi làng cổ xưa có từ hơn 300 năm trước, cộng với thiên nhiên ban tặng hệ thống sông rạch chằng chịt đã ưu đãi cho đất đai, thổ nhưỡng nơi đây thích hợp với các loại cây có múi.
Qua đó, giống bưởi Tân Triều xuất hiện và nổi danh như một đặc sản không thể nhầm lẫn với các loại bưởi của những địa phương khác.
Năm nay, bưởi Biên Hòa được giá nên ngoài việc “bán cây” (thương lái mua toàn bộ trái trên cây trong vườn - PV), bà Kim đem bưởi ra bán ven đường để lấy “không khí” vui nhộn những ngày xuân. “Gian hàng” của bà Kim đặt trên đường vào làng bưởi có khá nhiều người ghé vào hỏi mua.
Theo bà, dạo trước bưởi rộ nhất vào mùa Tết, nhưng thời gian sau này nông dân biết cách “bắt” bưởi ra trái theo ý muốn nên đặc sản của Tân Triều có quanh năm. Tuy nhiên, bưởi mùa Tết là vụ thu hoạch nhiều hơn, cao giá hơn, nên nhà nào cũng đầu tư công sức cho cây ra trái nhiều, đều và đẹp.
Những năm qua, nhà vườn Tân Triều nhờ bưởi nên Tết nào cũng vui xuân hạnh phúc, nhiều gia đình giàu có, “ăn nên làm ra” đều bắt nguồn từ cây bưởi.
Cũng thuộc hàng “thâm niên” trong nghề trồng bưởi, gia đình bà Vi Thị Hồng Ánh (52 tuổi) có khu vườn rộng hai hécta được thương lái đặt cọc vào hái trong mấy ngày giáp Tết. Nói về quá trình hình thành làng bưởi Tân Triều, bà Ánh cho rằng từ thời cha ông, nông dân đã “rút ruột, gan” để cả đời gắn bó với cây bưởi. Có lẽ “trời không phụ lòng người” nên bưởi ở vùng đất này bao đời nay vẫn thế: Ngon ngọt và có vị rất riêng.
“Tạo dáng” thương hiệu
Không chỉ dừng lại ở “chất”, những năm gần đây nghệ nhân làng bưởi Tân Triều còn mạnh dạn “nâng cấp” trái bưởi bằng cách “tạo dáng” cho đặc sản này.
Ngoài bán cho thương lái, bưởi Tân Triều còn được bán lẻ, là một cách tiếp thị của các chủ vườn |
Ở vùng đất Tân Triều, ai cũng biết ông Ngô Văn Sơn (49 tuổi, ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình) người đã có những bước tiến làm thay đổi diện mạo trái bưởi để cho ra hình thù lạ. Từ những trái bưởi bình thường, qua bàn tay nghệ sỹ, ông Sơn đã “biến hóa” thành hình thù đẹp mắt, góp phần làm phong phú mâm trái cây chưng ngày Tết; giá bán loại sản phẩm “đột biến” này cũng tăng lên mấy chục lần so với sản phẩm cùng loại.
Nhắc về cuộc hành trình đi tìm “hình hài” mới cho trái bưởi, ông Sơn kể: “Năm 2011, tôi có một nhóm bạn ở miền Tây Nam bộ. Sau nhiều lần xuống đó chơi, tôi thấy họ tạo hình những trái bưởi mang hình hồ lô quá độc đáo và giá bán cao nên tôi nghĩ đây có thể là “lối ra” cho trái bưởi Tân Triều. Thế nhưng, sau nhiều lần mày mò thử làm đều thất bại nên tôi quyết định “tầm sư” học nghề”.
Khăn gói đi học nghề, ông Sơn tìm đến vườn bưởi của ông Võ Trung Thành (xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), người đầu tiên ở miền Tây tạo hình từ những trái bưởi tròn thành bưởi hồ lô. Mất cả năm ròng rã vừa học vừa thực hành, đồng thời bỏ ra hơn 60 triệu đồng để làm khuôn, chữ, dây cột.
Thế nhưng đến khi về áp dụng bưởi vườn nhà, ông Sơn vẫn không thành công. Không nản lòng, ông Sơn mời một giảng viên Đại học Cần Thơ về cộng tác cùng mình. Được sự hướng dẫn của chuyên gia cùng những kinh nghiệm đúc rút sau những lần thất bại, ý nguyện của ông Sơn đã được đền đáp.
Trao đổi về việc “tung hàng” trong dịp Tết, ông Sơn cho biết mỗi trái bưởi hình hồ lô hay hình thỏi vàng do ông làm ra có hai chữ Tài – Lộc đối xứng nhau, mỗi trái cân nặng từ 0,8-1kg bán cho thương lái với giá 1 triệu đồng/cặp; các cặp bưởi cùng nhánh giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, Tết này ông Sơn còn đưa ra thị trường 10 chậu bưởi kiểng hai năm tuổi cũng có những trái hình hồ lô, thỏi vàng chữ Tài – Lộc trị giá 5 triệu đồng/chậu.
Ngày 14/11/2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) đã ban hành Quyết định số 2837/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00031 cho sản phẩm bưởi Tân Triều.
Từ đó đến nay, bưởi Tân Triều đã đi xa hơn để đến với các địa phương, thậm chí ra nước ngoài. Trước đó, vào giữa năm 2007, Hội Nông dân và Hội làm vườn huyện Vĩnh Cửu tổ chức công bố thương hiệu Bưởi Biên Hòa - đặc sản Tân Triều với các giống: bưởi đường lá cam, bưởi ổi, bưởi thanh, bưởi đường da láng sau nhiều năm liên tục được xếp đầu bảng trong các hội thi trái cây do Trung tâm cây ăn quả vùng Đông Nam bộ bình chọn.