Kỳ vọng lớn từ Hội nghị Trung ương 7: Sẽ có bước đột phá trong công tác cán bộ và chính sách tiền lương

Nhân dân đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Trung ương 7 khóa XII
Nhân dân đặt nhiều kỳ vọng vào Hội nghị Trung ương 7 khóa XII
(PLO) - Trong những ngày qua, nhiều vấn đề đặt ra tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đang được cả xã hội quan tâm. Đặt sự kỳ vọng lớn qua Hội nghị lần này, người dân tin tưởng Trung ương sẽ tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới công tác cán bộ cũng như chính sách tiền lương để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

“Lồng pháp luật” sẽ được hoàn thiện kiên cố, vững chắc hơn

Ngay trong phiên khai mạc Hội nghị, người đứng đầu Đảng ta đã thẳng thắn nói rằng: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi”, đồng thời nhấn mạnh phải khắc phục cho được tình trạng “chạy chức, chạy quyền” hay “thân quen, cánh hẩu”. Trong các buổi thảo luận, các đại biểu cũng bàn bạc, đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết nhằm giải quyết có hiệu quả thực trạng trên, trong đó có việc cần có cơ chế giám sát người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết không để người khác chạy mình.

Thực tế, thời gian qua công tác cán bộ đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó, có địa phương đề bạt, bổ nhiệm không đúng quy trình; bổ nhiệm cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực; cũng có nơi còn tranh thủ bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm những đối tượng “chạy chức, chạy quyền”… khiến lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ bị xói mòn, thậm chí nhiều lúc, nhiều nơi người dân đã có những phản ứng.

 Chính những bất cập trong công tác tổ chức, điều hành cũng như cơ chế kiểm soát quyền lực có lúc, có nơi đã trở thành điều kiện thuận lợi giúp cho quyền lực dễ bị lợi dụng, thậm chí là diễn biến phức tạp. Bởi vậy, vấn đề kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị chính là nhằm kiềm chế, ngăn chặn sự tha hóa, tham nhũng quyền lực. Tuy nhiên, câu hỏi day dứt mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra và yêu cầu Trung ương lần này phải trả lời cho được là: Vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây mặc dù Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp? Nguyên nhân từ đâu, ở khâu nào, cấp nào?

Nhiều ý kiến cho rằng, những trăn trở mà Tổng Bí thư đã nêu đều là những câu hỏi lớn, là vấn đề xã hội rất cần câu giải đáp và tìm cho được phương pháp điều chỉnh. Nói như ông Nguyễn Anh Sơn-Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định khóa XIII, không phải ngẫu nhiên Trung ương đưa nội dung khắc phục nạn “chạy chức, chạy quyền” ra bàn thảo. Gần như ai cũng cảm thấy có tình trạng “chạy chức, chạy quyền” nhưng không ai chỉ ra được từng trường hợp cụ thể dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ đi lên không phải bằng năng lực, trình độ. “Tổng Bí thư đã đưa vấn đề “chạy chức, chạy quyền” ra Hội nghị Trung ương, rõ ràng đây không còn là vấn đề nhỏ, ở một phạm vi hẹp nữa, mà đây thực sự đã trở thành “cản trở” trong công tác cán bộ của Đảng ta”- ông Sơn khẳng định. 

Nhìn nhận rõ nạn “chạy chức, chạy quyền” diễn ra, một phần nguyên nhân là do những hạn chế, bất cập trong công tác kiểm tra và giám sát quyền lực, do đó Tổng Bí thư đã nhiều lần nhấn mạnh phải “nhốt” quyền lực vào “lồng luật pháp” để kiểm soát cho được vấn đề lạm quyền. Và nhiều người tin tưởng, sau Hội nghị lần này, “lồng pháp luật” sẽ được hoàn thiện kiên cố và vững chắc hơn, giúp công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực; kỷ luật, kỷ cương được siết chặt, tiến tới hạn chế và chấm dứt tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, như một trong 5 đột phá đã được xác định trong Đề án.

Tạo động lực mới trong chính sách tiền lương

Có thể nói, công tác cải cách tiền lương có mối quan hệ khăng khít và là một trong những điều kiện cần của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Bởi lẽ, tiền lương thấp sẽ không tạo được động lực đủ mạnh cho người hưởng lương để phát huy tài năng và cống hiến, không thu hút được nhân tài; đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Vì lý do đó, Đề án cải cách chính sách tiền lương để nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp mà Hội nghị Trung ương 7 đang thảo luận là đề án hết sức có ý nghĩa và vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Nhất trí cao với Đề án này, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương cho rằng, đã đến lúc cần xóa bỏ cơ chế trả lương cào bằng mà phải tuân thủ theo cơ chế thị trường, đồng thời sớm thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và trên cơ sở hiệu quả lao động. Theo ông Phương, thang, bảng lương được sắp xếp lại sẽ có tác động rất tích cực cho cải cách bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của công chức trên cơ sở ai làm được việc thì hưởng lương xứng đáng, ai không làm được việc sẽ bị loại ra khỏi bộ máy.

Điều này sẽ góp phần xóa bỏ tiêu cực, nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ. “Với chính sách tiền lương mới sẽ tạo bước chuyển tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức, thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy nhà nước. Tiền lương bảo đảm sẽ là động lực để người lao động toàn tâm, toàn ý gắn bó với công việc. Đây cũng là cơ sở góp phần thực hiện yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy nhà nước mà Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã đặt ra”- ông Phương nêu ý kiến.

Cùng quan điểm này nhưng ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương không khỏi băn khoăn trước các câu hỏi: làm thế nào để các quan điểm tư tưởng cải cách tiền lương lần này đi vào thực tiễn, phát huy được hiệu quả? Làm sao xây dựng được hệ thống tiền lương hiện đại, trở thành nguồn thu nhập chính, cơ bản bảo đảm được cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động?...

Và sẽ còn nhiều băn khoăn, trăn trở trước những bất cập của cơ chế tiền lương hiện nay khi mà khó khăn, thách thức còn lớn, tiềm lực ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Cũng chính vì vậy, nhấn mạnh đến việc “đã đến lúc phải tiến hành cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương để khắc phục những hạn chế, bất cập nói trên”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Trung ương nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sâu sắc, toàn diện các nội dung, vấn đề nêu trong tờ trình, Đề án và dự thảo Nghị quyết của Trung ương; bảo đảm cho cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. 

Hôm qua (11/5), Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bước sang ngày làm việc thứ năm. Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017. Buổi chiều, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng nghiên cứu, góp ý trực tiếp vào văn bản các dự thảo văn kiện của Hội nghị.

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...