Bước ngoặt mới nhờ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
Việc ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân có thể nói là một “bước ngoặt” mới trong công tác PBGDPL trong bối cảnh thực tiễn công tác này thời điểm cách đây 15 năm còn rất nhiều khó khăn.
Trong đó, sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác PBGDPL chưa được tập trung đúng mức; trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác này chưa được xác định cụ thể, rõ ràng nên kết quả đạt được còn thấp so với yêu cầu, sự hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân còn nhiều hạn chế.
Xác định rõ PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chỉ thị 32-CT/TW đã giao trách nhiệm hết sức cụ thể cho các cấp uỷ đảng trong việc lãnh đạo chính quyền các cấp; giao trách nhiệm cho Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn một số cơ quan liên quan trong tổ chức thực hiện công tác PBGDPL. Từ tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư đã tạo sự chuyển động trong nhận thức, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến cả hệ thống chính trị.
Đến nay sau 15 năm nhìn lại, công tác PBGDPL đã có những chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực. Tại Hội nghị tổng kết mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị 32-CT/TW đã “đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW trong 15 năm qua”.
Sự nỗ lực đó thể hiện trước tiên, đó là nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đã được nâng lên. Thể chế, chính sách của công tác PBGDPL được hoàn thiện; Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL từng bước được cải thiện, nâng cao, bảo đảm ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao trong quản lý cũng như các hoạt động chuyên môn.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị |
Tiếp đến, là nguồn lực tài chính cũng như các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ những người làm công tác PBGDPL từng bước được bảo đảm. Việc huy động các nguồn lực tham gia công tác PBGDPL đã được chú trọng và ngày càng có hiệu quả thiết thực.
Đáng chú ý, sau 15 năm, sự đổi mới tích cực trong nội dung và hình thức tuyên truyền được cán bộ, nhân dân cảm nhận rất rõ ràng. PBGDPL giờ đây không phải là “nói những gì mình có” mà bám sát nhu cầu xã hội theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu của từng đối tượng, địa bàn; nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương.
Hiệu quả từ sự “chung tay” của cả hệ thống chính trị
Cũng chưa thấy bao giờ, hình thức PBGDPL lại phong phú, đa dạng và sáng tạo như hiện tại. Từ các hình thức truyền thống như hội nghị, tọa đàm, cấp phát tài liệu đến những mô hình mới, sáng tạo, hấp dẫn như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, phổ biến pháp luật qua sinh hoạt các Câu lạc bộ, qua trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở, PBGDPL qua các thiết chế khác… đều đã phát huy thế mạnh ở mỗi địa phương, mỗi thời kỳ, hoàn cảnh đã làm sinh động hơn bức tranh PBGDPL.
Thật mừng khi nói rằng PBGDPL giờ đây đã là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, vì cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Tư pháp cũng đã chủ động tích cực hơn trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện. Hội đồng PBGDPL các cấp cũng phát huy vai trò liên kết sức mạnh các thành viên. Từ Trung ương đến cơ sở, lực lượng những người làm PBGDPL ngày đông đảo, hoạt động hiệu quả…
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được tăng cường; tình hình vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật có chiều hướng ngày càng giảm; nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Qua tổng kết 15 năm cũng cho thấy nhận thức, sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt của người đứng đầu là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong triển khai thực hiện Chỉ thị 32/CT-TW cũng như trong công tác PBGDPL nói chung. Do đó, đây cũng là một trong những giải pháp hàng đầu để triển khai hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
15 năm khép lại với nhiều thành công cũng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu mới trong công tác PBGDPL. Nhận định rõ tình hình để chủ động có những giải pháp phù hợp sẽ góp phần đưa công tác PBGDPL ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định, việc tổng kết, đánh giá 15 năm Chỉ thị số 32 tại thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Trung ương đang tiến hành tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Kết quả tổng kết Chỉ thị số 32 sẽ góp phần vào việc đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư những định hướng, chính sách, giải pháp tổng thể nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cải cách tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật.