Theo ban tổ chức, Lễ ký kết giữa Viện Đào tạo và Chuyển giao Công nghệ V-Connect, Công ty Cổ phần Nhân lực và xúc tiến thương mại Việt Nam (HR Vina JSC) và Tập đoàn Hoffman (Đức) là bước ngoặt trong đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên và người lao động Việt Nam.
Tham dự có ông Michael Conrad - Giám đốc điều hành, ông Thomas Schlegtendal - Giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Hoffman, bà Tuyết Lücker - Giám đốc điều phối của Dự án tập đoàn Hoffmann tại Việt Nam. Về phía Viện Đào tạo và chuyển giao công nghệ V-Connect có ông Hoàng Văn Quang - Viện Trưởng, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Giám đốc đối ngoại và đại diện văn phòng tuyển sinh các tỉnh của Viện.
Tại buổi ký kết hợp tác, hai bên thống nhất về việc hợp tác để đưa học sinh, sinh viên có nhu cầu sang du học, chuyển đổi văn bằng và làm việc tại CHLB Đức theo quy định của Pháp luật hai nước. |
Tại buổi ký kết hợp tác, hai bên thống nhất về việc hợp tác để đưa học sinh, sinh viên có nhu cầu sang du học, chuyển đổi văn bằng và làm việc tại CHLB Đức theo quy định của Pháp luật hai nước. Viện Đào tạo và chuyển giao công nghệ V-Connect và Công ty HR Vina tư vấn cho học sinh, sinh viên Việt Nam theo học các ngành nghề phù hợp tại Đức.
Trong đó, các khối ngành ưu tiên như điều dưỡng (y tá, đa khoa, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, làm đẹp), kỹ thuật (cơ khí, xây dựng, điện, điện tử, công nghệ thông tin), khách sạn nhà hàng (dịch vụ ăn uống, đầu bếp)… Về phía Tập đoàn Hoffmann, các chuyên gia phía Đức sẽ hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học viên tham gia chương trình.
Đại diện Tập đoàn Hoffmann dự báo đến năm 2025, rất nhiều người sinh sau Thế chiến thứ Hai ở Đức sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Đến năm 2035, Đức cần hơn 7 triệu lao động thay thế.
“Việc thiếu hụt lao động là vấn đề rất lớn đối với nước Đức. Hoffman là tập đoàn lớn của nước Đức đa ngành nghề gồm 6 công ty lớn thành lập được hơn 30 năm. Thế mạnh là sản xuất và cung cấp thiết bị y tế, cung ứng nhân lực chất lượng cao... Do đó, việc ký kết chiến lược sẽ hứa hẹn rất nhiều cơ hội cho học sinh, sinh viên và người lao động Việt Nam được sang Đức để học tập và làm việc”, đại diện Tập đoàn Hoffmann cho hay.
Sau buổi Lễ ký kết, đoàn đã đến thăm và làm việc tại Viện Công nghệ Thông tin T3H, Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Điều dưỡng Nam Định. Tại các đơn vị, đoàn đã trao đổi với lãnh đạo các đơn vị về nhu cầu nhân lực của Đức trong những năm tới và mong muốn được hỗ trợ đưa sinh viên của đơn vị sang Đức làm việc…
Vừa qua, trong hội đàm giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Đức, ngài Frank-Walter Steinmeier, Chủ tịch nước đề nghị phía Đức tiếp tục hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Quan hệ về hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước được bắt đầu từ năm 1990, hằng năm Đức đã cung cấp nhiều học bổng Thạc sĩ, Tiến sĩ và tiếp nhận hàng nghìn học sinh Việt Nam sang học nghề tại Đức.
Sau hội đàm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Steinmeier chứng kiến lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về lao động di cư giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Lao động và Xã hội Liên bang Đức. Việc ký bản ghi nhớ này cho thấy hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia dành sự quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực lao động, việc làm.