Tham dự buổi lễ có Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình; Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Hoàng Văn Liên; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNCTC) Nguyễn Huy Tiến; Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết, các nước có nền khoa học công nghệ phát triển đã chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp. Từ cung cấp dịch vụ hành chính tư pháp trực tuyến; tống đạt điện tử; cung cấp, tiếp nhận chứng cứ điện tử, trực tuyến… đến xét xử trực tuyến đều được các quốc gia này thực hiện một cách thường xuyên và dần thay thế hoạt động tố tụng truyền thống.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, thời gian qua tình hình dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, do đó Toà án tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.
Sự ra đời của Nghị quyết số 33/QH15 về tổ chức phiên toà trực tuyến góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên toà; góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Toà án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Toà án điện tử.
Vì vậy, trên cơ sở các quy định về tổ chức phiên toà trực tuyến, Chánh án Nguyễn Hoà Bình đề nghị, các đồng chí Lãnh đạo, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký tại các Toà án nghiên cứu, tổ chức triển khai thi hành Nghị quyết đúng quy định và hiệu quả.
Tại Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đã giới thiệu toàn văn Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội khoá XV về tổ chức phiên toà trực tuyến. Theo đó, TAND được tổ chức phiên toà trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng (trừ các trường hợp được nêu tại Điều 1 Nghị quyết số 33/2021/QH15).
Phiên toà trực tuyến là phiên toà được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên toà tại địa điểm ngoài phòng xử án do Toà án quyết định nhưng vẫn đảm bảo trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên toà bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai vào cùng một thời điểm. Được biết, Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
Cũng trong sáng 15/12, TANDTC chủ trì phối hợp với Viện KSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp ký kết Thông tư liên tịch về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên toà trực tuyến”. Được biết, quá trình nghiên cứu, soạn thảo dự thảo Thông tư liên tịch, TANDTC đã thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều 110 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng dự thảo, tổ chức họp lấy ý kiến các cơ quan liên quan; tiếp thu chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo...
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Thông tư liên tịch có 04 Chương và 16 điều với các quy định cụ thể để triển khai phiên tòa trực tuyến được đảm bảo các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Thông tư cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan liên quan và việc tổ chức thực hiện.