Dân chủ, khoa học
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra từ 25/1- 2/2/2021. Để chuẩn bị thật tốt các nội dung của Đại hội, tại Hội nghị lần thứ 8, BCH T.Ư quyết định thành lập 5 Tiểu ban, gồm: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Kinh tế - xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng, Tiểu ban Tổ chức và phục vụ Đại hội, trong đó Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban.
Ngay sau khi được thành lập, các tiểu ban đã làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao; vừa coi trọng tổng kết thực tiễn, nhất là những mô hình mới, cách làm sáng tạo, có hiệu quả trên các lĩnh vực; vừa đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển lý luận, làm rõ và sâu sắc hơn con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta và những vấn đề mới thực tiễn đặt ra. Quá trình chuẩn bị các văn kiện, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các tiểu ban đã phát huy dân chủ, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ lão thành; của các chuyên gia, nhà khoa học và lắng nghe ý kiến của nhân dân…
Chuẩn bị nhân sự BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Bởi vậy, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết: “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc và Hội nghị T.Ư 12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng về những vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Những bài viết và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không chỉ là sự quan tâm sâu sắc, tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, mà đó cũng là quan điểm xuyên suốt, nhất quán của BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, ý chí của cán bộ, đảng viên và nhân dân về Đại hội XIII của Đảng.
Quy hoạch Trung ương trước, lãnh đạo chủ chốt sau
Nhìn lại quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, có thể thấy nhiều nội dung và cách làm mới so với Đại hội XII. Cụ thể là, sau khi BCH T.Ư quyết định thành lập Tiểu ban nhân sự Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược lần này được chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành từng bước, từng việc, thận trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Trên cơ sở giới thiệu quy hoạch của các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc T.Ư, các cơ quan chức năng của Đảng, Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Tiểu ban nhân sự, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rà soát, thẩm định kỹ lưỡng, chặt chẽ từng trường hợp cụ thể trước khi trình BCH T.Ư xem xét, quyết định.
Qua nhiều lần quy hoạch và xem xét, điều chỉnh, bổ sung, BCH T.Ư đã thông qua danh sách quy hoạch hơn 220 đồng chí. Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ dự nguồn cũng được đổi mới, hiệu quả hơn. Trên cơ sở danh sách quy hoạch, Bộ Chính trị tổ chức thành 5 lớp, mỗi lớp học 2,5 tháng và tiến hành hai lớp học song song nên chỉ trong 7,5 tháng đã hoàn thành, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí so với nhiệm kỳ trước (Nhiệm kỳ trước tổ chức thành 6 lớp, mỗi lớp học 4 tháng theo hình thức cuốn chiếu nên phải mất 24 tháng mới xong).
Đặc biệt, việc quy hoạch BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, nhiệm kỳ 2021-2026 được đặc biệt coi trọng về chất lượng và tiến hành theo quy trình chặt chẽ; trước hết tập trung vào quy hoạch nhân sự BCH T.Ư khóa XIII, gắn với nhân sự lãnh đạo Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Quá trình quy hoạch nhân sự Đại hội XIII thì tiến hành quy hoạch BCH T.Ư trước; quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau; cuối cùng là quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Không để lọt cũng không bỏ sót
Một trong những yêu cầu nữa được đề ra là phải xây dựng BCH T.Ư khóa XIII thật sự là một tập thể đoàn kết thống nhất, trong sạch, vững mạnh; có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược; tiêu biểu cho toàn Đảng về trí tuệ, tính chiến đấu, tính kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân và bảo đảm tỷ lệ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số cao hơn nhiệm kỳ Đại hội XII.
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Đoàn Bắc) |
Việc chuẩn bị, giới thiệu và bầu cử BCH T.Ư phải đặt lợi ích của Quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết. Trung ương khẳng định quyết tâm chính trị rất cao trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; kiên quyết không để lọt vào BCH T.Ư những người không xứng đáng; đồng thời, không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển, có tín nhiệm cao trong Đảng và nhân dân, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần nhấn mạnh.
Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý, phù hợp trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XII và bổ sung cách làm mới theo quy trình 5 bước, bảo đảm dân chủ, khách quan hơn. Quy trình công tác nhân sự tiến hành theo trình tự: chuẩn bị nhân sự tái cử trước, nhân sự mới tham gia sau và cuối cùng là trường hợp “đặc biệt”. Những trường hợp “đặc biệt” cần tham gia BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, Bộ Chính trị sẽ xem xét nhiều mặt, cân nhắc kỹ lưỡng và thông qua quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trước khi trình Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu với Đại hội và BCH T.Ư khóa XIII tại Hội nghị lần thứ nhất.
Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được T.Ư xác định không chỉ là trách nhiệm của Tiểu ban nhân sự và BCH T.Ư, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự, Trung ương đã xác định rõ trách nhiệm của tập thể và từng Ủy viên BCH T.Ư; của các cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng. Đặc biệt, Trung ương đã quy định cụ thể tiêu chuẩn của đại biểu dự Đại hội XIII và xác định trách nhiệm của đại biểu trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử tại Đại hội.