10 năm, tổ chức trên 24.200 sự kiện
- Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn thời gian qua?
Công tác PBGDPL được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện tốt Kế hoạch 349/KH-HĐPH ngày 17/1/2022 của Hội đồng Phối hợp PBGDPL Lâm Đồng về PBGDPL; hòa giải ở cơ sở; xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật (TSPL) và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2022 và các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan...
Sở Tư pháp đã phối hợp các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương đăng tải các chương trình phổ biến, tuyên truyền pháp luật, các lĩnh vực hỗ trợ chính sách pháp luật cho đối tượng doanh nghiệp; các lĩnh vực hòa giải, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ; các nội dung PBGDPL chung.
Qua 10 năm triển khai Luật PBGDPL, từ 2012 tới nay, MTTQ và các tổ chức thành viên Hội đồng Phối hợp đã phối hợp PBGDPL tổ chức trên 24.200 hội nghị, tập huấn, tọa đàm, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật với trên 1,6 triệu lượt người tham dự.
Từ 2012 đến nay, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh thực hiện TGPL cho các đối tượng đặc thù được gần 20.000 lượt người trong các nhóm đối tượng đặc thù.
- Hướng tới Ngày Pháp luật Việt Nam 2022, trên địa bàn Lâm Đồng sẽ có những hoạt động hưởng ứng nổi bật nào, thưa ông?
Sở Tư pháp với vai trò cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai và tham mưu Hội đồng tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: Đẩy mạnh các hoạt động PBGDPL, trợ giúp pháp lý; treo băng rôn, khẩu hiệu về Ngày Pháp luật; diễu hành ra quân hưởng ứng…
Ông Nguyễn Quang Tuyến, Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng. |
- Để tạo đột phá trong PBGDPL sắp tới trên địa bàn, Sở có những giải pháp nào?
Để tạo đột phá trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, cần một số giải pháp như:
Thứ nhất, các cấp, các ngành và hệ thống chính trị tại địa phương phải phát huy tốt vai trò của người đứng đầu của các cơ quan, ban, ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện công tác PBGDPL.
Thứ hai, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định PBGDPL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bởi muốn xây dựng hệ thống chính trị tốt, phát triển kinh tế, văn hóa, ổn định an ninh trật tự tại địa phương thì việc tuyên truyền, PBGDPL tới từng đối tượng cụ thể và mọi tầng lớp nhân dân là hết sức cần thiết, đặc biệt quan trọng.
- Thứ ba, tập trung nâng cao năng lực, trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL, luôn giữ vững phương châm “hướng về cơ sở”.
Bên cạnh những giải pháp trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình, sáng tạo. Thường xuyên tập huấn, có những hình thức PBGDPL đa dạng, phong phú nhằm thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.
Yếu tố quan trọng nữa là cần có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù với những người làm công tác PBGDPL phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.
Hướng tới Tủ sách pháp luật điện tử
- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác PBGDPL trên địa bàn Lâm Đồng là chú trọng đến một số đối tượng đặc thù như người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, người đang chấp hành hình phạt tù… Vậy sắp tới tỉnh có những giải pháp gì để thực hiện nội dung trọng tâm này?
Hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp Sở Tư pháp và các đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng triển khai Đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2021” trên địa bàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả cao.
Thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục tập trung tăng cường đẩy mạnh công tác tham mưu tập huấn, tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng đặc thù; đặc biệt là những nội dung thuộc các vấn đề được xã hội quan tâm. Phối hợp với công an các cấp để tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người bị tam giam, tạm giữ.
Sở Tư pháp sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như các trang mạng xã hội để triển khai các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho người dân tại địa phương nói chung và các đối tượng đặc thù nói riêng.
Nhóm giải pháp nữa là tiếp tục đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, PBGDPL thông qua các hoạt động TGPL lưu động, tư vấn pháp luật, hòa giải ở cơ sở; lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa truyền thống; qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội diễn văn nghệ; phổ biến trực tiếp, niêm yết các quy định pháp luật tại nơi làm việc, TSPL... Qua đó, giúp cho các đối tượng đặc thù nắm được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để từ đó nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật.
- Tủ sách pháp luật đã cho thấy hiệu quả trong PBGDPL, vậy thời gian tới cần làm gì để phát huy hơn nữa mô hình này?
Triển khai Quyết định 14/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3058/KH-UBND ngày 24/5/2019 về triển khai, thực hiện Quyết định số 14/QĐ-TTg.
Hiện nay, 142/142 xã, phường, thị trấn trong tỉnh có TSPL (đạt 100%). Trung bình mỗi tủ sách có 70 - 100 đầu sách, thường xuyên bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật mới để công chức, viên chức, người lao động và nhân dân được tiếp cận những chính sách, pháp luật mới của Đảng và Nhà nước. Một số cơ quan, đơn vị, trường học trong tỉnh đã quan tâm xây dựng, củng cố TSPL, Ngăn sách pháp luật trong thư viện nhà trường, phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân, giáo viên, học sinh, sinh viên và chiến sĩ. 100% các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đều có TSPL; Công an tỉnh có 39/39 các đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở xây dựng được TSPL; Tỉnh đoàn có 263 tủ sách với hơn 5.500 cuốn…
Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương tăng cường xây dựng, quản lý và khai thác TSPL hiệu quả hơn bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương và chuyển dần hình thức sử dụng TSPL điện tử để có thể sử dụng ở bất kỳ nơi đâu.
- Xin cảm ơn ông!