“Số lượng hồ chứa nước không nhiều những nếu có sự cố sẽ gây thiệt hại rất lớn nên nếu không tìm giải pháp đảm bảo an toàn cho các hồ này thì rất gay go” – Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhận định tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn hồ chứa nước diễn ra sáng qua (29/8).
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn Internet |
Vỡ đập cũng vì… “tiền đâu”
Nước ta số lượng đập lớn quy mô nhiệm vụ khác nhau, điều kiện xây dựng khác nhau, chủ đầu tư khác nhau… “nhưng đều tiềm ẩn rủi ro về thiếu an toàn, nhất là các hồ đập lớn lại ở khu đông dân cư” như phản ánh của ông Phạm Hồng Giang (Chủ tịch Hội đập lớn). Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cảnh báo “vừa qua, tuy vỡ đập nhỏ nhưng đều gây hậu quả lớn cho thấy nguy cơ thường đến từ hồ nhỏ vì ít quan tâm và có khó khăn về vốn nên cần nghiên cứu giải pháp. Nên phải rà soát các quy định, quy chuẩn xem đã phù hợp chưa, nếu không nhìn ra tìm giải pháp thì rất gay go”.
Nguyên nhân khiến các hồ chứa nước rơi vào tình trạng xuống cấp là do không đủ kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng vì hồ thủy lợi không có nguồn thu như đối với hồ thủy điện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền nhận định, “Hồ chứa tác động lớn đến thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhưng quản không tốt hiểm họa sẽ khôn lường”.
Còn đại diện UBND tỉnh Gia Lai nhận thấy, “trách nhiệm các ngành trong quản lý hồ chứa sau khi sự cố vỡ đập các ngành còn lúng túng chẳng biết ngành nào phải chịu trách nhiệm vì điều khoản quy định chưa rõ còn chồng chéo”. Tán thành, Chủ tịch Hội đập lớn Phạm Hồng Giang đề nghị, “để tránh sự vênh nhau giữa các cơ quan quản lý cần có ủy ban an toàn về đập để có sự giám sát chung thống nhất kịp thời”.
Ngoài ra, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, công tác quản lý chất lượng xây dựng đập thủy điện nhỏ còn nhiều bất cập do chủ đầu tư đa số là tư nhân, năng lực hạn chế nên ít tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình. Nên nhiều đại biểu đã đề nghị: “Phải xem lại năng lực của các ban quản lý dự án. Nếu dự án không an toàn phải dừng ngay, cố tình vi phạm phải xử lý nghiêm khắc vì vấn đề không chỉ nằm ở thiệt hại tiền của mà ảnh hưởng đến sinh mạng người dân”.
Siết quản lý để tránh “thảm họa sau lưng”
Trước tình trạng “bất an” của các hồ đập hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng kiến nghị, “xác định danh mục các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để sửa chữa, nâng cấp sửa chữa đảm bảo an toàn. Nghiên cứu thành lập bộ phận chuyên trách về quản lý an toàn công trình thủy lợi từ trung ương đến địa phương, thành lập Hội đồng quản lý an toàn đập cho các hồ chứa quan trọng quốc gia và hồ chứa lớn có đông dân cư ở hạ du”. Còn theo đại diện tỉnh Thanh Hóa, Chính phủ cần có chương trình hỗ trợ kinh phí đảm bảo an toàn hồ chứa như kinh phí Nhà nước vẫn rót xuống để nâng cấp hệ thống đê.
Ghi nhận các giải pháp của Bộ, ngành, địa phương để đảm bảo an toàn cho hồ đập, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận xét, “những sự cố vỡ hồ đập mới đây là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý. Hiện nay quản lý nhà nước còn dễ dãi quá nên để lọt những sự cố đáng tiếc xảy ra. Nếu không quản lý tốt không phát triển bền vững được, nếu không làm mạnh mẽ thảm họa rất lớn sẽ đến ngay sau lưng. Trước mắt, sẽ phải dừng 67 dự án, rà soát lại hệ thống VBQPPL về hồ chứa, về an toàn, khi có bất cập là phải điều chỉnh; giao trách nhiệm quản lý an toàn hồ đập cho các cơ quan rõ ràng”. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp với các Bộ, ngành “kiên quyết dừng các dự án không bảo đảm, chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các nội dung dự án, giám sát chặt chẽ quá trình đầu tư…”.
Theo báo cáo đánh giá hiện trạng công trình đầu mối của hồ chứa nước, cả nước có 317 hồ bị hư hỏng, trong đó có 120 hồ trọng điểm cần quan tâm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ 2013, chủ yếu tập trung vào nhóm hồ chứa nhỏ có dung tích trữ dưới 3 triệu m3 nước. Hiện có 25 đập bị thấm ở mức độ mạnh, 9 hồ bị hư hỏng tràn xả lũ, 13 hồ hư hỏng thân ống, 17 hồ thiếu khả năng xả lũ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Các địa phương có hồ xuống cấp gồm Hòa Bình (25 hồ), Quảng Ninh (15 hồ), Hải Dương (17 hồ), Hà Tĩnh (20 hồ), Bình Định (21 hồ), Thanh Hóa (17 hồ), Tổng Công ty cà phê Việt Nam (28 hồ)... Do những hồ đập này đã hư hỏng nặng nên đã gây ra những sự cố đáng tiếc. Năm 2009 sự cố vỡ đập hồ Z20 (Hà Tĩnh) làm trôi đường sắt Bắc Nam một đoạn dài gần 500m, gây tê liệt giao thông đường sắt hàng tháng. Năm 2010 vỡ đập hồ Khe Mơ (Hà Tĩnh), hồ Đội 4, hồ 36 Đắk Lắk, hồ Phước Trung (Ninh Thuận), năm 2013 sự cố sụt lún tại thân đập hồ Bản Muông (Sơn La), vỡ tràng xả lũ hồ Hoàng Tân (Tuyên Quang), vỡ đập dâng Phân Lân (Vĩnh Phúc)… gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân, các tuyến giao thông… |
Huy Anh