Thực tiễn tổ chức thực hiện Nghị quyết 48 – NQ/TW và Nghị quyết 49- NQ/TW cho thấy: nhiều định hướng, chủ trương, giải pháp cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính đúng đắn nhưng không thể thực hiện được do bị giới hạn bởi các quy định của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001).
Thu hẹp diện bỏ phiếu tín nhiệm?
Dự thảo báo cáo của Chính phủ sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 48 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 dự kiến kiến nghị Bộ Chính trị có ý kiến chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 liên quan đến xây dựng nhà nước và pháp luật.
Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung những nội dung cơ bản của Hiến pháp 1992 liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước cần phát triển đầy đủ nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp năm 1992 theo hướng: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Bên cạnh đó, xác định rõ trong Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước theo nguyên lý: Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp, Tòa án là cơ quan tư pháp. Tất cả các cơ quan này đều là cơ quan trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước do nhân dân giao phó, ủy quyền trực tiếp qua Hiến pháp.
Từ khi quyền bỏ phiếu tín nhiệm được đưa vào Hiến pháp đến nay, Quốc hội chưa một lần dùng tới quyền - Ảnh minh họa |
Cũng theo kiến nghị này, việc sửa Hiến pháp phải làm rõ: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan lập pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, trừ những việc do nhân dân trực tiếp biểu quyết. Trong đó, nhân dân phải được thực hiện quyền phúc quyết những sửa đổi của Hiến pháp. Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với cá nhân thành viên Chính phủ và tập thể Chính phủ.
Như vậy so với quy định Quốc hội có quyền “bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” tại Điều 84 Hiến pháp hiện hành, nhiều khả năng Chính phủ kiến nghị thu hẹp diện Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm để quy định này có tính khả thi cao hơn.
Thực tế, dù đã được quy định trong Hiến pháp 1992 sửa đổi vào năm 2001 nhưng tới nay, Quốc hội chưa một lần dùng tới quyền bỏ phiếu tín nhiệm của mình.
Tổ chức lại mô hình chính quyền địa phương
Theo quan điểm của Ban Chỉ đạo sơ kết Kế hoạch 900/UBTVQH11 thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW, nếu việc sửa Hiến pháp được tiến hành, thì Hiến pháp sửa đổi phải tính đến việc quy định Thủ tướng Chính phủ có quyền điều động, bổ nhiệm Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp trên điều động, bổ nhiệm Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp sao cho phù hợp. Mặt khác, Hiến pháp phải xác định rõ việc phân cấp giữa trung ương và địa phương; không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường; nghiên cứu chuyển vị trí pháp lý của HĐND thành cơ quan đại diện mang tính chất tự quản.
Còn theo kiến nghị tại dự thảo báo cáo của Chính phủ, Hiến pháp sửa đổi nên quy định Chính quyền địa phương là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm quản lý phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quyền tự quản của nhân dân địa phương theo quy định của Hiến pháp và luật. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương phải được thiết kế phù hợp với tính chất của loại đơn vị hành chính lãnh thổ có tính đến đặc thù vùng, miền; đô thị, nông thôn trên cơ sở tổng kết thí điểm không có HĐND ở một số huyện, quận, phường.
Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử
Tiếp tục định hướng của Nghị quyết 48 và 49, quan điểm mà dự thảo Báo cáo của Chính phủ nêu lên là việc sửa Hiến pháp phải tuân theo nguyên tắc Chính phủ là cơ quan hành pháp cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện chức năng thống nhất quản lý phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật, hiệu lực bộ máy nhà nước từ trung ương tới cơ sở.
Chính phủ có trách nhiệm thực hành quyền công tố, thống nhất quản lý công tác thi hành án và các công tác hành chính – tư pháp, bao gồm cả việc bảo đảm các nguồn lực, các điều kiện cần thiết cho tổ chức, hoạt động của các Tòa án để thực hiện nguyên tắc độc lập của cơ quan xét xử.
Hiến pháp sửa đổi cũng cần xác định được Tòa án là cơ quan tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện chức năng xét xử đối với tất cả các vụ án dân sự, lao động, hành chính, hình sự; các tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử phù hợp với định hướng của Nghị quyết 49/NQ/TW.
Tòa án nhân dân tối cao làm chức năng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của tòa án cấp dưới đã có hiệu lực pháp luật đồng thời thực hiện chức năng hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất, giải thích pháp luật, xây dựng và phát triển án lệ.
Ngoài ra, cần bổ sung quy định về Tòa Hiến pháp (hay Hội đồng bảo hiến) thực hiện chức năng phán quyết về các vi phạm hiến pháp của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp với phạm vi thẩm quyền được mở rộng dần phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa của đất nước trong từng thời kỳ.
Dự kiến, dự thảo Báo cáo này sẽ được trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tới.
Hồng Thuý