Kiến nghị tăng lương cơ sở từ ngày 1/1/2023

Đại biểu Nguyễn Huy Thái phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái phát biểu tại phiên họp.
(PLVN) - Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liệu) và một số đại biểu khác kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định là sáu tháng, thực hiện ngay từ ngày 1/1/2023 thay vì ngày 1/7/2023.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng nay, 27/10, Quốc hội hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) nhấn mạnh một số kết quả nổi bật của năm 2022 như đại dịch COVID-19 được đẩy lùi, kinh tế tăng trưởng ổn định, vốn đầu tư nước ngoài tăng cao, xuất khẩu tăng nhanh, đời sống người dân, an sinh xã hội được bảo đảm.

Tuy còn khó khăn hạn chế nhưng ngành giáo dục, y tế cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng được đảm bảo.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh một số điểm sáng đáng lưu ý như tăng trưởng GDP năm 2022 dự kiến đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra; 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt; lạm phát được kiểm soát; chính trị, xã hội ổn định; công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính vẫn được coi là đột phá chiến lược quan trọng. Công tác này luôn được Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ trên tinh thần từ sớm, từ xa.

Về những hạn chế, đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm, nhiều thủ tục còn rườm rà, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được đảm bảo.

Đời sống của một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động còn khó khăn, nhất là ở cơ sở. “Từ tháng 7/2019 đến nay, tiền lương chậm được điều chỉnh trong khi hàng năm, chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng, làm cho tiền lương thực tế giảm, dẫn tới hiện tượng chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư có tình trạng gia tăng”, đại biểu nói.

Đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) nhấn mạnh, thời gian gần đây, nhất là khi lương tối thiểu vùng được Chính phủ quyết định tăng thì giá cả mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, sách giáo khoa, xăng dầu, viện phí, học phí… tăng liên tục trong khi tiền lương thực tế của cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2019 đến nay chưa tăng.

Lương tối thiểu vùng của người lao động tăng không cao, chỉ 6%, thấp hơn nhiều so với chỉ số trượt giá và tốc độ tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống vật chất của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương, gây tâm lý lo âu cho nhóm đối tượng này.

Đại biểu Thái Thu Xương phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Thái Thu Xương phát biểu tại phiên họp.

Từ ý kiến, nguyện vọng cử tri và cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu kiến nghị phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế và giáo dục để đủ sức phục vụ cho nhân dân.

“Cử tri và cán bộ, công chức, viên chức rất vui mừng khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt. Theo ý kiến của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức, đề xuất Chính phủ tăng lương từ ngày 1/1/2023 vì theo phương án trình của Chính phủ là ngày 1/7/2023 thì khoảng cách giữa hai lần tăng lương là bốn năm”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, cần kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng. Nếu như vậy thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn. Tha thiết mong Chính phủ đưa ra quyết định hết sức phù hợp”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cũng cho hay, thông tin Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và cộng đồng.

“Sau gần ba năm tập trung toàn lực chống dịch, cử tri, nhân dân và những người làm công ăn lương thấu hiểu sâu sắc rằng gánh nặng ngân sách không thể gồng gánh khoản chi phí khổng lồ cho việc tăng lương hàng năm trong giai đoạn dịch giã. Do vậy, lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn của Chính phủ, với mức tăng được đề xuất là khoảng 20,8%. Việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sự chịu đựng của ngân sách và đây là điều rất đáng trân trọng”, đại biểu nói.

“Tuy nhiên, để cho niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn và cũng là để nhanh chóng bù đắp những trượt giá trầm trọng của đồng lương eo hẹp bấy lâu nay, từ những kiến nghị của rất nhiều cử tri, tôi xin trân trọng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định là sáu tháng, thay vì thực hiện từ 1/7/2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 1/1/2023.

Chắc chắn rằng đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những người làm công ăn lương đã gần ba năm qua gồng mình chống chọi và nguồn sống bị bào mòn bởi đại dịch toàn cầu, cử tri đang rất trông mong đề xuất này được Quốc hội và Chính phủ chấp nhận”, đại biểu Nguyễn Huy Thái nói thêm.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) cũng đề nghị thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức; xem xét và cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương để góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương./.

Đọc thêm

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.