-Thưa ông, từ đâu Bộ Tư pháp có ý tưởng tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài”? Xin ông cho biết rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, đối tượng dự thi?
Trước tiên, về ý tưởng, mục đích và ý nghĩa, Cuộc thi nhằm phát huy kết quả tích cực của các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến mà Bộ Tư pháp đã tổ chức trước đó đồng thời để thực hiện hiệu quả Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; đổi mới, đa dạng hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài ra, Cuộc thi còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2022 – năm thứ 10 cả nước tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
Theo đó, ngày 07/7/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 2338/KH-BTP về việc tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài”. Để triển khai Cuộc thi, ngày 14/10/2022, Ban Tổ chức Cuộc thi đã ban hành Thể lệ số 3992/TL-BTC. Cuộc thi sẽ được tổ chức trong vòng 30 ngày, bắt đầu từ 0h00 ngày 25/10/2022 đến 24h00 ngày 25/11/2022.
Cuộc thi được tổ chức nhằm phổ biến, tuyên truyền rộng rãi, nâng cao hiểu biết pháp luật Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật. Qua đó giúp công dân Việt Nam nói chung và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng nâng cao hiểu biết về các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam, góp phần xây dựng quê hương, đất nước; giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật.
Thông qua Cuộc thi, những nội dung pháp luật được chuyển tải đến các đối tượng một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ hơn, sinh động hơn, đối tượng tiếp nhận các kiến thức pháp luật một cách thoải mái và hoàn toàn chủ động, hiểu biết về pháp luật và khả năng áp dụng pháp luật của đối tượng được nâng cao hơn. Nhờ vậy, pháp luật có điều kiện lan toả, dễ đi vào cuộc sống hơn, phát huy hiệu quả tốt hơn.
Theo Thể lệ của Ban Tổ chức, đối tượng tham gia Cuộc thi là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam. Cuộc thi được tổ chức và phát động trên môi trường Internet, không giới hạn về phạm vi địa lý.
Nội dung thi về các quy định về quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài; Luật Cư trú; pháp luật về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bầu cử; xuất cảnh, nhập cảnh; Luật Tương trợ tư pháp; pháp luật về đất đai, nhà ở; các quy định về chính sách bảo hộ của Nhà nước Việt Nam đối với công dân Việt Nam tại nước ngoài cũng như chính sách của Nhà nước Việt Nam trong việc ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong mọi lĩnh vực…
Cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ: https://moj.gov.vn/cuocthitructuyen và được đặt banner trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp và Cổng/Trang thông tin điện tử của một số đơn vị liên quan.
Kết thúc Cuộc thi, Ban Tổ chức sẽ trao nhiều giải thưởng hấp dẫn gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích cho các thí sinh đạt giải tại Cuộc thi.
- Những năm qua, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp tổ chức nhiều cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật. Vậy ông đánh giá như thế nào về điểm khác biệt của cuộc thi này so với các cuộc thi khác?
Hằng năm, Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến với nhiều nội dung đa dạng, phong phú gắn với các lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội và đạt được hiệu quả, hiệu ứng tích cực trong xã hội cũng như người dân. Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài” lần này có nhiều điểm đổi mới, khác biệt với các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến trước đó ở một số điểm như sau:
Thay đổi về cách thức ra đề thi: Thay vì tất cả các thí sinh tham dự cuộc thi cùng trả lời 1 bộ câu hỏi duy nhất như trước, các câu hỏi thi lần này được trộn ngẫu nhiên trong ngân hàng đề thi của Ban Tổ chức cuộc thi đã xây dựng và lấy ý kiến, thẩm định của các chuyên gia, cơ quan, đơn vị liên quan, đầu ngành về lĩnh vực liên quan. Sự thay đổi này nhằm khuyến khích người dự thi cần nâng cao hơn nữa khả năng tự tìm hiểu và nghiên cứu pháp luật khi tham gia cuộc thi, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng bài dự thi của thí sinh cũng như đánh giá một cách thực chất hơn năng lực và mức độ hiểu biết pháp luật của người dự thi.
Thay đổi về đối tượng dự thi: Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến trước kia chủ yếu dành cho đối tượng là người Việt Nam ở trong nước. Tuy nhiên, đối tượng của cuộc thi này đã được mở rộng hơn, không giới hạn về phạm vi địa lý. Theo Thể lệ của Ban Tổ chức, đối tượng tham gia Cuộc thi là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam, gồm các công dân Việt Nam ở nước ngoài và người đã từng mang quốc tịch Việt Nam.
- Sau 2 tuần tổ chức, xin ông cho biết về sức lan tỏa mà cuộc thi này đem lại?
Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam ở nước ngoài” chính thức diễn ra từ ngày 25/10/2022 đã thu hút được sự quan tâm, tham gia thi của đông đảo công dân Việt Nam trong và ngoài nước. Sau 2 tuần diễn ra cuộc thi đến nay đã thu hút được sự quan tâm của gần 100.000 lượt dự thi. Sự tham gia Cuộc thi của đông đảo Nhân dân đã cho thấy tinh thần chủ động học tập, tìm hiểu kiến thức pháp luật, qua đó, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành và bảo vệ pháp luật của người dân giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật.
Với sức lan tỏa như vậy, tôi kỳ vọng Cuộc thi sẽ tiếp tục thu hút đông đảo hơn các công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam, đặc biệt là các công dân Việt Nam ở nước ngoài và người đã từng mang quốc tịch Việt Nam tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc thi, để có thêm kiến thức, nâng cao hiểu biết về các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam hiện nay.
Sự lan tỏa cuộc thi góp phần khẳng định quan điểm, chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước theo quy định tại Điều 18 Hiến pháp năm 2013 và tinh thần của Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Và dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng ngày càng được củng cố.
Trân trọng cảm ơn ông!