Xét xử một vụ án cố ý gây thương tích gây tổn hại 2% sức khoẻ sau hơn 1 năm thu thập chứng cứ dường như vẫn quá sức với một toà án cấp huyện khi xuất hiện quá nhiều sạn trong tố tụng
Không bằng chứng vẫn có tội?
Vũ Thị Lan Anh (SN 18/81991) ở xã Hoàng Tân, Chí Linh bị truy tố tội cố ý gây thương tích vì dùng xà beng gây thương tích cho chị Nguyễn Thị Thuận. Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên toà bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội mà VKS cáo buộc là “dùng xà beng đâm về phía bắp chân bên trái của chị Thuận gây tổn hại 2% sức khoẻ”. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra không thu giữ được hung khí là chiếc xà beng mà chị Lan Anh dùng gây thương tích cho chị Thuận. Song trong cáo trạng đọc tại toà và trong phần luận tội, đại diện VKS lại đề nghị tiêu huỷ…chiếc xà beng.
Không chỉ có vậy, “hung khí nguy hiểm” được các cơ quan tố tụng sử dụng để buộc tội bị cáo không được mang ra tòa để xem có “nguy hiểm” hay không, mà HĐXX chỉ yêu cầu đưa ra… 2 bản ảnh chụp hai chiếc xà beng. Hai bản án đó anh trai của bị hại cung cấp cho các nhân chứng nhận dạng. Qua đó, được tòa sử dụng làm bằng chứng buộc tội bị cáo.
Lời khai của những người chứng kiến bị cáo cầm xà beng đâm bị hại cũng lủng củng. Người thì cho rằng đâm từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, người thì khai cầm xà beng đâm ngang, người thì khai đâm nhiều nhát…. Điều đáng lưu ý là lời khai của những người làm chứng đều được lấy sau 1 năm xảy ra vụ việc tại CQĐT huyện Chí Linh
Nhiều vấn đề chưa rõ ràng như vậy nhưng VKS vẫn buộc tội bị cáo. Khi tranh tụng, đại diện VKS Chí Linh đã không đối đáp để làm sáng tỏ nghi nghi vấn đối với chứng cứ được sử dụng để buộc tội bị cáo, đặc biệt là việc kết luận điều tra có trước kết quả giám định và hung khí không phù hợp với cơ chế gây thương tích mà cơ quan giám định đã chỉ ra. Song VKS vẫn giữ nguyên quan điểm…
Vị thành niên cũng không “miễn”…
Mặc dù kết quả thẩm vấn và kết quả tranh tụng tại đã chứng minh không đủ chứng cứ để buộc tội nhưng bị cáo Vũ Thị Lan Anh vẫn bị gán cho tội danh cố ý gây thương tích. Đặc biệt, những nhận định của đại diện VKS một lần nữa trái luật. Theo đại diện VKS, bị cáo phạm tội khi ở tuổi vị thành niên, nhân thân tốt, lần đầu phạm tội ít nghiêm trong…có tình tiết giảm nhẹ. Nếu nhận định như trên thì theo quy định của pháp luật thì bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự. Thế nhưng, đại diện VKS lại đề nghị HĐXX áp dụng hình phạt từ 6 đến 9 tháng tù giam, ngược hẳn những gì mà chính cơ quan này đã nhận định. Điều ngạc nhiên là quan điểm không phù hợp này lại được HĐXX chấp nhận.
Thực tế diễn biến tại phiên toà sáng ngày 30/9/2010 tại TAND huyện Chí Linh cho thấy việc HĐXX chưa căn cứ vào kết quả thẩm vấn công khai cũng như kết quả tranh tụng tại toà theo tinh thần cải cách tư pháp mà lựa chọn “án bỏ túi ”là một điều đáng tiếc.
Kết quả xét xử vụ án đã gây bất bình cho nhiều người tham dự phiên tòa. Phán quyết của tòa có phù hợp với quy định của pháp luật không, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Minh Anh xung quanh những vấn đề gây tranh cãi của vụ án này.. Thưa Luật sư, điều kiện nào để “bỏ tù” một người gây thương tích cho người khác mà thương tích chỉ có 2%? - Theo quy định của pháp luật, khi gây thương tích cho người khác từ 11% trở lên thì sẽ bị khởi tố và xử lý hình sự nếu người “bị hại” có yêu cầu. Trường hợp gây thương tích nhỏ hơn 11% thì chỉ bị xử lý hình sự khi có điều kiện là có một trong các tình tiết như: dùng hung khí, thủ đoạn nguy hiểm, gây thương tích cho người già, phụ nữ có thai… Trong vụ án này, thương tích của bị hại chỉ có 2% nên để phạt tù bị cáo được phải chứng minh được hung khí nguy hiểm là gì. Nhưng trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra không thu giữ được hung khí thì việc chứng minh hung khí nguy hiểm phải thực hiện như thế nào, thưa ông? - Đây là khó khăn chung của tất cả các vụ án cố ý gây thương tích. Việc thu được hung khí sẽ dễ dàng chứng minh được hung khí đó có phải là “hung khí nguy hiểm hay không”. Đối với những trường hợp không thu giữ được hung khí, thông thường cơ quan tố tụng phải dựa vào kết luận giám định thương tích. Các vết thương do vật sắc nhọn gây ra thì những vật sắc nhọn đó thường là hung khí nguy hiểm. Như vậy, kết luận giám định giữ vai trò mấu chốt của vụ án. Việc khởi tố bị can trước khi có kết luận giám định sẽ là không đúng pháp luật, thưa ông? - Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, việc khởi tố bị can trong các vụ án cố ý gây thương tích phải dựa vào căn cứ là kết luận giám định. Vì, trong các vụ án này, thương tích là căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nếu không xác định được tỷ lệ phần trăm thiệt hại về sức khỏe thì không có căn cứ khởi tố. Do vậy, những trường hợp khởi tố trước khi có kết luận giám định thương tích là không đúng pháp luật. Bình Minh (thực hiện) |
Hồ Thuần Mẫn