Đó là một đoạn ghi âm dài 6 phút về cảnh giáo viên xưng mày tao với học trò, buông những lời lẽ, ngôn từ mạt sát nặng nề của cô giáo dạy văn ở Quảng Trị. Và chỉ 2 ngày sau, trên mạng lan truyền đoạn clip dài 5 phút ghi lại giảng viên Khoa Điện - điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM “đuổi” một sinh viên ra khỏi lớp online khi em này nhờ thầy giảng lại vì mưa to quá không nghe rõ…
Và ở chiều ngược lại, một clip nam sinh viên thách thức thầy giáo khi liên tục sử dụng lời lẽ khó nghe khi thầy giáo hỏi vì sao không thuộc bài. Thậm chí, nam sinh còn buông những lời xúc phạm giáo viên. Thế nhưng, đối diện với thái độ thách thức của trò, thầy giáo bình tĩnh nói: “Em cứ nói xong đi rồi thầy nói”. Tuy vậy, nam sinh cũng vẫn lấn tới. Dư luận cho rằng, người thầy này đã giữ bình tĩnh khi đối diện với lời lẽ xúc phạm của sinh viên.
Về vụ việc này, ông Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Cao đẳng FPT Polytechnic chia sẻ trên mạng xã hội, nhà trường đã liên hệ với sinh viên để làm tường trình sự việc, đồng thời cũng liên hệ với gia đình của sinh viên. Hiện tại sức khỏe và tâm lý của nam sinh này đang bất ổn và đang được chăm sóc tại trạm xá.
Trước những sự việc trên, Thạc sỹ Nguyễn Thúy Uyên Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường Mầm non - Tiểu học ICS lý giải, đó là ví dụ điển hình của cái gọi là “mất mát quyền lực” của giáo viên khi dạy online. Khi dạy trực tiếp, thầy, cô giáo trực quan kiểm soát lớp học nên “uy” sẽ lớn hơn. Khi chuyển sang dạy học trực tuyến, thầy trò mỗi người một máy tính, chỉ có thể kết nối với nhau qua màn hình. Lúc này, học sinh lơ là, mất tập trung... giáo viên cũng khó kiểm soát, điều chỉnh được.
Theo cô Uyên Phương, với lớp học online, muốn thu hút học sinh, thầy cô chỉ có thể dùng những quyền lực “mềm” như thiết kế bài giảng sinh động, đưa vào các hoạt động tương tác hai chiều, thấu hiểu rằng học sinh cũng có những khó khăn nhất định trong môi trường học tập mới này… Một phương thức học tập mới, khó khăn với cả thầy lẫn trò, lúc này rất cần nỗ lực điều chỉnh, học hỏi của thầy trò và cần cả sự hỗ trợ, thông cảm dành cho nhau. Tuy nhiên, trong bất kỳ bối cảnh nào, việc kiểm soát, kiềm chế cảm xúc là việc cần thiết, đặc biệt ở vị thế người thầy khi tương tác với học trò, cô Uyên Phương nhấn mạnh.
Và trên thực tế, các thầy cô cũng chia sẻ rằng, dạy online vô cùng vất vả, ngoài công nghệ, chuẩn bị bài giảng sao cho ngắn gọn, dễ hiểu là những áp lực về đường truyền, thầy trò không nhìn thấy nhau… Chưa kể, khi đó lớp học không còn là sự riêng tư của thầy và trò, mà còn có sự giám sát của phụ huynh, nên thầy cô đều phải mềm mỏng hơn.
Ở góc độ khác, chuyên gia tâm lý giáo dục PGS.TS Trần Thành Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, đây là giai đoạn chúng ta “tổng diễn tập” dạy học online, còn nhiều vấn đề phải xử lý trong bối cảnh dịch bệnh. Bộ GD-ĐT cũng như các trường có thể cho ra đời những bài giảng mẫu về thực hành chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cả giáo viên và học sinh.
Theo đó, cuối năm 2020, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ chịu tổn thương sức khỏe tâm thần trong cộng đồng đã tăng gấp 5-7 lần so với trước đây. Một số ngành nghề mang tính chất đặc thù như nghề giáo viên, mang sứ mệnh vận hành “dòng chảy tri thức” vẫn đang làm việc bất kể hoàn cảnh dịch bệnh. Họ không được phép ngừng lại. Họ cũng phải thay đổi và thích ứng rất nhiều nhiệm vụ mới mà trước đây họ chưa được đào tạo bài bản. Nhiều người có kinh nghiệm dạy học nhưng lại không biết kiềm chế cảm xúc của mình. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, họ phải chịu quá nhiều áp lực từ mọi phía.