Con đường Trường Sơn dài 20.000 km đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đưa hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ vào chiến trường. Có một bài hát rằng: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, bên nắng đốt, bên mưa quây”. Câu từ của bài hát cũng chỉ phần nào nói lên được sự khắc nghiệt của thời tiết Trường Sơn với hai mùa rõ rệt: 6 tháng mùa mưa và 6 tháng mùa khô.
Mưa thì triền miên, xối xả, trắng trời, trắng đất. Mưa làm sạt núi, lở đất, nhão nhoét sình lầy. Mấy tháng không có ánh mặt trời, quần áo luôn ướt nhoẹt phải hong lửa cho khô. Nắng thì nóng cháy rát bỏng trong khung cảnh núi đồi trọc lốc không một bóng cây, hố bom chi chít, bụi đỏ quạch, nước hứng từng giọt…
Thời tiết là như vậy, còn bom đạn thì vì đây là con đường huyết mạch để chi viện cho chiến trường miền Nam nên thường xuyên chịu sự đánh phá của bom Mỹ. 20.000km đường Trường Sơn đã hứng 5 triệu tấn bom đạn, nhiều gấp 5 lần tổng số bom được ném xuống trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Có những con sông nước chuyển từ màu xanh sang màu máu đỏ sau những trận bom như ngầm Ta Lê trên Đường 20 Quyết thắng nối Trường Sơn Đông với Trường Sơn Tây.
Nói đến đường Trường Sơn là phải nhắc đến 10 lực lượng đã có mặt trên tuyến lửa bao gồm: Lực lượng cầu đường; thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; vận tải; đường ống xăng dầu, bộ binh; pháp phòng không; giao liên; thông tin; quân y; văn hóa văn nghệ. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân đã hy sinh và hơn 30 triệu người bị thương. 18.000 người phụ nữ đã có mặt trên tuyến lửa ngày ấy với bao sự gian khổ, nỗi đau còn đeo đẳng họ rất lâu sau những ngày hòa bình lặp lại.
Những nỗi đau còn mãi
Nếu ai đã từng nghe câu chuyện của chị Tạ Thị Ngọc Hiền vốn là chiến sĩ nuôi quân của Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh sẽ thấy tim mình tràn ngập sự thương cảm. “Ngày ấy, để theo kịp đồng đội hành quân, tôi ngồi đại xuống đất đi vệ sinh, nhưng không may bị gốc cây nhỏ, sắc nhọn đâm đúng “vùng con gái” đau buốt óc. Sợ rớt lại, tôi nghiến răng rút lên, máu chảy ướt sũng. Vì bị ở vùng kín nên tôi ngượng không dám nói với ai mà cứ nghiến răng chịu đựng nỗi đau âm ỉ. Sau ngày thống nhất, tôi lập gia đình, đêm tân hôn, nỗi đau khủng khiếp đó lại trỗi dậy, ám ảnh. Mặc dù vợ chồng đã có với nhau 3 mặt con tôi vẫn phải ra tòa ly hôn vì tôi không chịu được nỗi đau đó” – chị kể.
Với chị Nguyễn Thị Tỵ, chiến sĩ Viện 211, Quân đoàn 3 Tây Nguyên thì nỗi đau lại hiện diện ở một hình hài khác. Năm 1975, chị Tỵ xuất ngũ trở về quê hương và lập gia đình nhưng không thể có con vì chị bị nhiễm chất độc da cam. Người chồng chị rất thương chị nhưng lực bất tòng tâm. Thương chồng, chị quyết định ly hôn và tự đứng ra cưới vợ cho chồng. Thử hỏi ở trên đời, có người vợ nào làm việc đó mà không đau khổ?
Nương tựa nơi cửa Phật, đó là con đường mà sư thầy Thích Đàm Nhân, trụ trì chùa Trình Lâm, Đông Phú, Đông Hưng, Thái Bình đã quyết định lựa chọn cho mình. “Năm 1976, tôi xuất ngũ trở về địa phương được một thời gian thì bố mẹ mất. Thay bố mẹ, tôi dựng vợ, gả chồng, lo nhà cửa cho bốn đứa em xong thì đã quá lứa, nhỡ thì. Tôi quyết định nói dối các em là vào Nam làm ăn nhưng thực ra tôi vào chùa nương tựa nơi cửa Phật”, sư thầy nhớ lại câu chuyện của mình.
Sư thầy Thích Đàm Nhân |
Với chị Bùi Thị Sự, cựu chiến sĩ của D16 Thông tin, Bộ Tham mưu, thì nỗi gian khổ dường như vẫn còn đeo đẳng mãi. Ra quân, về quê lấy chồng, có với nhau 2 đứa con thì vợ chồng không ở được với nhau nữa. Chia tay, chị nhận nuôi hai con với đôi bàn tay trắng. Ba mẹ con dựng tạm cái lều ở triền đê sông Mã để ở. “Khi con trai tôi lấy vợ, đêm tân hôn hai đứa phải xuống ngủ nhờ trên thuyền chài của ngư dân vì nhà không có chỗ ngủ” – chị tâm sự.
Ngày nào còn thở là còn giúp đồng đội
Khi được gặp các chị, tôi đã hiểu thế nào là “Kiêu hãnh Trường Sơn”. Lớn tuổi, sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều do chiến tranh, bom đạn nhưng các chị vẫn mang trong mình lòng nhiệt huyết, niềm hăng say trong công việc và hơn cả là ý chí, quyết tâm làm đến cùng – ý chí của người chiến sĩ Trường Sơn. Các chị là những anh hùng, cả trong chiến tranh lẫn đời thường.
Khi chiến tranh đã lùi xa, bước ra từ cuộc chiến, các chị lại tiếp tục đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đó là PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu từ nữ bác sĩ chiến trường trở thành Phó Giám đốc Bệnh viện 108, đó là chị Lê Thị Phương Thảo từ nữ TNXP N25 Đoàn 559 trở thành Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh…
Và với các chị, “ngày nào còn thở là còn giúp đồng đội”, thế nên đã, đang và sẽ có những nghĩa cử thật cảm động được các chị thực hiện, san sẻ cho nhau. Chị Bùi Thị Sự, cựu chiến sĩ của D16 Thông tin, Bộ Tham mưu kể sau khi đồng đội biết câu chuyện ba mẹ con ở trong túp lều, con cưới vợ không có chỗ ngủ của chị, các chị em trong Ban liên lạc bộ đội thông tin Trường Sơn đã kêu gọi vận động được hơn 100 triệu, xin xã cấp đất xây nhà cho chị. Ngày nhận nhà, chị Sự nước mắt tuôn rơi trước nghĩa tình ấm áp của đồng đội.
Rời quân ngũ về nhà bao nhiêu năm là cũng chừng ấy năm chị Phạm Thị Báu dành trọn thời gian để chăm sóc mẹ già cùng em trai bị tâm thần. Không có lương hưu, đời sống gia đình chị Báu rất khó khăn. Biết được điều đó, chị Tạ Thị Hạnh đã quyết định tặng đồng đội nguồn lương hưu ổn định lúc tuổi già bằng cách mua bảo hiểm cho bạn. Chị Hạnh đã mua bảo hiểm 20 năm cho chị Báu từ 2 triệu/năm và bây giờ là 6 triệu/năm để giúp bạn.
Là người luôn nặng tình với đồng đội, chị Nguyễn Thị Kỳ, thanh niên xung phong thuộc X334 Đoàn 559, sau khi đã nỗ lực vươn lên để ổn định kinh tế, chị tìm mọi cách giúp đồng đội. “Thương đồng đội còn nhiều khó khăn, hàng năm tôi đều tổ chức tặng quà, ủng hộ các cựu chiến binh còn khó khăn, học sinh nghèo vượt khó, các cháu nhiễm chất độc da cam, xây nhà tình nghĩa… Năm 2017, tôi đóng góp vào Hội Nữ doanh nhân Trường Sơn 100 triệu đồng để giúp đồng đội vay vốn không lãi suất phát triển kinh tế” – chị Kỳ cho biết.
…Có thể nói, cung đường Trường Sơn huyền thoại ngày ấy đã thực sự là thước đo của lòng quyết tâm, sự hy sinh, lòng dũng cảm. Và họ, những nữ thanh niên xung phong thời đó cũng đã trải qua những cảm xúc đến tận cùng yêu thương, căm thù, ám ảnh, mất mát, sợ hãi, kiên cường… để giờ đây, trong hòa bình, bằng những việc làm của mình trong họ vẫn mãi tỏa sáng một niềm kiêu hãnh Trường Sơn.
Huyền thoại của huyền thoại
Trên cung đường Trường Sơn, một người phụ nữ bé nhỏ có thể gùi trên mình những thùng hàng cao hơn người và leo trên những con dốc đứng. Họ phải giữ thùng hàng đó trong nhiều tiếng đồng hồ, trải qua những chặng đường khó khăn, gian khổ mới tới nơi tập kết. Nếu không bằng ý chí và quyết tâm cao, không một ai có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Chị Nguyễn Thị Huân – Tiểu đoàn 232 Cục Hậu cần Quân khu V kể: “Năm 1969, có khẩu pháo nặng gần 100kg, cả 4 đại đội đều không dám nhận do nó cồng kềnh. Tôi đã xung phong đảm nhận, ngày đêm suy tính cách vận chuyển. Tôi lấy một tấm ván làm mặt phẳng, cột khẩu pháo vào và nhờ đồng đội khiêng lên vai. Có hai đồng đội đi theo phát quang đường rừng, làm chỗ vịn khi tôi leo dốc và khi nghỉ. 4 ngày ròng gùi pháo, tôi ăn, nghỉ ở tư thế đứng vì nếu ngồi phải tháo hàng ra sẽ rất khó để nâng lại lên vai”.
Khi nói về đội ngũ nữ chiến sĩ Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã từng thán phục: “Trên chiến trường Trường Sơn, trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại có đội ngũ nữ chiến sĩ Trường Sơn “huyền thoại của huyền thoại” có mặt ở mọi nơi, mọi thời điểm, mọi công tác, mọi binh chủng. Công tác, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mang trên mình khí phách Bà Trưng, Bà Triệu”. “Những con người gang thép” là cụm từ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm Trung đội B3 Đoàn 559 đã dành tặng cho các cô gái vào tháng 3/1973. “Các cô không phải là người thường, ở nơi thế này chỉ có gang thép mới chịu được” - Đại tướng đã nói và đặt tên cho B3 là Trung đội nữ công binh thép.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu