Chiến dịch gài bẫy của FBI
Giữa năm 2005, FBI nhận được mật báo rằng hạ nghị sĩ Dân chủ William Jefferson có dính líu tới một đường dây hối lộ, rằng đã có một khoản tiền 400.000 USD được chuyển cho một công ty mang tên vợ và 5 cô con gái của ông.
Nơi trả tiền là công ty iGate Inc có trụ sở ở Louisville bang Kentucky. Để đáp lại, ông Jefferson sẽ thuyết phục quân đội Mỹ thử nghiệm một công nghệ băng thông rộng hai chiều của iGate.
Ngoài ra, ông Jefferson cũng hứa sẽ gây ảnh hưởng với các quan chức cấp cao Nigeria, Ghana và Cameroon cũng như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ để hỗ trợ cho các hợp đồng làm ăn của iGate với các quốc gia nói trên.
Chiến dịch gài bẫy của FBI xem ra rất kỹ càng. Hôm 30/7/2005 một nữ doanh nhân Mỹ đang đầu tư tại Nigeria hẹn gặp ông Jefferson tại khách sạn Ritz-Carlton ở Arlington, Virginia. Nữ doanh nhân mang theo trong người, ngoài một chiếc ví da đựng 100.000 USD bằng giấy bạc mệnh giá 100 USD, máy ghi âm cực nhạy, có khả năng lọc tạp âm. Để cho chắc chắn hơn, FBI bí mật sắp đặt máy quay video từ cả 4 phía.
Bà Mody hợp tác với FBI sau khi cho rằng bị iGate lừa: Bà đã bỏ ra 3,5 triệu USD để mua bản quyền của công nghệ băng thông rộng nhưng bị giám đốc công ty này trở mặt.
Thông qua Brett Pfeffer - một cựu trợ lý của Jefferson – bà tiếp cận được với ông ta. Trong một cuộc nói chuyện bị ghi âm, ông Jefferson cho bà Mody biết một quan chức cao cấp Nigeria sắp sang Washington và có thể lấy lòng ông ta bằng cách bơm tiền vào một tổ chức từ thiện do vợ ông ta đứng đầu.
Tuy các báo cáo của FBI không ghi rõ tên quan chức Nigeria này nhưng người ta có thể biết đó chính là Phó Tổng thống Atiku Abubakar còn vợ của ông ta điều hành một quỹ ủng hộ bệnh nhân AIDS.
Nghị sĩ William Jefferson và vợ |
Ông Jefferson nói vị quan chức này đòi chia 50% lợi nhuận kinh doanh tại Nigeria và cần ngay 500.000 USD. Ba tháng sau, bà Mody đồng ý ứng trước 100.000 USD.
Kết thúc cuộc hẹn, FBI có trong tay băng hình ghi lại cảnh ông nghị sĩ nhận từ tay nữ doanh nhân một ví tiền mà số serie của những tờ 100 USD trong đó đã được FBI lưu lại. Hiển nhiên là số tiền tìm thấy trong tủ lạnh nhà ông Jefferson có số serie hoàn toàn trùng với serie của số tiền trong chiếc ví bà Mody đưa cho ông ta.
Bản án 13 năm tù cho nghị sỹ bê bối
Lúc này, nước Mỹ chuẩn bị vào cuộc cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ nhằm thay thế một nửa số nghị sĩ. Những tưởng với những chứng cứ đã có, ông Jefferson sẽ rời khỏi đồi Capitol, nhưng sự đời không đơn giản: Cuối năm 2005, ông lại tái đắc cử hạ nghị sĩ và người “hy sinh” trước tiên là các trợ lý của ông.
Tháng 1/2006 ông Pfeffer, một cựu trợ lý của ông Jefferson và nay là chủ tịch một công ty đầu tư ở bang Virginia đại diện cho iGate, khai trước tòa rằng công ty của ông đã đứng ra thu xếp thực hiện các yêu cầu của sếp cũ:
Con gái của ông Jefferson được giao làm quản lý công ty đầu tư với mức lương 5.000 USD/tháng, gia đình ông có 5-7% cổ phiếu trong công ty internet được thành lập tại Nigeria. Kết quả, ông Pfeffer bị tòa án két tội trợ giúp hối lộ viên chức nhà nước.
Giám đốc của iGate là Vernon Jackson cũng bị án tù 7 năm 3 tháng về tội đưa hối lộ ít nhất 400.000 USD (con số ban đầu là 1 triệu).
Tuy chưa “sửa lưng” được nghị sĩ Jefferson nhưng FBI cho rằng chuyện nhận hối lộ của ông ta không phải chỉ có một lần. Người ta sẽ đặt dấu hỏi khi mà cả 5 cô con gái của ông Jefferson đều đã từng hoặc đang học tại các trường tư danh giá nhất – và cũng đắt đỏ nhất nước Mỹ.
Ba cô gái lớn đã có chồng là Jamila, Jalila và Jelani đều học trường Harvard College hoặc Trường Luật Harvard nơi mà ngày xưa cha họ cũng nhận bằng luật học.
Con gái thứ 4 là Nailah - một nhà làm phim tài liệu cũng tốt nghiệp Đại học Boston và sau đó là Emerson College. Còn con gái thứ 5 Akilah sau khi học xong Đại học Brown lại xin vào trường Y của Đại học Tulane.
Người ta phát hiện trong những năm 2001-2003 nhiều tờ chi phiếu do công ty ANJ (ghép chữ cái đầu tên của vợ và 5 con gái của ông Jefferson) chuyển trả tiền học phí cho các con gái của ông, chi phiếu ít nhất cũng 2.500 USD, cao nhất là 33.000 USD. Trong cuộc nói chuyện với bà Mody, ông Jefferson than thở rằng ông đâm ra nghèo vì phải trả tiền học cho các con gái.
Đầu năm 2006, các luật sư của ông Jefferson đã tính tới khả năng dàn xếp để ông nhận tội thế nhưng sau đó ông thay luật sư và cương quyết khẳng định mình vô tội, bác bỏ mọi cáo buộc từ phía các nhà điều tra.
Không chịu lùi bước, gần một năm sau, FBI quyết định “chơi rắn” với hạ nghị sĩ Jefferson. Tối thứ bảy 20/5/2006, một nhóm 15 nhân viên FBI đã tiến hành lục soát phòng làm việc của ông trong tòa nhà Rayburn của Hạ viện Mỹ trong suốt 18 giờ đồng hồ. Đây là lần đầu tiên FBI lục soát văn phòng của một nghị sĩ Quốc hội liên bang.
Nghị sĩ Mỹ giấu tiền hối lộ trong ngăn đá tủ lạnh |
Sự vệc này dẫn tới một cuộc đối đầu gay gắt giữa Quốc hội với chính quyền. Ông Jefferson kiện FBI ra tòa án liên bang, Chủ tịch Hạ viện nghị sĩ Cộng hòa Dennis Haster và thủ lĩnh phe thiểu số Dân chủ Nancy Pelosi ra một tuyên bố chung hiếm hoi đòi FBi phải trả lại các tài liệu họ thu giữ trong khi khám xét văn phòng ông Jefferson.
Phe Dân chủ coi việc khám xét văn phòng nghị sĩ là hành động vi hiến. Căng thẳng giữa đôi bên lên tới cực đỉnh khi Bộ trưởng Tư pháp Alberto Gonzales, Giám đốc FBI Robert Muller hăm dọa từ chức nếu bị đòi trả lại tài liệu cho ông Jefferson. Để trả đũa, hạ viện đòi xét lại ngân sách của Bộ Tư pháp.
Tình thế buộc Tổng thống Bush phải can thiệp hôm 25/5 bằng cách lệnh cho Bộ Tư pháp niêm phong hồ sơ lấy từ văn phòng ông Jefferson trong 45 ngày và không cho bất cứ ai tiếp cận chúng.
Hôm 10/7 thẩm phán Thomas Hogan tuyên bố rằng việc FBI khám xét văn phòng của ông Jefferson là hợp pháp, trong lúc đó theo kết quả thăm dò dư luận của ABC, 86% người dân Mỹ được hỏi ý kiến ủng hộ quyền của FBI được khám xét văn phòng quốc hội nếu có trát của tòa.
Cuối cùng thì phe Dân chủ đã thấy cần phải thoát khỏi vụ bê bối này. Hôm 24/5 bà Nancy Pelosi công khai đề nghị ông Jefferson rút lui khỏi tiểu ban An sinh Xã hội Hạ viện nhưng ông ta từ chối bởi vẫn được sự ủng hộ của Chủ tịch nhóm nghị sĩ da đen Mel Watt ủng hộ. Ông ta chỉ bị truất khỏi chức vụ này tại một phiên họp của Hạ viên hôm 16/6.
Mãi một năm sau, tức hôm 4/6/2007 ông Jefferson mới chính thức bị truy tố về 16 tội nhưng ông ta phủ toẹt tất cả. Ông Jefferson nói rằng số tiền 90.000 USD tìm thấy trong tù lạnh nhà ông là do FBI đưa để ông trao cho Phó tổng thống Nigeria nhưng ông đã không làm vậy.
Đúng 4 năm sau khi vụ án bắt đầu, ông Jefferson- lúc này đã thất cử nghị sĩ mới ra tòa. Hôm 5/8/2009 ông ta bị bồi thẩm đoàn 12 người tuyên bố phạm 11 trong số 16 tội bị truy tố.
Hôm 13/11/2009 ông Jefferson bị kết án 13 năm tù, mức án tù cao nhất từ trước đến nay dành cho một nghị sĩ về tội hối lộ. Các nỗ lực chống án của ông đều thất bại và vị cựu nghị sĩ này sẽ ra tù vào ngày 30/8/2013...