Nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communication) năm 2011 đã “nhận diện” khoảng 12 nhóm hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp như né tránh cung cấp thông tin; gây khó dễ; gián tiếp ngăn chặn hoạt động tắc nghiệp; mua chuộc; thu giữ phương tiện tác nghiệp; đe dọa; phá hoại phương tiện tác nghiệp; giữ người; quấy rối tình dục; bôi nhọ, vu khống; tấn công, gây thương tích và trả thù.
87,9% trong tổng số hơn 400 nhà báo tham gia khảo sát đã từng bị cản trở dưới nhiều hình thức khi tác nghiệp. Đa số hành vi cản trở nằm ở lý do không muốn nhà báo tiếp cận (hoặc công bố) thông tin. Trong đó, hành vi né tránh cung cấp thông tin là phổ biến nhất, chiếm 11-12% số người tham gia.
Do đó, có thực tế là khi tác nghiệp, nhiều nhà báo thay vì được cung cấp thông tin theo Luật Báo chí thì lại phải “khẩn nài” để có được thông tin – “nguyên liệu” chính cho hoạt động nghiệp vụ của họ. Đa số những người tham gia khảo sát (76%) cho rằng, xã hội sẽ phải chịu thiệt thòi từ những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp.
Từ thực tế, mặc dù đã có nhiều quy định pháp luật liên quan đến vấn đề bảo vệ nhà báo tác nghiệp nhưng hoạt động cản trở nhà báo tác nghiệp ngày càng nhiều. Những hành vi sử dụng vũ lực, mà kết quả xử lý lại không tương xứng với mức độ của hành vi, cũng như mong mỏi của cơ quan quản lý, báo giới và nhân dân.
Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam từ năm 2006 đến hết quý 1 năm 2010, có 18 vụ cản trở, hành hung phóng viên, trong đó số vụ cản trở là 5, số vụ hành hung là 13. Chỉ có 4 vụ được khởi tố. Tất cả các vụ khởi tố đều theo điều 104 (tội cố ý gây thương tích) hoặc các điều luật khác mà không có một vụ việc nào khởi tố theo điều 257 (tội chống người thi hành công vụ). Số liệu này đã phản ánh, số vụ xử lý bằng hình sự là rất ít.
“Không nhận thức đúng đắn, không có các giải pháp xử lý triệt để vấn đề này đến một lúc nào đó tình trạng cản trở, hành hung phóng viên khi tác nghiệp sẽ làm đội ngũ người làm báo nao núng, chùn bước và cái mất mát đối khi là vô hình thuộc về xã hội, về người dân. Vì vậy, xã hội có cần thiết phải dùng đến 11% thương tật của phóng viên mới xử lý hình sự kẻ xâm hại họ?”..., là những trăn trở của không chỉ những người làm báo mà cả của các cơ quan quản lý báo chí và xã hội.
Trong 10 năm từ 2001-2011, các quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cản trở, hành hung, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hủy hoại tài sản của nhà báo được nêu trong các Nghị định 31, 56 và 02 nhưng chưa bao giờ được áp dụng, bất chấp sự tồn tại của chúng trên văn bản.
Do vậy, các nhà báo đều thấy rằng, cần có kênh kết nối giữa báo chí và cơ quan công quyền để giải quyết những thông tin về chống tham nhũng nói riêng và chống tiêu cực nói chung. Đồng thời, phải có cơ chế pháp lý để bảo vệ thông tin điều tra có căn cứ của nhà báo và cần xác định trách nhiệm phản hồi thông tin cho báo chí, cũng như xây dựng cơ chế liên thông về trách nhiệm giữa tòa soạn báo chí và cơ quan chức năng để các thông tin chống tiêu cực có thể “đàng hoàng lên mặt báo”, góp phần cùng các cơ quan chức năng xử lý những hành vi tiêu cực trong xã hội.
H.Giang