Tuyên án trên cơ sở kết luận khoa học
Gần 20 năm gắn bó với ngành Tòa án, nhưng với Thẩm phán Nguyễn Thành Nhân, Chánh án TAND huyện Thạch Hà, một trong những vụ ông từng thụ lý đáng nhớ nhất là phiên tòa dân sự “Tranh chấp vật nuôi”.
Nguyên đơn trong vụ án là ông Hải (ngụ xã Lưu Vĩnh Sơn), bị đơn là ông Cường (ngụ xã Thạch Xuân). Gia đình ông Hải có 9 con bò, được nuôi thả ở khu vực Đá Dóc, xã Lưu Vĩnh Sơn. Tối 7/5/2020, sau khi lùa bò về, ông thấy mất 3 con (2 bò cái và 1 con bê). Thời điểm bị mất, một con bò đã mang thai gần 9 tháng.
Đến ngày 12/5/2020, con trai ông Hải thấy 3 con trong số đàn bò của ông Cường có nhiều điểm tương đồng với vật nuôi của gia đình nên gọi điện báo cho bố. Sau khi quan sát và cho rằng đó là bò nhà mình, ông Hải làm đơn khởi kiện, đòi ông Cường trả lại 4 con bò gồm 2 con bò cái, 1 bê và 1 me cái (ông Hải cho rằng được sinh ra trong thời gian ông Cường nuôi giữ). Tổng giá trị 4 con vật được định giá gần 39,9 triệu đồng.
Tại phiên tòa, ông Hải đã trình bày cụ thể về thời điểm, số lượng mất, đặc điểm nhận dạng... của vật nuôi trùng khớp với các biên bản làm việc từ trước. Trong đó, xuất hiện một chi tiết vô cùng “đắt giá”, lỗ tai bên phải của 1 trong 2 con bò cái có bấm một lỗ tròn và cắt thẳng xuống theo chiều tai dài 4-5cm. Vết tích này do ông Hải dùng ghim sách vở gắn với ống kim loại bấm để đánh dấu.
Về phía bị đơn, khai gia đình ông có 23 con bò nuôi thả tại Khu bảo tồn Kẻ Gỗ, Thạch Xuân; có 2 con bị mất từ thời điểm 18/1/2020 (âm lịch) đến tháng 3 (âm lịch). Trong đó, một con bò cái sinh thêm 1 con bê đực, tổng cộng gia đình ông Cường tìm lại được 3 con bò.
Tại buổi kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ngày 2/7/2020, ông Cường đã thay đổi lời khai về nguồn gốc con bê đực, là được con bò cái thứ 2 sinh vào khoảng 24 - 27/12/2019 (âm lịch). Ngoài ra, con bò cái thứ nhất còn sinh thêm được một con bê cái, tính đến ngày 2/7/2020, con bê này được 1 tháng tuổi.
Để giải quyết tranh chấp, cơ quan chức năng đã tiến hành giám định ADN cho bò bằng cách lấy mẫu của bò cái được ông Cường nuôi giữ và con me của nhà ông Hải. Kết quả, hai con vật này có quan hệ huyết thống mẹ con với xác suất hơn 99%. Từ đó, đủ cơ sở xác định 4 con vật thuộc sở hữu của ông Hải.
Sau quá trình xét xử sơ thẩm vào ngày 19/8/2020, TAND huyện Thạch Hà tuyên buộc ông Cường trả lại 4 vật nuôi cho ông Hải. Trường hợp bị đơn làm mất hoặc gây thiệt hại đối với 1 trong 4 vật nuôi, phải đền bù bằng tiền trị giá tương ứng với mỗi con bị mất. Cùng với đó, nguyên đơn có nghĩa vụ trả cho bị đơn hơn 2,4 triệu đồng tiền công chăn dắt và 1/2 giá trị con bê cái mới sinh (tương đương 1 triệu đồng). Ngoài ra, ông Cường phải hoàn trả cho ông Hải 7,5 triệu đồng chi phí giám định ADN.
Hết duyên vợ chồng, đòi chia cá dưới ao
Mới đây, TAND huyện Thạch Hà cũng vừa hòa giải thành công vụ ly hôn của cặp vợ chồng ở xã Tân Lâm Hương. Theo Thẩm phán Nguyễn Khắc Hoàn, Phó Chánh án TAND huyện, đây là vụ án hy hữu, ngoài liên quan đến quyền nuôi dưỡng con, cả nguyên đơn và bị đơn yêu cầu tòa phải cho tát ao bắt cá để chia đôi tài sản.
Trụ sở TAND huyện Thạch Hà. |
Cụ thể, đầu 2022, Tòa tiếp nhận đơn khởi kiện của người vợ về việc yêu cầu giải quyết ly hôn với chồng. Trong quá trình hòa giải, ngoài việc đưa ra yêu cầu liên quan đến quyền nuôi dưỡng con, người vợ đề nghị tòa phân chia khối tài sản chung mà vợ chồng tạo lập được gồm đất, nhà ở và một thửa đất thuê của Nhà nước để nuôi trồng thủy, hải sản. Với phần tài sản thuộc đất thuê, theo người vợ, có một lượng cá trong hồ.
Trong khi người vợ yêu cầu chia đều thửa đất thuê cho 5 thành viên trong gia đình và chia đôi tài sản trên đất cho các bên được hưởng thì người chồng lại kiên quyết bác bỏ. Sau một thời gian không tìm được tiếng nói chung, bất ngờ cả nguyên đơn và bị đơn muốn cán bộ tòa án phải bắt toàn bộ cá nuôi dưới hồ (tài sản trên đất) để đong đếm, phân chia nhằm đảm bảo tính công bằng.
Thẩm phán Hoàn đã phân tích cho cả hai hiểu việc bắt toàn bộ cá trong ao lên sẽ gặp nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện. Không những vậy, chi phí thuê người đánh bắt dự tính rất lớn, có thể lớn hơn giá trị số cá thu được. Ngoài ra, để chia số cá này thì phải thành lập Hội đồng thẩm định giá và phải là những người có chuyên môn.
Trong những buổi hòa giải sau đó, vị thẩm phán vẫn kiên trì giải thích cho đương sự theo phương thức “mưa dầm thấm lâu”. Trước phân tích thuyết phục này, họ dần hiểu ra. Cuối cùng trước khi ra tòa, đôi bên đi đến thống nhất về số lượng cá dưới hồ, cũng như giá bán và hướng xử lý. Cụ thể, các đương sự thống nhất lượng cá dưới hồ là 1 tấn với giá bán là 30.000 đồng/kg. Số tài sản này sẽ được chia đôi cho hai người.
Thẩm phán Hoàn nhớ lại: “Hơn 17 năm công tác trong ngành Tòa án, 7 năm là thẩm phán, trực tiếp xét xử hàng trăm vụ hôn nhân gia đình, song đây là lần đầu tiên tôi gặp tình huống hy hữu như vậy”.