Biến một sự việc tranh chấp thành viên công ty thành sự kiện “gây rối trật tự công cộng” để bắt oan và giam giữ trái pháp luật người không liên quan.
Biến tranh chấp thành gây rối…
Vừa qua, Công an tỉnh Tiền Giang đã công bố quyết định tạm đình chỉ 3 sỹ quan cao cấp của đơn vị này, trong đó có Đại tá Ngô Thanh Phong, Thượng tá Nguyễn Văn Nên và Thiếu tá Nguyễn Văn Út để kiểm điểm làm rõ sai phạm liên quan đến những vụ án mà các sỹ quan này đã thụ lý cách đây nhiều năm. Vậy những cá nhân trên đã “sai phạm” những gì, mức độ như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Nên bị tố cáo vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Gas Bình Dương cách đây 7 năm. Những người tố cáo ông Nguyễn Văn Nên chính là những người bị khởi tố, bắt giam trái pháp luật. Ông Nguyễn Văn Nên là người trực tiếp thi hành các lệnh bắt và thực hiện việc tiến hành tố tụng đối với họ.
Công ty TNHH Gas Bình Dương do các ông Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Viết Tạo, Nguyễn Đức Bình và Phạm Văn Hướng thành lập, có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Khu công nghiệp Đồng An do Công ty cổ phần Hưng Thịnh là chủ đầu tư.
Ông Đỗ Cao Bằng và Phạm Văn Hướng là cổ đông của Công ty cổ phần Hưng Thịnh. Năm 2000, giữa các thành viên của Công ty Gas Bình Dương có tranh chấp vì các ông Bằng, Bình, Hướng cho rằng ông Tạo có gian lận tài chính. Vì thế, các thành viên của Công ty Gas Bình Dương đã kiện nhau ra tòa án để giải quyết.
Trong lúc tòa án thụ lý vụ kiện thì ngày 18/9/2000, ông Bằng, Bình dẫn một số người đến trụ sở Công ty Gas Bình Dương để giữ tài sản Công ty, không cho ông Tạo “tẩu tán”. Về phía ông Tạo cũng báo cho Công an xã Bình Hòa và Công an huyện Thuận An đến để giải quyết sự việc. Theo biên bản lập cùng ngày, đây là việc tranh chấp các thành viên của công ty, không có xảy ra xô xát.
Trong Biên bản, ông Bùi Mạnh Lân, Giám đốc Công ty Hưng Thịnh ghi rõ, khi nghe tin báo có hiện tượng gây mất trật tự trong khu công nghiệp, tại trụ sở Công ty Gas Bình Dương, ông đã đến nhưng không thấy có hiện tượng gây rối ở đây. Vì vậy, ngay lúc đó cơ quan chức năng cũng đã giải tán những người có mặt để tránh sự việc gây mất trật tự công cộng xảy ra.
Sự việc rất rõ ràng như vậy nhưng 3 năm sau, năm 2003, khi Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Trương Văn Cam (Năm Cam) và đồng bọn, ông Nguyễn Văn Tạo đã tố cáo các ông Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình, Phạm Văn Hướng và Bùi Mạnh Lân là “chân rết” của Năm Cam đã gây ra vụ “gây rối trật tự công cộng” ngày 18/9/2000. Thậm chí, trong báo cáo đề xuất bắt ông Phạm Văn Hướng và Bùi Mạnh Lân, Cơ quan Điều tra nại ra rằng hai ông “có ý định bán nhà, bán cổ phần để tẩu tán tài sản, có ý định bỏ trốn”.
Vì thế, ngay lập tức, ngày 30/4/2003 ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng đã bị “bắt khẩn cấp” để điều tra vụ “gây rối trật tự tại Công ty Gas Bình Dương”. Cơ quan Điều tra Bộ Công an ủy quyền cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tiền Giang thực hiện việc điều tra “vụ án” xảy ra tại tỉnh Bình Dương. Vụ việc do ông Nguyễn Văn Nên trực tiếp thực hiện.
Không được phê chuẩn cũng giam người
Sau khi bắt tạm giữ đối với ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng, những người thực hiện việc bắt giữ đã báo cáo vụ việc với VKSND tối cao và đề nghị phê chuẩn lệnh tạm giam đối với hai ông. Nhưng đến ngày 28/5/2003, khi đã hết thời hạn tạm giữ theo quy định, VKSND tối cao vẫn từ chối phê chuẩn lệnh tạm giam vì lý do “ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng không đồng phạm với ông Đỗ Cao Bằng gây rối trật tự công cộng”. Thế nhưng, Cơ quan điều tra vẫn không trả tự do cho ông Lân và ông Hướng.
Điều 303. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn không ra quyết định hoặc không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. |
Trong vụ việc này, chính ông Nguyễn Văn Nên là người ký lệnh bắt khẩn cấp đối với ông Phạm Văn Hướng và ông Bùi Mạnh Lân. Sau đó, ngày 11/6/2003, chỉ có ông Bùi Mạnh Lân được VKSND tối cao “miễn cưỡng” phê chuẩn lệnh tạm giam 3 tháng, VKSND tối cáo tiếp tục nói “không” với việc giam ông Phạm Văn Hướng. Nhưng ông Nguyễn Văn Nên vẫn giam ông Hướng đủ 69 ngày không lệnh mới được tha.
Đối với ông Bùi Mạnh Lân, khi VKSND tối cao hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với ông, thì ông Nguyễn Văn Nên không thực hiện lệnh này mà vẫn giam tiếp tục giam ông thêm 5 ngày vì lý do “để điều tra vụ việc liên quan đến việc chiếm đoạt 23.383m2 đất của bà Huỳnh Thị Thu”. Sau này, chính bản thân ông Nguyễn Văn Nên cũng phải thừa nhận việc “chiếm đoạt” này là một tranh chấp dân sự (bản thân ông Nguyễn Văn Nên cũng có dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn…” khi nhúng tay vào việc giải quyết tranh chấp này trong thời gian giam giữ ông Bùi Mạnh Lân).
Ngày 16/8/2004, VKSND tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án “gây rối trật tự công cộng” tại Công ty Gas Bình Dương và đình chỉ điều tra đối với các bị can bị khởi tố và bắt tạm giam vì đây là một tranh chấp thành viên công ty đã được tòa án giải quyết xong. Đặc biệt là ông Bùi Mạnh Lân không hề liên quan đến sự việc đưa người ngoài vào trụ sở Công ty Gas Bình Dương.
7 năm trôi qua, việc ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng bị oan và bị giam trái pháp luật đã rõ nhưng chưa thấy người trước đây đứng ra “chịu trách nhiệm trước pháp luật” bị xử lý gì còn ông Nguyễn Văn Nên thì mới bị tạm đình chỉ công tác để “xem xét trách nhiệm” còn trách nhiệm gì cụ thể thì chưa rõ.
Bắt, giam giữ người trái pháp luật là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp. Việc tạm giam trái pháp luật đối ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng đã vi phạm pháp luật ở mức độ nào? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Việt Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trí Việt về vấn đề này. * Thưa ông, khi VKS chưa phê chuẩn lệnh tạm giam thì Cơ quan điều tra có được tạm giam bị can không? - Theo quy định tại Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì thẩm quyền ra lệnh tạm giam là VKSND các cấp. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được quyền ra lệnh tạm giam nhưng chỉ được thực hiện lệnh tạm giam khi lệnh đó được VKSND cùng cấp hoặc VKSND cấp trên phê chuẩn. Nói một cách khác, quyết định tạm giam chỉ có hiệu lực và chỉ được thực hiện khi lệnh đó do VKS ra lệnh hoặc phê chuẩn. Những quyết định tạm giam không được VKS phê chuẩn đều không thể thực hiện được vì không có giá trị pháp luật. * Trong trường hợp đã giam giữ 1 tháng nhưng sau đó VKS mới phê chuẩn thì thời gian giam giữ khi quyết định tạm giam chưa được phê chuẩn có đúng pháp luật không, thưa ông? - Theo quy định của pháp luật, quyết định tạm giam phải được giao ngay cho người bị tạm giam. Khi Cơ quan điều tra tạm giam mà chưa có quyết định được phê chuẩn của VKS thì đương nhiên không thể giao quyết định đó cho bị can được. Quyết định phê chuẩn chỉ có giá trị từ thời điểm ra quyết định chứ không thể có giá trị ngược trở lại trước thời điểm phê chuẩn 1 tháng được. Nếu sau 1 tháng tạm giam mà VKS lại phê chuẩn quyết định tạm giam từ thời điểm bắt giam trước đó 1 tháng đồng nghĩa với việc VKS đã hợp thức hóa 1 tháng giam giữ trái pháp luật đối với bị can. Như vậy, bản thân VKS cũng làm trái pháp luật. * Thưa ông, việc tạm giam bị can khi không được VKS phê chuẩn, không thực hiện quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn của VKS đã vi phạm quy định nào của pháp luật? * Xin cảm ơn ông!