[links()] Không một lời nhắn gửi, anh chồng trầm cảm xách liềm đi làm rồi “một đi không trở lại”. Vụ mất tích này tưởng dần sẽ chìm vào quên lãng, nhưng xóm làng lại một lần nữa ngả nghiêng dư luận khi 11 tháng sau đó người ta gặp lại người mất tích chỉ còn là nắm xương khô nằm trong bụi cây cách nhà chưa đầy 500m.
Lần gặp cuối không lời nhắn gửi
Con đường về thôn Mỹ Phú 2, xã An Hiệp, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) cách quốc lộ 1A chừng 2km quanh co dọc những rặng tre bên dòng suối lớn. Ngôi nhà cấp bốn của vợ chồng anh Đoàn Văn Long (SN 1964) và chị Đặng Thị Hồng (SN 1966) nằm rúm ró bên mặt đường quay mặt ra dòng suối vắng hoe. Trước đây hơn 5 năm, ngôi nhà này vốn êm đềm hạnh phúc như bao nhiêu gia đình khác nhưng ngày xảy ra gia biến ngôi nhà gần như thành nhà hoang.
Người vợ buồn rầu cho biết vợ chồng chị cưới nhau từ 20 năm trước và có hai mặt con, nhà có mấy sào đất làm nông nghiệp, lại trồng thêm la - ghim nên nói chung cũng đủ ăn. Biến cố bắt đầu vào giữa năm 2006, khi anh chồng bắt đầu có biểu hiện bất thường về sức khỏe. Khi vợ chồng dẫn nhau ra thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) khám bệnh thì các bác sỹ chẩn đoán anh có dấu hiệu của bệnh thần kinh nên cho thuốc về nhà điều trị.
Chị Hồng bên hiên nhà |
Dùng thuốc suốt một thời gian dài nhưng bệnh không giảm mà mỗi ngày anh còn có biểu hiện nặng hơn. Thời gian chồng bị bệnh, chị Hồng ngoài làm nông còn tranh thủ thời gian đi mua đồng nát kiếm thêm thu nhập. Rồi cuộc mưu sinh kéo chị với những ngày đi mua bán ở xa nên về trễ, cơm nước không đều, thuốc men không đủ nên bệnh anh không giảm mà mỗi lúc càng thêm trầm cảm.
Những ngày vợ đi vắng, người chồng buồn rầu thường sang hàng xóm tâm sự về sự buồn tủi chết chóc. Một người hàng xóm của nhà nạn nhân thuật lại: “Dường như cái chết cứ ám ảnh anh ấy, có lúc như anh đang nói chuyện với người dưới “cõi âm””. Sợ chồng bệnh nặng, sau đó chị vợ và người nhà đã từng đưa chồng vào sống trong chùa để mong tinh thần anh được tĩnh tâm một thời gian.
Sau một thời gian tĩnh tâm trong chùa, người chồng nhất quyết cho rằng mình đã khỏi bệnh nên nằng nặc xin về, nghe vậy ai cũng mừng cho anh. Ai dè một ngày cuối tháng 8/2006, anh cầm cái liềm nói đi cắt cỏ rồi “biến khỏi mặt đất”, đến chiều cùng ngày và liên tiếp nhiều ngày sau không thấy anh về. Nhớ lại những câu chuyện lảm nhảm ngày xưa anh nói, mọi người sinh nghi nên cả làng đổ đi tìm khắp bờ rẫy hóc ruộng, bụi rậm nhưng không gặp dấu hiệu nào của anh.
Chị vợ kể lại: “Anh ấy đi không nhắn gửi một điều gì, trước đó vài ngày cũng không thấy có dấu hiệu bất thường gì nên không ai biết anh ấy tự sát hay là chán nhà nên đi lang thang”.
Hành trình tìm kiếm khốn khổ
Sau nhiều ngày cả làng tìm kiếm không thấy người mất tích đâu, một số người mê muội trong làng bèn xúi chị đi “coi thầy” và hành trình khốn khổ của người vợ bắt đầu từ đây. Mỗi “thầy” chỉ một vẻ, người chỉ lên núi, người chỉ xuống đồng nhưng không ai tìm thấy anh đâu.
Chị Hồng bức xúc nhất một đối tượng tự xưng là “thầy” ở chợ gần nhà khẳng định “chắc như đinh đóng cột”: “Ông ấy phán chồng tôi còn sống và đến tháng 9 sẽ sẽ về, nếu không về thì “cả nhà chị cứ đến dẹp bàn thờ nhà tôi”. Gia đình nóng ruột chờ đến quá hẹn vẫn chưa thấy ảnh về về, vào coi lại thì ông ấy lại “phán” vì lí do này lí do khác mà chồng tôi “bận” không về được. Mãi sau này mới biết ổng bịp bợm mình để lấy tiền hết lần này đến lần khác”.
Gần một năm sau ngày chồng chị Hồng mất tích, một người trong xã tình cờ đi hái thuốc cho vợ sinh liền nhặt được một chiếc liềm trong bụi cây cách nhà người mất tích khoảng 500m. Nhớ lại câu chuyện trước đây 11 tháng có người hàng xóm cầm chiếc liềm rồi đi mất không quay về nên người hàng xóm này sinh nghi và quan sát xung quanh.
Tìm quanh quẩn, không ngờ trong giữa bụi gai móc mèo rậm rạp gần đó anh thấy có một cái xương sọ với một nhúm tóc. Sợ hãi đến rụng rời chân tay, anh hàng xóm hô hoán báo tin cho mọi người. Khi người cả xóm kéo đến “xúm đen xúm đỏ” quanh hiện trường, người ta phát hiện thêm một ít mẩu xương nữa nằm rời rạc cạnh đó, các mảnh xương lớn có lẽ đã bị nước mưa trôi đi hết.
Di ảnh anh Đào Văn Long, người có cái chết bí ẩn |
Sau khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng cũng đã có mặt để khám nghiệm hiện trường và qua điều tra, xem xét công an đã kết luận chiếc xương sọ, nhúm tóc và những mẩu xương kia chính là của anh Đoàn Văn Long, người đã mất tích bí ẩn cánh đó gần một năm. Chị vợ đã đưa bộ hài cốt này về nhà chôn cất đúng tục tang lễ, ma chay rồi xây cho anh một ngôi mộ khá kiên cố.
Lời đồn “giết” người sống
Người khổ khi chết cũng khổ đến hai lần. Điều không may tiếp tục xảy ra khi 3 tháng sau ngày tìm được xương cốt, một hôm chị vợ đi làm thì trời trở gió làm ngã cây đèn dầu, thế là ngọn lửa bốc lên thiêu rụi bàn thờ, cháy luôn tấm di ảnh của người quá cố và một góc hiên nhà. Cũng may đã có người phát hiện đến dập ngọn lửa giúp, nếu không lửa đã “nuốt” luôn căn nhà.
Cái chết bí ẩn của người đàn ông này từ đó đến nay không chỉ âm thầm trở thành một “chuyện lạ” cho người địa phương rỉ tai nhau mà còn là niềm khổ tâm của người vợ. Sau khi tìm được bộ xương của anh Long, biết anh đã chết là cái chắc nhưng nhiều người cứ thắc mắc vì sao anh lại đi chết mà không có một lời, một chữ nhắn gửi lại vợ con. Và hơn thế làm sao anh lại chui vào được giữa bụi gai móc mèo to rậm như thế.
Người tán xuôi, người tán ngược rồi họ đồn đoán rằng anh bị “ma dẫn”, bị “bà dắt” vào chỗ này. Có người còn đặt ra giả thiết: “Biết đâu anh ấy bị người thân giết rồi giấu xác? Thế nên chỉ chết cách nhà có vài bước chân mà cả gần năm sau mới tìm thấy xác vì người nhà có thể đã cố tình che giấu hiện trường”.
Cái chết bí ẩn của chồng cùng những lời đồn đoán vô căn cứ của thiên hạ khiến những số phận còn sống trong gia đình điên đảo. Nhà vốn đã buồn vì người trụ cột mất đi, nay lại thêm buồn trước những lời bàn độc địa nên cả 3 mẹ con ly tán: Mẹ vào Sài Gòn làm thuê không từ việc gì, từ nhặt cỏ, chặt mía, bán vé số đến phụ hồ; con gái lên Lâm Đồng hái cà phê; thằng con út gửi sang ở nhờ nhà chú…
Những ngày sau Tết Nhâm Thìn tình cờ gặp chúng tôi khi chị đang chuẩn bị hành lý bắt xe đò ngược vào Nam làm thuê, chị lại buồn rầu: “Làm ăn cả năm nhưng không có dư, khập khiễng lắm mới có đủ tiền về xe và làm mâm cơm cúng ngày Tết cho anh ấy. Tôi chỉ mong sao cơ quan chức năng có cách gì đưa ra kết luận chính xác về cái chết bí ẩn của chồng, để mọi người thôi đồn đoán và mẹ con tôi khỏi phải chịu những lời dị nghị”.
Đào Tấn Trực