Cuối tháng 4/2021, dư luận xôn xao bởi thông tin có 4 doanh nghiệp (DN) ở Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ; Ngày 3/5 vừa qua, Bộ Công Thương tiếp tục cung cấp tới báo chí thông tin Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD (Australia) nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST 24, ST 25 kèm nội dung là "Gạo, Gạo ngon nhất thế giới".
Ở diễn biến khác, Văn phòng sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) vừa đăng tải thông tin cho thấy, Công ty TNHH Hồ Quang Trí (trụ sở 196 đường tỉnh lộ 8, huyện Trần Đề, Sóc Trăng, Việt Nam) đã làm đơn xin bảo hộ nhãn hiệu "Gạo ông Cua" tại thị trường Mỹ. Nhãn hiệu có dấu hiệu nhận biết là hình ảnh một người đàn ông đeo kính quay mặt về phía bên phải (gương mặt ông Hồ Quang Cua) ở bên trên bông lúa và dòng chữ "Gạo ông Cua" ở bên trái. Đơn đăng ký nhãn hiệu đã đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu và được USPTO tiếp nhận.
Có thể nói, đây là động thái kịp thời của ông Hồ Quang Cua sau khi Gạo ST25 - Gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam bị nhiều doanh nghiệp (DN) ở Mỹ tiến hành đăng ký sở hữu. Ngay sau khi các thông tin về DN Mỹ đăng ký sở hữu thương hiệu ST25, một DN của Úc cũng đã nộp đơn đăng ký thương hiệu sở hữu với ST25 tại Úc. Tuy nhiên, may mắn hơn, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã có nhiều động thái can thiệp kịp thời sau khi có thông tin này.
Cụ thể, Thương vụ đã trao đổi với ông Hồ Quang Cua và đề nghị phối hợp hành động. Trưởng cơ quan Thương vụ, ông Nguyễn Phú Hoà đã chủ động trao đổi với Lãnh đạo Công ty T&L Global foods Supply PTY LTD (DN đăng ký sở hữu thương hiệu ST25 tại Úc). Ngoài ra, Thương vụ cũng đã gửi công văn cùng một số tài liệu, hình ảnh kèm theo đến Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Úc để làm rõ giống lúa tên ST24, ST25 là do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công, đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam.
Như PLVN đã thông tin, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định, không có bất kỳ một DN, đơn vị nào có thể đăng ký sở hữu độc quyền đối với dấu hiệu nhận biết “gạo ST25”. Trả lời câu hỏi của Báo PLVN “Vậy Việt Nam có thể làm gì với gạo ST25?”, ông Bảy trả lời: “Chỉ có một cách duy nhất: DN Việt Nam phải tìm cách để khách hàng sẽ lựa chọn gạo ST25 của DN Việt chứ không phải là gạo ST25 của bất kỳ một DN ở một quốc gia nào khác”.
Ông Bảy cũng cho rằng, việc đăng ký bảo hộ với giống lúa ST25 ở các thị trường quốc tế có thể không cần thiết vì điều kiện thổ nhưỡng ở từng vùng sẽ cho ra các sản phẩm có chất lượng khác nhau. Và ST25 được nghiên cứu, lai tạo phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam nên mới đạt được danh hiệu Gạo ngon nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia thương hiệu, có thể không cần bảo hộ giống lúa ST25 nhưng cần thiết phải đăng ký sở hữu một thương hiệu có dấu hiệu nhận biết “bao gồm dấu hiệu ST25” như một số DN nước ngoài đã đăng ký. “Các DN đăng ký thương hiệu với gạo ST25 là vì loại gạo này đã đạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới. Đây chính là dấu hiệu nhận biết dễ dàng nhất đối với bất kỳ thương hiệu nào muốn tiếp cận thị trường mới” - vị này phân tích.
Do đó, việc DN tư nhân Hồ Quang Trí chỉ đăng ký đơn thuần nhãn hiệu “Gạo ông Cua” mà không có bất kỳ một dấu hiệu nhận biết nào liên quan đến ST25 là tự đánh mất lợi thế cạnh tranh của mình ở thị trường quốc tế. Bởi đến nay, thế giới chỉ nghe đến thương hiệu gạo ST25 chứ ít người biết đến cha đẻ của giống lúa tạo nên gạo ST25. Hơn nữa, khi ông Cua khẳng định, sau này, ông sẽ tiếp tục đưa gạo ST24, ST25 đi dự các cuộc thi gạo ngon nhất thế giới thì việc đưa dấu hiệu ST25 vào nhãn hiệu đăng ký ở thị trường quốc tế bên cạnh thương hiệu “Gạo ông Cua” là cần thiết.
“Cha đẻ” giống lúa ST24, ST25 muốn nhượng bản quyền giống lúa cho Nhà nước?
Trước thông tin kỹ sư, Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua, "cha đẻ" giống lúa ST24, ST25 muốn nhượng quyền lại cho Nhà nước, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện Bộ NN&PTNT chưa nhận được văn bản nào từ phía nhóm tác giả nghiên cứu, lai tạo ra giống lúa ST24, ST25 mà cụ thể là ông Hồ Quang Cua và DN tư nhân Hồ Quang Trí về vấn đề này.
Thứ trưởng Tiến cũng cho biết, vào năm 2018 và năm 2020 Bộ NN&PTNT đã có quyết định bảo hộ quyền sở hữu hai giống lúa này cho nhóm tác giả, giá trị bảo hộ trong vòng 20 năm.
“Tôi có nghe ông Hồ Quang Cua có nguyện vọng muốn bán lại bản quyền giống lúa ST25 cho Nhà nước. Đây là việc chưa có tiền lệ, nhưng nếu thực sự có việc đó thì Bộ sẽ giải trình với Chính phủ về việc này để tìm ra giải pháp bảo vệ cũng như nâng cao giá trị của loại nông sản đã được thế giới công nhận…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết đồng thời khẳng định, khi là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước thì việc áp dụng các thủ tục hành chính với giống lúa cũng dễ dàng hơn, giống lúa ST25 được trồng với diện tích lớn hơn, sản lượng nhiều hơn để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.