Giá sách tăng, vì sao?
Các bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới khi “trình làng” đã có giá thành cao gấp 3 - 4 lần bộ sách theo chương trình 2006. Cụ thể, các bộ SGK lớp 1 mới có giá từ 179.000 - 194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000/cuốn; bộ SGK lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm soát, qua các lần kê khai giá của các nhà xuất bản, các bộ sách đều giảm giá từ 3 - 9% so với lần công bố đầu tiên.
Thực tế cho thấy có môn học hiện có quá nhiều đầu SGK. Đơn cử môn Mĩ thuật lớp 10, ở bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ sách Chân trời sáng tạo đều có tới 11 cuốn SGK. Theo lý giải từ phía nhà xuất bản (NXB), ở cấp THPT, học sinh mỗi khối lớp được lựa chọn 4 nội dung trong 10 chuyên đề hướng nghiệp và 1 chuyên đề học tập. Các chuyên đề này vừa được thực hiện độc lập vừa bảo đảm lồng ghép trong thực hành, thảo luận mĩ thuật nên cần tổ chức viết thành các đầu sách riêng lẻ để tiết kiệm chi phí cho học sinh.
Đặc biệt, với chương trình hiện hành cũng như chương trình mới ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6 đã triển khai, giá SGK môn Ngoại ngữ luôn ở mức rất cao. Những bộ SGK chương trình mới đang được niêm yết với giá từ 177.000 đồng/bộ đến trên 400.000 đồng/bộ và cộng thêm ít nhất là 200.000 đồng SGK ngoại ngữ.
Lý giải về điều này, ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) cho hay, nhiều phụ huynh có ý kiến có thể in SGK nhỏ hơn, chỉ sử dụng 1 màu khi in... sẽ giảm được một phần giá thành. Tuy nhiên, nếu sách chỉ in 1 màu thì các em học sinh không thể phân biệt được khi học quốc kỳ của các quốc gia, hoặc sẽ khó học nếu thí nghiệm vật lý, hóa học không đầy đủ màu sắc...
Ông Ái cũng nêu một loạt nguyên nhân khiến giá SGK mới cao hơn SGK cũ. Thứ nhất, sách soạn theo Chương trình 2018, các doanh nghiệp tự bỏ vốn để thực hiện toàn bộ các khâu từ biên tập, biên soạn, nhuận bút, quảng bá, tập huấn giáo viên, đặc biệt là mua vật tư in ấn.
Thứ hai, giá nguyên vật liệu, công in, nhuận bút, chi phí tiếp thị, bồi dưỡng tăng. Thứ ba, do khổ sách thay đổi, tăng 1,3 lần so với sách cũ. Đồng thời, SGK mới được in 4 màu với chất lượng cao. Tại triển lãm SGK của Bộ GD&ĐT gần đây có thể thấy sách của Việt Nam có chất lượng tương đương nhưng giá vẫn rẻ hơn sách của một số nước khác.
Thứ tư, các bộ sách đều có phiên bản điện tử. Chi phí để xây dựng phiên bản điện tử này rất tốn kém, các thí nghiệm, câu chuyện trong bản điện tử “không khác gì” các phim hoạt hình, nên chi phí sản xuất rất cao. Thứ năm, do nhiều đơn vị tham gia xuất bản nên thị trường thu hẹp lại, khiến cho giá thành tăng lên.
Cần có khung trần về giá SGK
Giá SGK mới tăng gấp nhiều lần so với SGK cũ sẽ là gánh nặng với nhiều phụ huynh vùng khó. TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, SGK phục vụ đại trà, do vậy cần phải lựa chọn chất liệu cho phù hợp, cân bằng các nhu cầu của người dân chứ không nhất thiết phải in đẹp, khổ to rồi tăng giá bất hợp lý. Chất lượng giáo dục không quyết định bằng sách khổ to và giấy tốt. Ông Lê Viết Khuyến cho rằng, SGK cũng như gạo, xăng dầu đều là những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, Nhà nước cần có sự quản lý giá SGK một cách rõ ràng.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có khung trần về giá SGK và các NXB không được vượt quá khung này. Với mức trần đó, các NXB sẽ có những điều chỉnh về thiết kế, mẫu mã, chất liệu giấy sao cho phù hợp nhất, cạnh tranh nhất.
Với câu hỏi, các bộ SGK hiện hành được định giá dựa trên các tiêu chí nào, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, hiện chúng ta vẫn để cho các NXB quy định giá theo cơ chế thị trường nhưng không thể để các doanh nghiệp muốn định giá sao cũng được. Các NXB phải tuân thủ hành lang pháp lý khi định giá, trước hết là quy định về chi phí và dựa vào phương pháp định giá chung do Bộ Tài chính ban hành.
Về nguyên tắc định giá, phải tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà các nhà xuất bản phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư theo quy định của Điều 20 Luật Giá hiện hành. Căn cứ định giá là giá thành toàn bộ, chất lượng của SGK và lợi nhuận. Trên cơ sở đó, Nhà nước có hai cách kiểm soát, trực tiếp và gián tiếp, nhưng với sản phẩm xã hội hóa, cần có thêm các cơ chế khác để phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, nước ta có khoảng 17,5 triệu học sinh là đối tượng sử dụng trực tiếp SGK. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu đề xuất với Chính phủ nghiên cứu đưa SGK là mặt hàng thuộc Nhà nước định giá. Bộ Tài chính đã trình dự thảo Luật Giá sửa đổi này, Bộ GD&ĐT sẽ phải tham mưu với Nhà nước có căn cứ quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các NXB. Mục tiêu cao nhất là hướng đến học sinh.