Cán bộ cấp chiến lược là ai? Xin thưa, đó là những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết các vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia, thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Do vậy, đây là Hội nghị được đánh giá quan trọng đặc biệt.
Những nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói đến vị trí quan trọng của cán bộ. Thực tiễn thành bại của cách mạng nói chung và phong trào cộng sản quốc tế cho thấy “cán bộ là cái gốc của công việc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã di huấn.
Đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới đối với cán bộ cấp chiến lược. Để lựa chọn được những người có tâm, có tầm, có khát vọng cống hiến, có năng lực truyền cảm hứng... đặt ra các quy định, giải pháp lớn như bầu cử, bổ nhiệm trên tinh thần mở rộng dân chủ, cạnh tranh lành mạnh ở tất cả các chức danh.
Trung ương sẽ bàn về tiêu chí nhân tài cũng như quan điểm phát triển, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy; những cơ chế, chính sách để nhân tài phát triển, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ. Những cán bộ trẻ bổ sung, nhất là cấp chiến lược có tâm, có tài, có nhu cầu cống hiến cho đất nước hy vọng được phát hiện và được trọng dụng.
Nói về thi tuyển, chắc chắn phải tạo ra môi trường cạnh tranh. Trước đây Trung ương đặt ra mục tiêu tỷ lệ cán bộ được bổ nhiệm thông qua thi tuyển đạt 30% đối với các bộ, ngành và lựa chọn đơn vị thực hiện nhưng sắp tới sẽ mở rộng hơn. Đó là điều cần thiết để tìm kiếm người tài vào những vị trí chiến lược cho Đảng và đất nước.
Văn hóa từ chức, văn hóa nói không với “chạy chức”, “chạy quyền” lần đầu tiên được Hội nghị Trung ương bàn thảo trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Dư luận, báo chí, trong đó có Báo PLVN đã từng “vạch mặt, chỉ tên” nêu ra khái niệm mới về tham nhũng, đó là tham nhũng quyền lực. Nhận diện rõ và đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện “chạy chức”, “chạy quyền” nhất là ở cấp chiến lược, rõ ràng liên quan đến sự “tồn vong” của chế độ.
Trong tình hình toàn Đảng và hệ thống chính trị đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì việc thảo luận và nếu được Hội nghị thông qua Đề án, chắc chắn sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Chúng ta hy vọng vào thành công của Hội nghị và kỳ vọng vào cuộc “cách mạng” mới về công tác tổ chức cán bộ.