Kỳ II: Rừng Quốc gia cũng bị đe dọa
TIN LIÊN QUAN |
---|
Một khi những cách rừng phòng hộ, rừng đệm xung quanh bị khai thác hết, một lẽ tất yếu là rừng Quốc gia Bù Gia Mập của Bình Phước cũng sẽ rơi vào tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng.
Việc xây dựng nhà máy thủy điện Đăk Grun đã lấy mất đất sản xuất của nhiều hộ gia đình. |
Rủ nhau đi gùi gỗ quý
Rừng Quốc gia Bù Gia Mập có diện tích vùng lõi khoảng 26.000ha, nếu cộng thêm vùng đệm thì rừng này có khoảng trên dưới 40.000ha với một hệ sinh thái vô cùng đa dạng phong phú cần được bảo vệ. Các loại gỗ nhóm 2A như giáng hương, gỗ đỏ, cẩm lai... còn nhiều ở vùng giáp ranh với Đăk Nông. Các loại thú, chim quý hiếm như voi, báo hoa mai, vượn, vọc, đại bàng... tập trung ở đây rất nhiều. Đó là tài sản quốc gia, là niềm tự hào của cả đất nước.
Lâm tặc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng Quốc gia Bù Gia Mập |
Giờ đây người dân không còn vào rừng khai thác rầm rộ như trước đây vì rừng Quốc gia đã được đầu tư và bảo vệ khá nghiêm ngặt. Nhưng điều đó không có nghĩa là rừng không bị tàn phá nữa. Thay vì dùng voi, dùng xe, dùng các phương tiện lớn để tàn phá rừng, nay lại có một hình thức mới đó chính là dùng... sức người đi gùi gỗ quý!
Theo ông Nguyễn Đại Phú - Giám đốc Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thì hiện nay có lúc cả làng dân cư chừng 50-60 người ngoan cố tiến vào rừng khai thác gỗ theo kiểu thủ công, mang vác nhỏ, do đó rất khó xử lý. Những gùi gỗ đỏ, cẩm lai được bà con cắt khúc quy củ giống như đã được các đối tượng đầu nậu đặt hàng.
Tương tự, việc săn bắn thú rừng vẫn còn diễn ra. Mới đây các lực lượng chức năng đã phối hợp và bắt một vụ với số lượng lớn thú rừng. Ông Nguyễn Văn Hoàng - Hạt trường Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập nói: “Anh em thường xuyên đi tuần, phát hiện và phá nhiều loại bẫy. Khi quay lại thì đã thấy bẫy mới được dựng lên. Nhiều khi còn nghe tiếng súng săn nổ trong rừng, nhưng khi đến nơi thì đối tượng đã biến mất...”.
Hiện nay, trong Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có 10 chốt bảo vệ rừng. Tuy nhiên đây là con số quá ít. Theo Hạt trưởng Kiểm lâm, khu vực này có chu vi 200km, với khoảng 40 người đóng chốt thì trung bình mỗi người phải bảo vệ khoảng 5km - một phạm vi quá sức người.
Nguy hiểm và gian khổ đời kiểm lâm
Phải căng mắt ra để bảo vệ rừng, những nguy hiểm luôn hình rập và ập xuống đầu lực lượng kiểm lâm bất cứ lúc nào. Cách đây chưa lâu, khi các kiểm lâm viên tại Trạm Bảo vệ số 1 của rừng Quốc gia Bù Gia Mập đang nghỉ ngơi, các anh đã bị một nhóm đối tượng người địa phương đã xông vào chém tới tấp khiến anh Dương Quang Hùng - kiểm lâm viên bị đứt lìa cánh tay trái. Đến nay, các đối tượng chém kiểm lâm viên này vẫn... bình yên vô sự. Điều này khiến cho anh em làm nhiệm vụ bảo vệ rừng rất bất bình và lo lắng, vì không biết khi nào sẽ đến lượt mình, khi bị như vậy thì liệu có ai bảo vệ mình và trừng trị bọn chúng?
Ông Nguyễn Văn Hoàng |
Hạt trưởng Kiểm lâm Nguyễn Văn Hoàng ngán ngẩm: “Tại vùng giáp ranh với tỉnh Đăk Nông, bọn lâm tặc còn xúi giục cả phụ nữ, trẻ em, người già vào rừng khai thác. Chiều vào, đêm khai thác, đến sáng tờ mờ thì chúng chuyển gỗ ra. Có những lúc chúng tập trung cả trăm người để uy hiếp, tấn công anh em kiểm lâm. Chúng tôi không còn cách nào khác là đứng nhìn, chờ cho chúng làm xong thì anh em mới ra...”.
Trong khi việc triệt phá phần ngọn (tình trạng phá rừng tràn lan) chưa đem lại hiệu quả thì việc giải quyết phần gốc (bà con phá rừng đa phần do thiếu đất sản xuất) cũng chưa có tín hiệu tích cực. Nói về đời sống của bà con xung quanh rừng, ông Phạm Sĩ Hoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập nhấn mạnh: “Xã có nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất. Xã đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần về cấp “sổ đỏ” để bà con ổn định cuộc sống, vì có những hộ canh tác trên mảnh đất của mình 30 năm vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc xây nhà máy thủy điện tại các thôn như thôn 8, Bù Nga, Đăk Á, khi thu hồi đất thì chỉ đền bù hỗ trợ tiền mà quên đi việc tái định canh cho bà con. Hết đất sản xuất, bà con dư dả thời gian nên họ rủ nhau vào rừng kiếm thêm thu nhập!”.
Kiến nghị về vấn đề này, những người có trách nhiệm bảo vệ rừng ở Bình Phước đều cho rằng tuyên truyền vận động chỉ là biện pháp trước mắt. Còn về lâu về dài, cần phải ổn định cuộc sống đồng bào nơi đây. Hơn nữa, cần tăng cường lực lượng bảo vệ, tăng thẩm quyền cho những người bảo vệ rừng và có thể dùng biện pháp mạnh trong trường hợp cần thiết để trấn áp lâm tặc. Nếu các lãnh đạo, các ban ngành chức năng của tỉnh Bình Phước không kịp thời có các biện pháp đồng bộ, những khu rừng phòng hộ, cũng như khu rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập sẽ biến mất trên bản đồ Bình Phước lúc nào không hay.
Ngọc Quý- Đức Hồng