Theo đó, đã kiểm tra, xem xét, xử lý đối với 137 trường hợp, trong số này có bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT (vợ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ Triệu Tài Vinh đương nhiệm), em chồng bà Hà đã tác động nâng điểm thi cho con bà.
Ủy ban Kiểm tra tỉnh Hà Giang cho rằng chưa có căn cứ để kết luận vợ chồng ông Vinh và bà Hà đã tác động để nhờ người nâng điểm cho con. Bà Hà phải kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm tại Chi bộ và Đảng ủy Sở NNN&PTNT vì để em chồng tác động nâng điểm cho con.
Liên quan đến việc gian lận thi cử nói trên, người dân cảm thấy ngao ngán bởi từ mùa thi 2018 đến nay vẫn “bùng nhùng”, chẳng rõ lắm về vi phạm của từng người liên quan. Thứ hai là chẳng có ai “làm gương”, chẳng có “gương” đâu mà “nêu”.
Còn nhớ, cách đây hơn 5 năm Bộ Chính trị có Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Đã 7 năm trôi qua.
Nêu gương gì mà “Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có 4 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương.
Tiếp tục tinh thần không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự” - Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Sau Quy định 101-QĐ/TW nói trên, ngày 25/10/2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐi/TW).
Dù có quy định mới nhưng về đạo đức, lối sống, phải thẳng thắn để nói rằng: không ít CBĐV tiếp tục lối sống xa hoa, ích kỷ, vụ lợi, tham nhũng, lãng phí, không thực hiện nghiêm đạo đức cách mạng, không dám đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị. Phong cách làm việc quan liêu, hách dịch, mệnh lệnh hành chính vẫn tồn tại ở nhiều CBĐV.
Gương ít lắm. Câu chuyện ở Hà Giang cho thấy không có “gương” để “nêu”. CBĐV có văn hóa đối diện với khuyết điểm ít lắm nếu các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra không có tài liệu, báo chí không phanh phui.
Sinh thời, Bác Hồ có nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Đúng vậy, không nêu gương thì lãnh đạo được ai, nói ai nghe? Điều đau buồn là, với những CBĐV “nói một đàng làm một nẻo”, không chỉ dân không nghe họ nữa mà làm thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức. Điều đau buồn là, đã sai nhưng CBĐV luôn bị cho là tìm cách che giấu vi phạm, khuyết điểm của mình.